Những bạn trẻ “không tên”
Trong những ngày đại dịch COVID-19 diễn ra nghiêm trọng nhất tại TPHCM, tôi được cơ quan cấp cho giấy đi đường để viết bài. Việc đầu tiên, tôi đi xe máy tới quận 8, để xem tình hình chống dịch thế nào.
Quận 8, TPHCM là một quận có số lượng F0 lớn, các khu dân cư chật hẹp, ngõ ngách tối tăm, có nơi cả ngày không nhìn thấy ánh nắng mặt trời. Trong những ngày cao điểm của đại dịch COVID-19, người dân đều ở trong nhà, cầu chữ Y vắng tanh, thỉnh thoảng thấy xe cấp cứu chạy. Nhưng tôi vẫn thấy từng tổ khoảng 5-7 người, mặc áo bảo hộ, đi từng ngõ từng ngõ, đến tận các gia đình có F0. Từ trên cầu nhìn xuống, tôi cảm giác họ là hiện thân của sức sống vẫn lan tỏa đến từng căn nhà đang gánh chịu cơn đại dịch.
Đi xe máy xuống khu phố, tôi gặp những người áo xanh trùm kín ấy. Hóa ra, họ còn rất trẻ, chỉ mười chín, hai mươi thôi. Tất cả đều bịt kín, chỉ hở hai con mắt. Một người lên tiếng: “Chúng em là sinh viên trường Đại học Y Thái Bình ạ! Chúng em ngại lên báo lắm. Chúng em không nói tên đâu ạ. Bác cứ ghi là sinh viên ngoài Bắc vào Nam chống dịch là được ạ”.
Phút vui đùa lạc quan của các sinh viên Cao đẳng Y tế Bạch Mai sau giờ đi lấy mẫu xét nghiệm tại quận 7, TPHCM |
Câu được câu mất, họ đã theo chân lực lượng thanh niên của Thành Đoàn TPHCM, công an khu vực, tổ dân phố, đi vào ngõ sâu mất hút. Hóa ra trong ấy đang có một ổ F0 vừa mới phát hiện, cần phải phong tỏa, cấp phát thuốc. Thế đấy, khi có dịch, mọi người đều rút hết vào nhà, hoặc giãn dân đi nơi khác, còn các sinh viên lại vội vã tới tận từng ngóc ngách để dập dịch.
Chị Mỹ Liên, nhân viên y tế của phường 8, quận 8 nói với tôi: “Cảm động lắm nhà báo ơi! Các em sinh viên ngoài Bắc vào hỗ trợ trạm y tế phường chống dịch đến nay gần hai tháng rồi. Công việc chính là đi lấy mẫu xét nghiệm F0, tham gia vào Trạm y tế lưu động do bên bộ đội tổ chức. Các em làm việc suốt tuần, không có ngày nghỉ”.
Sinh viên Đại học Y Thái Bình lấy mẫu xét nghiệm tại Quận 8, TPHCM Ảnh: Trần Nguyên Anh |
Trạm y tế của phường rất neo người, trạm trưởng được điều vào bệnh viện dã chiến tăng cường chống dịch, nên chỉ còn lại 4 người, trong đó 3 nữ. Dịch bệnh nổ ra, trong số 12.000 dân đã phát hiện khoảng 700 F0, có ít nhất 12 người qua đời vì COVID-19. Bác sĩ Sơn, người bác sĩ duy nhất của trạm nói: “4 em sinh viên trường Đại học Y Thái Bình giúp chúng tôi đủ mọi việc, nhất là ban ngày. Các em không ngại khó, không sợ nguy hiểm, nơi đâu khó khăn nhất, các em đều có mặt cả”.
Những người dân ở chân cầu chữ Y coi sinh viên như những người thân trong gia đình, ai cũng thích. Bác bảo vệ trạm xá nói: “Tác phong các em rất năng động, tính tình lễ phép, nhiệt tình, cả phường ai cũng mến, cũng thương”. Trong bốn sinh viên Trường đại học Y Thái Bình tăng cường chống dịch cho phường 8, thì ba người không trả lời phỏng vấn, lý do là “xấu hổ”, “cả đời chưa lên báo lần nào bác ơi”.
Bạn Nguyễn Đình Minh, sinh viên năm 4, Đại học Y Thái Bình tâm sự: “Đoàn trường chúng em vào TPHCM chống dịch có 100 người, được phân công về nhiều phường khác nhau. Tại phường 8 này, chúng em ngày ngày đi lấy mẫu, hỗ trợ quân y tiêm vắc-xin. Lúc đầu chúng em bỡ ngỡ, giờ quen rồi, sống và làm việc ổn định rồi”. Nguyễn Đình Minh còn nói: “Người dân rất thương chúng em, nấu cơm cho chúng em ăn mỗi ngày”.
