Phát biểu trên truyền hình tối 21/2, ông Putin thông báo đã ký thông qua sắc lệnh công nhận sự độc lập của hai quốc gia ly khai tự xưng: “Tôi cho rằng cần phải đưa ra quyết định mà lẽ ra phải được đưa ra từ lâu để ngay lập tức công nhận Cộng hoà Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hoà nhân dân Lugansk (LPR)”.
Tổng thống Nga nói đây là kết quả trực tiếp từ sự thất bại của các thỏa thuận Minsk năm 2014, được xây dựng để chấm dứt chiến tranh. “Họ không quan tâm đến các giải pháp hòa bình”, ông Putin nhấn mạnh. “Mỗi ngày họ đều tập trung quân đội ở Donbass.”
Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự lễ ký sắc lệnh công nhận hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine là các quốc gia độc lập. Tham dự sự kiện có hai nhà lãnh đạo của các nước cộng hòa tự xưng là Leonid Pasechnik và Denis Pushilin. Ảnh: Reuters |
Ảnh: Reuters |
Ông Putin chỉ trích Kiev vì “chủ nghĩa dân tộc cực đoan” và “nỗi ám ảnh với Nga”, viện dẫn việc đóng các hãng tin truyền thông bằng tiếng Nga và ban hành các quy định mà ông Putin cho là phân biệt đối xử với người nói tiếng Nga ở Ukraine.
Ông Putin cũng cáo buộc Kiev đang đưa người đến phá hoại các cơ sở hạ tầng của Nga và cố gắng “lôi kéo các quốc gia nước ngoài vào cuộc xung đột với Mátxcơva”. Ông nhấn mạnh, tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Ukraine sẽ tạo nên "mối đe dọa nhằm vào Nga”.
Tổng thống Nga cũng đề cập đến nguồn gốc của Ukraine và mối quan hệ của nước Cộng hoà Liên Xô cũ này với Mátxcơva.
“Hãy để tôi nhấn mạnh một lần nữa rằng Ukraine không chỉ là một quốc gia láng giềng đối với chúng tôi. Đó là một phần không thể thiếu trong lịch sử, văn hóa và thế giới tinh thần của chúng tôi. Người Ukraine là những người mà chúng tôi có quan hệ huyết thống, quan hệ gia đình, là bạn bè, hàng xóm và đồng nghiệp.”
Hai nước cộng hoà tự xưng Donetsk và Lugansk nằm trên biên giới Nga - Ukraine. Bản đồ: Economist |
Không lâu sau khi bài phát biểu được phát sóng, Điện Kremlin tiết lộ rằng ông Putin trước đó đã thông báo cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng ông dự định ký sắc lệnh công nhận DPR và LPR “trong tương lai gần”. Lãnh đạo Pháp - Đức “bày tỏ sự thất vọng với diễn biến này,” nhưng nhấn mạnh họ sẵn sàng duy trì các nỗ lực ngoại giao.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh các lực lượng trung thành với phe ly khai và quân đội Ukraine cáo buộc nhau thực hiện các cuộc pháo kích dữ dội trên khắp chiến tuyến.
Hôm 21/2, Denis Pushilin và Leonid Pasechnik, các nhà lãnh đạo của DPR và LPR, đã kêu gọi sự ủng hộ của Mátxcơva cho nền độc lập của họ. Ông Putin sau đó đã chủ trì một cuộc họp trên truyền hình với Hội đồng An ninh Nga để xem xét yêu cầu, trong đó ông được các quan chức hàng đầu thúc giục công nhận sự độc lập của cả hai khu vực.
Donetsk và Lugansk tuyên bố tách khỏi sự kiểm soát của Kiev vào năm 2014, sau sự kiện Maidan, khi các cuộc biểu tình bạo lực nổ ra trên đường phố Ukraine, lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ ở Ukraine.
Tuy nhiên cho đến nay, ngoài Nga vẫn chưa có bất kỳ quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc nào khác công nhận họ là quốc gia có chủ quyền. Trước khi ban hành sắc lệnh mới nhất, Mátxcơva vẫn ủng hộ các thỏa thuận Minsk được xây dựng để mang lại một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột và hòa giải Donbass với Kiev.
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi một giải pháp ngoại giao cho tình hình hiện tại. “Tất cả những gì Kiev cần làm là ngồi xuống bàn đàm phán với các đại diện của Donbass và thống nhất các biện pháp chính trị, quân sự, kinh tế và nhân đạo để chấm dứt cuộc xung đột này. Việc này cần được tiến hành càng sớm càng tốt”, ông Putin nhấn mạnh.