Chính phủ Nga và Ukraine đều đổ lỗi cho nhau trong những cuộc pháo kích ở miền đông Ukraine gần đây. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine) |
Với việc làm lộ kế hoạch này, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách ngăn cản Điện Kremlin sử dụng chiến thuật “cờ giả”, nghĩa là tạo ra một lý do hợp lý để khơi mào chiến tranh.
Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng chiến thuật "cờ giả" ngày nay đã khác xưa nhiều. Với nhiều ảnh vệ tinh và video có thể phát trực tiếp từ hiện trường lên mạng xã hội, khi nhà báo và nhiều người khác cùng tham gia vào việc phân tích thông tin, việc tạo ra một cuộc tấn công "cờ giả" trở nên khó hơn nhiều.
Theo ông Scott Radnitz, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại ĐH Washington, cả tấn công "cờ giả" và cáo buộc tấn công "cờ giả" đều có lịch sử từ lâu. Khái niệm này ra đời từ thực tế hải tặc vẫy cờ giả dẫn dụ các tàu hàng lại gần để tấn công. Sau đó, khái niệm này được dùng để gọi bất kỳ cuộc tấn công – thực sự hoặc mô phỏng – để tạo cớ cho việc trả đũa.
Trong thế kỷ 20, có nhiều câu chuyện nổi tiếng liên quan đến "chiến dịch cờ giả". Năm 1939, các điệp viên của Đức quốc xã phát các thông điệp chống Đức từ một đài phát thanh gần Ba Lan. Họ cũng giết hại nhiều thường dân mà họ ép mặc quân phục Ba Lan để tạo cớ cho một cuộc tấn công đã lên kế hoạch trước vào Ba Lan.
Mỹ cũng dính dáng vào những âm mưu tương tự. Chiến dịch Northwoods được dàn dựng để giết người Mỹ và đổ lỗi cho lãnh đạo Cuba, từ đó tạo cớ cho một cuộc tấn công vào Cuba. Tuy nhiên, chính quyền Kennedy cuối cùng đã huỷ bỏ kế hoạch. Vụ nổ đánh đắm tàu chiến USS Maine ở cảng Havana của Cuba năm 1898 khiến 260 người thiệt mạng cũng bị cho là sự kiện do Mỹ dàn dựng.
Gần đây nhất là sự kiện 11/9, một số thuyết âm mưu cho rằng chính quyền của cựu Tổng thống Bush đứng sau vụ phá huỷ toà tháp đôi để có thể hạn chế các quyền tự do dân sự và lấy cớ cho một chiến dịch xâm lược Iraq. Một số chính trị gia Mỹ cũng ủng hộ thuyết âm mưu cho rằng phe Dân chủ đã dàn xếp các vụ xả súng hàng loạt, như ở trường trung học Parkland, bang Florida, vào năm 2018 để dư luận ủng hộ luật kiểm soát súng.
Nhiều rủi ro
Dư luận tin vào các chiến dịch "cờ giả" không phải vì chúng xảy ra phổ biến, mà vì đa số nghĩ rằng các chính trị gia có thể bất chấp tất cả và lợi dụng lúc khủng hoảng.
Bên cạnh đó, các chính phủ hoạt động theo cách tương đối bí mật, dựa vào những công cụ mà dư luận không biết đến nhiều, như tình báo, đặc vụ và vũ khí. Có thể tưởng tượng việc các lãnh đạo chủ ý gây ra những sự kiện ầm ĩ để họ lợi dụng nhằm đạt được mục đích chính trị, bất chấp những phức tạp về hậu cần, về số lượng lớn người phải tham gia và mất mạng.
Ví dụ, từ thực tế là chính quyền Bush lợi dụng cuộc tấn công 11/9 để xâm lược Iraq, một số người cho rằng vì chính quyền Bush hưởng lợi từ sự kiện 11/9 nên có thể họ gây ra sự kiện này, dù bằng chứng cho thấy lực lượng khủng bố mới là thủ phạm.
Theo ông Radnitz, hoài nghi đó cho thấy xu hướng mất niềm tin vào các lãnh đạo, từ đó sẽ gây khó cho những lãnh đạo định thực hiện tấn công cờ giả. Nếu tác động của những cuộc tấn công đó xuất phát từ việc có thể tập hợp sự ủng hộ của dư luận, thì những cuộc tấn công "cờ giả" ngày nay không chỉ không thể kích động cơn giận dữ của dư luận mà còn có thể gây tác dụng ngược.
Ngay cả khi cố tình công bố thông tin tình báo để “trói tay” Nga, chính quyền Biden cũng đang đối mặt với những hoài nghi. Các phóng viên đã bày tỏ nghi ngờ khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cảnh báo về kế hoạch "cờ giả" của Nga, nhất là khi ông Price không đưa ra bằng chứng cho cảnh báo đó.
Những người hoài nghi nhắc đến cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào tháng 8 năm ngoái, khi Mỹ rút khỏi Afghanistan. Khi đó, quân đội Mỹ ban đầu nói rằng chiến dịch tiêu diệt một kẻ định đánh bom tự sát là điều đúng đắn, nhưng người đàn ông đó hoá ra là một người vô tội đã bị Mỹ giết hại cùng gia đình anh. Báo chí đã điều tra và đưa ra bằng chứng không thể chối cãi, khiến Chính phủ Mỹ cuối cùng phải thừa nhận sai lầm.
Các cuộc tấn công "cờ giả" rất phức tạp và có thể gây ra những tác động không mong muốn. Các chính phủ ngày nay phải đối mặt với những thách thức lớn hơn nhiều so với thế kỷ 20 khi định hướng dư luận. Chiến dịch "cờ giả" rất rủi ro, vì thế, các lãnh đạo có thể tìm những lựa chọn khác tinh vi và ít tốn kém hơn.