Những kỷ niệm biên tập nhớ đời

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trước khi và trong khi làm việc tại báo Tiền Phong, tôi có nhiều duyên nợ với việc viết và biên tập bài viết bằng tiếng Việt, tiếng Anh, trong đó có những kỷ niệm khó phai liên quan cây trồng biến đổi gien, võ thuật và hậu quả chiến tranh.
Những kỷ niệm biên tập nhớ đời ảnh 1

Cây trồng biến đổi gien

Khoảng đầu những năm 2010 khi thực phẩm biến đổi gien ở Việt Nam còn là một khái niệm mới mẻ, thậm chí lạ lẫm với nhiều người tiêu dùng, phóng viên có viết một bài về hiện trạng cây trồng biến đổi gien trên thế giới cũng như ở nước ta. Bài viết dẫn ý kiến hai chiều cả ủng hộ và phản đối việc trồng thực vật biến đổi gien và chế biến chúng làm thức ăn cho người, vật nuôi, tuy nhiên nội dung chính của bài nghiêng về ủng hộ nhiều hơn.

Những kỷ niệm biên tập nhớ đời ảnh 2

Ông Trần Việt Trung ngồi giữa các môn đệ. Ảnh: Thái An

Lúc đó, qua báo chí nước ngoài, tôi biết, các nhà khoa học Pháp kết luận rằng, thuốc diệt cỏ Roundup và loại ngô biến đổi gien bán rất chạy của Monsanto (công ty Mỹ sản xuất chất độc da cam sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam, tác động tiêu cực đến sức khỏe. Trong khi đó, Bộ NN & PTNT phê duyệt một nghiên cứu thực địa của tập đoàn Syngenta (trụ sở ở Thụy Sĩ) về giống ngô biến đổi gene MIR 162 chống được sâu bướm.

Những kỷ niệm biên tập nhớ đời ảnh 3

Một trong khoảng 40 bức ký họa đen trắng được lưu giữ từ trận Long Tân

Ảnh: Operation Wandering Souls

Bài viết của phóng viên dẫn lời một giáo sư sinh học Việt Nam rằng, cây trồng biến đổi gien hoàn toàn an toàn, không có tác hại gì tới con người, chưa có công trình nghiên cứu nào cho thấy sự mất an toàn của loại sản phẩm này. Vì rất hâm mộ, tin tưởng vị giáo sư này nên nhận định của ông khiến tôi có suy nghĩ: “Chuyên gia, nhà khoa học uy tín nói thế chả lẽ sai? Trước cái mới, cái chưa biết, người ta thường e dè, sợ sệt. Thôi, duyệt”.

Tôi duyệt bài để đăng, nhưng một biên tập viên người nước ngoài khi đọc bài này đã hỏi: “Vị giáo sư này là ai, phát biểu với tư cách gì?”. Tôi đáp: “Một nhà sinh vật học nổi tiếng, vì thời gian in gấp nên không kịp hỏi thêm”. Không thỏa mãn với câu trả lời của tôi, vị biên tập viên tự mình tìm kiếm một hồi và cuối cùng đề nghị tôi đưa thêm thông tin bối cảnh vào để bạn đọc có sự đánh giá, nhận định toàn diện hơn, khách quan hơn về vấn đề thực phẩm biến đổi gien. Tôi không nhớ chính xác thông tin bổ sung ấy là gì, chỉ nhớ đại ý vị giáo sư là thành viên của một tổ chức chuyên ủng hộ, khuyến khích sử dụng cây trồng, thực phẩm biến đổi gien.

Cao thủ võ thuật

Vốn đam mê võ thuật bằng miệng (tức là chỉ giỏi “chém gió”, dốt quyền cước), tôi hay lọ mọ tìm cách phỏng vấn các cao thủ võ lâm ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài. Được gặp gỡ, trò chuyện với họ, xem họ múa quyền, đả mộc nhân, sử binh khí, luận bàn võ đạo…, tôi thấy sáng mắt sáng lòng hơn. Thậm chí, họ còn vô tình dạy ngược tôi nghề biên tập, nghề đẽo câu gọt từ, nghề đánh bóng mạ kền con chữ (tôi làm thư ký tòa soạn trong phần lớn thời gian làm báo của mình).

Năm 2016, tôi viết bài bằng tiếng Anh với mong muốn góp phần quảng bá Việt Võ Đạo (Vivonam) ra thế giới nên phỏng vấn ông Lê Hải Bình – lúc đó là Phó Tổng thư ký Liên đoàn Vovinam Việt Nam và là người phát ngôn Bộ Ngoại giao (ông Bình hiện là Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương).

Trong bài có đoạn đại ý: “Tại lễ khai mạc khóa học, anh Bình mặc đồng phục màu xanh, đai đỏ (biểu tượng của lửa và máu), cấp bậc cao thứ hai sau đai trắng (biểu tượng của sự trong sạch) trong hệ thống đai của Vovinam, nói với phóng viên: “Sau giờ làm việc, tôi đến đây để dạy miễn phí. Tôi rất vui khi thấy các bạn vẫn luyện tập Vovinam một cách nhiệt tình và vẫn chờ đợi mỗi khi tôi đến muộn”.

Đưa bài cho ông Bình xem, ông sửa rất ít nhưng rất đúng, rất trúng, rất đẹp, thể hiện một cái tâm, một cái tầm vượt trội. “Tại lễ khai mạc khóa học, anh Bình… nói với phóng viên: “Cũng như các môn võ cổ truyền khác của Việt Nam, Vovinam đại diện cho bản sắc Việt Nam, thể hiện tinh thần yêu chuộng hoà bình nhưng kiên cường, bất khuất. Trong quá trình hội nhập quốc tế, việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam là rất quan trọng”.

