Phương Tây thổi phồng về việc Nga sẽ tấn công toàn diện Ukraine?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một chiến dịch quân sự quy mô lớn có vẻ không phù hợp với tính toán về tổn thất và lợi ích mà Nga thường làm, các chuyên gia nhận định.
Phương Tây thổi phồng về việc Nga sẽ tấn công toàn diện Ukraine? ảnh 1

Một đoàn xe quân sự Nga đi trên đường cao tốc ở Crimea ngày 18/1/2022. (Ảnh: AP)

Trong năm qua, khi Nga tập hợp lực lượng và vũ khí gần biên giới Ukraine, các lãnh đạo phương Tây liên tục cảnh báo nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công quy mô lớn.

Mátxcơva phủ nhận cáo buộc lên kế hoạch tấn công, dù vẫn chưa rút lực lượng khỏi biên giới. Một số nhà quan sát diễn giải những tuyên bố này của Nga là không đúng sự thật, thậm chí cáo buộc giới chức Nga chuẩn bị cớ để tấn công quốc gia láng giềng Ukraine.

Mátxcơva chưa mất tiếng nói với Kiev ở vùng Donbass, và gần như quân đội Ukraine không thể chấm dứt phong trào nổi dậy ở đó khi Nga vẫn ủng hộ. Nếu Điện Kremlin muốn gây sức ép lên Chính phủ Ukraine, họ đơn giản chỉ cần tìm cách leo thang xung đột ở miền đông, chứ không nhất thiết phải điều động binh lính ồ ạt.

Tuy nhiên, theo một bài viết của chuyên gia đăng trên Al Jazeera, nếu xem lại kỹ càng cách hành động của Nga trong 2 thập kỷ qua, có thể thấy Mátxcơva không nhất thiết phải lừa dối cộng đồng quốc tế. Một cuộc chiến toàn diện ở Ukraine không thực sự phù hợp với cách Điện Kremlin sử dụng quyền lực cứng trong các ván cờ địa - chính trị. Những ví dụ ở Georgia, Syria, Libya, và hiện nay là Ukraine, cho thấy Nga theo đuổi cách làm hiệu quả về chi phí.

Trong các trường hợp, Chính phủ Nga hiểu rõ về những rủi ro trên thực địa. Họ đã có những phân tích cẩn thận về chi phí và đề ra mục tiêu hạn chế nhưng rõ ràng cho việc sử dụng quyền lực cứng. Chính sách hiệu quả về chi phí là một lựa chọn tỉnh táo vì các nhà hoạch định chính sách Nga hiểu rõ rằng họ không có đủ phương tiện để duy trì một cuộc chiến quy mô lớn, bài viết trên Al Jazeera nhận định.

Từ Georgia đến Syria và Libya

Rõ ràng Nga đã tính toán về chi phí trước khi bước vào cuộc chiến Georgia năm 2008, trong đó Nga can thiệp để hỗ trợ phe ly khai ở các vùng Nam Ossetia và Abkhazia chống lại quân Chính phủ Georgia.

Khi đó, lực lượng Nga không thực sự đối mặt với lực lượng mạnh, nên có thể dễ dàng đẩy lùi quân đội Georgia ở Nam Ossetia sau vài ngày. Khi hoàn thành mục tiêu đẩy lùi quân đội Georgia khỏi Nam Ossetia và Abkhazia, Mátxcơva sẵn sàng tham gia tiến trình hoà giải của châu Âu.

Quân đội Nga có thể cắt đôi Georgia hoàn toàn, giành kiểm soát các tuyến vận tải dầu và khí đốt từ Azerbaijan sang Thổ Nhĩ Kỳ, gây tê liệt hệ thống chính trị và kinh tế. Tuy nhiên, những tổn thất ở tầm khu vực và toàn cầu quá cao nếu làm như vậy, nên Nga chỉ dừng lại ở một chiến dịch hạn chế.

Tính toán tương tự được đưa ra trước khi Nga tiến vào Syria để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad năm 2015. Khi đó, Mátxcơva không triển khai lực lượng trên bộ ồ ạt như Mỹ làm ở Afghanistan và Iraq, mà chỉ sử dụng sức mạnh cứng ở quy mô hạn chế, với các máy bay chiến đấu, lực lượng đặc nhiệm, cố vấn quân sự và tàu hải quân.

Để hạ thấp rủi ro, các nhà ngoại giao Nga đối thoại với nhiều bên liên quan, như Mỹ, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ vào nhiều giai đoạn của cuộc chiến. Những đối thoại này bảo đảm lực lượng nổi dậy không được cung cấp vũ khí chống máy bay, từ đó bảo đảm ưu thế trên không của lực lượng quân đội Nga và Chính phủ Syria.