Chị Mỹ Liên nhận xét: “Do nhân sự trạm y tế rất mỏng nên việc lấy mẫu phần nhiều là do các bạn sinh viên thực hiện, có sự hỗ trợ của địa phương và quân y. F0 được bóc tách khỏi cộng đồng, dịch bệnh được khống chế, phần nhiều là nhờ vào công sức các sinh viên đi lấy mẫu test”.
Nhiệt huyết của tuổi trẻ
Cô Huế là cán bộ Trường cao đẳng y tế Bạch Mai đưa sinh viên vào TPHCM chống dịch. Cô nói: “Chúng tôi xuất quân thần tốc, buổi sáng nhận lệnh, chiều là bay vào TPHCM. Bản thân tôi đầu tiên vào hỗ trợ cho bệnh viện dã chiến, sau đó sinh viên vào thì tôi quản lý một đội sinh viên chống dịch tại quận 7, TPHCM”. Cô Huế cho biết: “Tôi đi chống dịch TPHCM đã hai tháng, chồng tôi là huấn luyện viên Đội tuyển bắn cung quốc gia, đưa học trò đi dự Olympic Tokyo hai tháng cũng chưa về nhà. Con chúng tôi còn nhỏ, đứa lớn năm nay vào lớp một, học online thì nhờ ông bà nội hướng dẫn. Rất nhớ chồng con, nhưng đã vào đây thì hết lòng cùng người dân TPHCM chống dịch”.
Nhận xét về các sinh viên, cô Huế nói: “Các em sinh viên đều tình nguyện, xung phong vào TPHCM. Nhiệt huyết tuổi trẻ, bao nhiêu khó khăn đều vượt qua. Từ chuyện ăn uống ban đầu không hợp khẩu vị, tới điều kiện sinh hoạt. Cả tháng nay chúng tôi ở trong một trường mầm non, có em được giường xếp để nằm, không thì ngủ trên sàn nhà. Đi lấy mẫu xét nghiệm suốt tháng, không nghỉ ngày nào. Ăn cơm do phường nấu đưa xuống. Tất cả các em đều hăng say làm việc, tất cả vì đồng bào miền Nam”.
Cô Hòa, người dân ở phường Phú Mỹ nhận xét: “Các em sinh viên đến gõ cửa từng căn hộ chung cư Phú Mỹ lấy mẫu, mấy lần kịp thời phát hiện F0, nên dịch bệnh không bùng phát tại đây”. Ngày 23/9/2021 là đợt lấy mẫu xét nghiệm gần nhất tại khu chung cư Phú Mỹ và đội lấy mẫu của sinh viên Cao đẳng Y tế Bạch Mai hôm đó họ vẫn phát hiện ra F0 tại chung cư này. Việc bóc tách kịp thời các ca nhiễm mới giúp tăng độ an toàn cho khu chung cư nhiều người già và em nhỏ.
Phương Thảo, sinh viên năm thứ hai của Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai đang vào tăng cường chống dịch tại quận 7 TPHCM. Mỗi khi có thông tin về những ca F0 mới, thậm chí ngay khi các ca F0 xấu số qua đời thì Phương Thảo cùng các bạn sinh viên lại lập tức đến để lấy mẫu tầm soát những người trong gia đình nạn nhân, hàng xóm, ngõ phố.
Phương Thảo nói: “Chúng em thương các gia đình nạn nhân, nhất là những hộ nghèo thì lại càng thêm thương. Đôi khi cũng thấy sợ, nhất là lúc đến lấy mẫu ở những nơi vừa có bệnh nhân F0 qua đời. Nhưng đã nguyện bước chân vào ngành y, tất cả đều vì sức khỏe của mọi người nên cùng động viên nhau làm thật tốt công việc”.
Cô Huế nói: “Tôi thương sinh viên của tôi, tính mua thêm cái gì cho các em ăn uống cho vui, nhưng giãn cách xã hội, hàng quán đóng cửa hết, không mua được gì cho các em”. Cô sợ các em ra ngoài phố, bị lây nhiễm cộng đồng, nên thường dặn: “Chúng ta vào đây chống dịch, đi làm về, ai ở phòng nấy. Quyết tâm không thành F0, không trở thành gánh nặng cho thành phố”. Chính từ lời khuyên của cô mà chưa một sinh viên nào nhiễm COVID-19 dù ngày nào họ cũng lấy được các mẫu F0. Buổi tối đi làm về, các bạn nằm trên giường xếp, xem ti vi qua điện thoại, ngủ để sáng mai lại đi lấy mẫu tiếp.