Những kỷ niệm biên tập nhớ đời ảnh 4

Ông Lê Hải Bình đang thị phạm tay không đoạt dao. Ảnh: NVCC

Rất nghiêm túc, nghiêm nghị trong công việc chuyên môn nhưng ông Bình cũng rất hòa đồng, vui vẻ, hài hước, “thanh niên tính” khi trò chuyện đời thường. Ông đã chát chít với tôi về Vovinam, về Vịnh Xuân quyền nhưng tinh thần vượt qua võ thuật. “Đang cố tìm hiểu võ ‘mồm’ theo gương cô Vương Ngữ Yên thôi, anh Bình “Đoàn Dự” ạ. - Hehe, em làm sao mà làm Đoàn Dự được ông anh. Mong anh thu xếp thời gian cho gặp mặt, mời anh cốc bia để cảm ơn (và nhân tiện moi bí kíp võ công). - Chưa biết ai moi của ai, hehe”.

Ba năm sau, tôi viết về võ sư Trần Việt Trung, mở đầu có đoạn: “Căn phòng nhỏ ấm cúng chứa đầy sách nước ngoài, thảo dược và binh khí lạnh ở vùng ngoại ô yên tĩnh của thủ đô Hà Nội là nơi thường xuyên lui tới của một doanh nhân tóc bạc - người đã sáng lập chi phái Vịnh Xuân mới, chữa khỏi bệnh cho nhiều người dựa trên võ thuật và y học Trung Quốc và viết những cuốn sách bán chạy nhất về hai lĩnh vực này”.

Chuyện về võ sư-lương y-nhà văn-doanh nhân Trần Việt Trung kể cả ngày không hết, tôi chỉ xin ghi lại đôi lời góp ý chí tình chí lý của ông cho bài viết. “Cháu tham khảo thêm câu đối ở bàn thờ: "Y liệu thế bệnh – Võ thu nhân tâm" (Y chữa bệnh thế cuộc - Võ thu phục nhân tâm), mình biết chuyển sang tiếng Anh là khó sát ý. Những tư tưởng và nhận định về Y, Võ của hôm nay và ngày mai là đúng với suy nghĩ của mình dành cho xã hội”.

Năm 2009, Trung Quốc cấp phép trồng thử nghiệm trên đồng ruộng hai giống lúa biến đổi gien, theo Xinhua. Sau đó, nước này cho phép nhập khẩu ngô và đậu nành biến đổi gien, cũng như trồng hạt tiêu, cà chua, đu đủ… biến đổi gien. Năm 2010, Monsanto đạt lãi ròng 1,1 tỷ USD, trong khi lãi ròng của Syngenta là 1,4 tỷ USD.

Tôi kết thúc bài viết về ông Trung bằng câu: “Bây giờ, võ thuật phải kết hợp với giáo dục, chú trọng đến đạo đức, nhân cách và rèn luyện. Luyện tập võ thuật khiến con người mạnh mẽ hơn, tự tin hơn và đặc biệt là nhân hậu hơn. Tôi hy vọng rằng võ thuật sẽ được dạy ở trường học giống như một số môn thể thao hiện nay”, vị võ sư nói khi nhìn ra hàng rào nhà phủ đầy hoa kim ngân, một loại dây leo có chùm hoa màu đỏ dùng làm thảo dược”.

Tiếc rằng, câu cuối cùng viết về kim ngân hoa (Đông y ví như vương dược giải độc) bị biên tập viên cắt đi. Tiếc vì ý tôi muốn nhắc bạn đọc rằng, ông Trung không chỉ là võ sư truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò mà còn là lương y cứu sống nhiều người và ngôi nhà ông ở ngoại ô thực sự là một tổ ấm xanh.

“Những linh hồn không còn phiêu bạt”

Đó là tiêu đề một bài lên trang bìa báo Tiền Phong năm 2013, sau một số tin bài liên quan đăng trên Tiền Phong Online. Tôi viết về “Những linh hồn phiêu bạt” (Operation Wandering Souls) - dự án hỗ trợ Việt Nam xác định vị trí chôn cất cũng như nhận diện những quân nhân Việt Nam mất tích trong các trận đụng độ với lực lượng của Australia và New Zealand hồi Chiến tranh Việt Nam.

“Tôi sáng lập 'Dưỡng sinh nhu quyền' để Vịnh Xuân phù hợp hơn với vóc dáng, tầm vóc của người Việt Nam và thời hiện đại, tập trung vào yếu tố mềm mại, uyển chuyển như xà, như hạc” . Võ sư

Trần Việt Trung

Ngoài xúc cảm mạnh mẽ mà những kỷ vật, kỷ niệm thời chiến đem lại như “Câu chuyện chiếc nhẫn”, “Bức ký họa Long Tân”…, những người Úc làm dự án, những người Việt liên quan cũng khiến tôi cảm thấy may mắn vì có cơ hội tiếp xúc, trao đổi để bài viết đúng hơn, đủ hơn, đẹp hơn. Liên hệ với ông Nguyễn Quang Trung, lúc đó là Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Australia, ông cho biết: “Operation Wandering Souls không phải là dự án của Chính phủ Australia mà là dự án của nhóm nghiên cứu do Tiến sỹ Bob Hall – một cựu chiến binh của Chiến tranh Việt Nam phụ trách. Nhóm này thuộc Đại học New South Wales có chi nhánh tại thủ đô Canberra (trụ sở đặt tại Học viện Quốc phòng Australia)… Chiến tranh Việt Nam để lại những di chứng với mức độ khác nhau cho các cựu binh Úc. Nhiều người có cảm giác dằn vặt, tự vấn mình trong nhiều năm, có người không chịu đựng nổi đã tìm đến cái chết”.

MỚI - NÓNG