Việc Nga dội bom ồ ạt những khu vực mà lực lượng nổi dậy kiểm soát đã hỗ trợ hiệu quả chính quyền Syria để chuyển từ phòng thủ sang tấn công. Chỉ trong vòng vài tháng, Damascus, với sự hỗ trợ của Nga và Iran, đã giành lại quyền kiểm soát những dải đất rộng khắp, và trong 3 năm đã đẩy lực lượng nổi dậy khỏi nhiều thành trì đến chỗ co cụm ở vùng tây bắc. Nga đạt được mục tiêu với chi phí thấp nhất về tiền bạc và thương vong, thậm chí giành điểm về ngoại giao trên vũ đài quốc tế so với các cường quốc phương Tây.

Khi được mời can thiệp vào xung đột ở Libya, Mátxcơva thậm chí còn đưa ra cam kết nhỏ hơn nhưng vẫn đạt được nhiều thứ. Sự tham gia của Nga chỉ dừng ở việc triển khai lực lượng đánh thuê và cung cấp vũ khí cho lực lượng của tướng Khalifa Haftar ở miền đông. Dù chiến dịch đánh vào thủ đô Tripoli của ông Haftar cuối cùng không thành, Nga không rơi vào thế thất bại, mà trở thành bên trung gian hoà giải giữa Chính phủ Libya với lực lượng của tướng Haftar.

Tính toán ở Ukraine

Khi can thiệp vào Ukraine năm 2014, sau cuộc "cách mạng Maidan" chống chính quyền của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, Nga cũng có tính toán tương tự về tổn thất. Nga không thực hiện một cuộc tấn công lớn vào quốc gia láng giềng yếu hơn, mà các chuyên gia nói rằng Nga đã âm thầm đưa lực lượng không đeo phù hiệu vào bán đảo Crimea, dù Mátxcơva phủ nhận điều này. Crimea là nơi Nga đặt nhiều tài sản quân sự chiến lược của Hạm đội Biển Đen.

Nga tập hợp lực lượng ở biên giới không phải là để tấn công Kiev, mà nhằm vào phương Tây. Mátxcơva muốn ép phương Tây phải ngồi xuống bàn đàm phán về những vấn đề liên quan đến an ninh châu Âu. Chiến lược này có vẻ đã hiệu quả. Từ năm 1991, đây là lần đầu tiên phương Tây đối thoại nghiêm túc với Nga về an ninh châu Âu.

Sau đó, Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ mà không gây đổ máu, nhờ một cuộc trưng cầu dân ý và thực hiện việc sáp nhập để hoàn thành “ý chí của người dân”. Nga không tiến sâu hơn nữa vào Ukraine. Một cuộc chiến toàn diện không phải phương pháp của Nga và Kiev không phải mục tiêu mà Mátxcơva đề ra.

Trong khi đó, lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine nổi lên đã gây ra nhiều thách thức cho chính quyền ở Kiev, nhờ đó Mátxcơva có tiếng nói đáng kể đối với Ukraine với chi phí thấp nhất.

Giờ đây, 8 năm sau khi xung đột nổ ra ở Đông Ukraine, Nga đang tập hợp một lực lượng lớn binh lính và vũ khí gần biên giới quốc gia láng giềng. Liệu Nga có thay đổi cách làm?

Mátxcơva chưa mất tiếng nói với Kiev ở vùng Donbass, và gần như quân đội Ukraine không thể chấm dứt phong trào nổi dậy ở đó khi Nga vẫn ủng hộ. Nếu Điện Kremlin muốn gây sức ép lên Chính phủ Ukraine, họ đơn giản chỉ cần tìm cách leo thang xung đột ở miền đông, chứ không nhất thiết phải điều động binh lính ồ ạt, bài viết của Al Jazeera nhận định.

Trên thực tế, chỉ riêng việc đưa một đội quân lớn đến biên giới đã gây đủ thiệt hại cho Ukraine: gây tổn thất nặng nề về kinh tế.

Vì thế, giới chuyên gia cho rằng việc Nga tập hợp lực lượng ở biên giới không phải là để tấn công Kiev, mà nhằm vào phương Tây. Mátxcơva muốn ép phương Tây phải ngồi xuống bàn đàm phán về những vấn đề liên quan đến an ninh châu Âu. Chiến lược này có vẻ đã hiệu quả. Từ năm 1991, đây là lần đầu tiên phương Tây đối thoại nghiêm túc với Nga về an ninh châu Âu.

Giới chức Nga hiểu rằng Ukraine sẽ không gia nhập NATO, vì hiện tại liên minh quân sự của phương Tây không thể hiện sự nhiệt tình nào với điều này. Điều Kremlin lo ngại là nguy cơ Mỹ đưa tên lửa đến Ukraine.

Mátxcơva muốn thoả thuận trong nhiều vấn đề, như dừng đưa tên lửa đạn đạo tầm trung đến châu Âu và hạn chế tập trận ở khu vực gần biên giới Nga. Ngày 17/12, Nga đã đưa những nội dung này vào bản yêu cầu gửi đến cả Mỹ và NATO.

Theo Al Jazeera, AP
MỚI - NÓNG