70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 11: Đến để kiêu hãnh và tự hào…

0:00 / 0:00
0:00
TP - Du khách thập phương, đặc biệt là các cựu chiến binh về thăm Điện Biên Phủ những ngày này đều hài lòng, xúc động khi tham quan các di tích được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị. Tỉnh Điện Biên đang mong muốn xây dựng quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ thành công viên thực cảnh về chiến trường để vừa bảo tồn, vừa tạo động lực phát triển du lịch, kinh tế - xã hội cho địa phương...

Quên hết mệt mỏi, nắng nóng

Chỉ mới tháng Tư nhưng tiết trời thành phố Điện Biên Phủ năm nay đã nóng như chảo lửa. Nhưng dường như, dòng người trong và ngoài nước về thăm Điện Biên Phủ dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng “chấn động địa cầu” không mấy quan tâm đến điều đó. Họ đến đây ngày một đông, để được thăm các di tích, xem những kỷ vật, được sống trong không khí hào hùng của chiến trận năm xưa.

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 11: Đến để kiêu hãnh và tự hào…  ảnh 1

Đồi A1, được bảo tồn khá nguyên vẹn.

Dưới chân Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, cựu chiến binh Trần Quý Lân (61 tuổi) đến từ huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ cho hay, sau 6 năm nghỉ hưu, nay ông trở lại thăm các di tích của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trở lại Điện Biên lần này, ông thực sự vui mừng, tự hào, bởi các di tích được bảo tồn, giữ gìn nguyên vẹn, phục vụ tốt cho những du khách tham quan như ông.

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 11: Đến để kiêu hãnh và tự hào…  ảnh 2

Hầm Đờ Cát được bảo tồn theo hướng vĩnh cửu.

“Tôi có mấy chục năm công tác tại Quân khu 2. Như bao người lính khác, sau nhiều năm nghỉ hưu, chúng tôi muốn quay lại thăm các chiến trường, nhất là chiến trường Điện Biên Phủ này. Đi thăm bảo tàng Điện Biên, Đồi A1, Hầm Đờ Cát, Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng…, chúng tôi rất phấn khởi khi được chiêm ngưỡng các di tích, xem các hiện vật lịch sử. Tất cả được bảo tồn rất tốt, khiến những người lính như chúng tôi được trở về với quá khứ hào hùng”.

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 11: Đến để kiêu hãnh và tự hào…  ảnh 3

Di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ được bảo tồn nguyên vẹn.

Ông Luân nói rằng, những công trình, kỷ vật được bảo tồn, trưng bày ở Điện Biên Phủ không chỉ giúp lớp trẻ nhớ ơn thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương và tuổi trẻ để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc mà còn khơi dậy cho lớp trẻ niềm tự hào dân tộc, để kế thừa và phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống Cách mạng vẻ vang của cha ông.

Trên đường đi, chúng tôi gặp cựu chiến binh Nguyễn Văn Thái (quê Yên Thành, tỉnh Nghệ An), 72 tuổi vẫn phăng phăng leo dốc hơn 2km tham quan Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng. Khi tôi hỏi bác có mệt không, ông nói được về thăm chiến trường xưa của cha ông, được ngắm nhìn những di tích được bảo tồn nguyên vẹn, cảnh quan sạch đẹp, hướng dẫn viên giới thiệu chi tiết về di tích, ông cảm thấy hạnh phúc, tự hào, quên đi mệt mỏi.

Vừa bảo tồn nguyên trạng vừa “vĩnh cửu hóa”

“Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ tới đây sẽ tiếp tục có nhiều bước tiến, kết quả khởi sắc. Chúng tôi quyết tâm từng bước đưa Điện Biên trở thành một trong những trung tâm trọng điểm về du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái, tâm linh và nghỉ dưỡng của khu vực Trung du miền núi phía Bắc” - ông Vừ A Bằng

Quần thể Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt vào năm 2009 với 45 điểm di tích thành phần, nằm trên địa bàn các huyện: Tuần Giáo, Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ. Cùng đi tham quan các di tích, ông Phạm Văn Thắng, Trưởng Phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết, xác định giá trị, ý nghĩa và vai trò quan trọng của di tích chiến trường Điện Biên Phủ, trong những năm qua, công tác bảo tồn, tôn tạo di tích Chiến trường Điện Biên Phủ đã được Đảng, Chính phủ mà trực tiếp là tỉnh Điện Biên nỗ lực, tích cực thực hiện.

Theo ông Thắng, Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ hiện nay đã trở thành tượng đài lịch sử, tô điểm cho truyền thống hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước kiên cường, bất khuất của dân tộc ta. Các di tích thành nơi khắc ghi cống hiến, hy sinh của các tướng lĩnh, cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và quân dân cả nước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Qua tham quan, chúng tôi thấy rằng, các di tích lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ vừa được bảo tồn nguyên trạng, vừa “vĩnh cửu hóa” một số hạng mục như lời ông Thắng nói. Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng, lán và nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái… được bảo tồn nguyên vẹn. Các lán được lợp bằng lá cọ, ngăn giữa các phòng được dùng bằng tre nứa. Hầm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hầm của các cơ quan được bê tông kiên cố… Đồi A1, Hầm tướng Đờ Cát … được bảo tồn vĩnh cửu hóa bằng bê tông. Ngoài ra, Đường Kéo pháo bằng tay; Trận địa pháo 105 ly của Đại đội 806 (Tiểu đoàn 954, Trung đoàn 45); Bãi họp các quân binh chủng tuyên bố chiến thắng… được xây dựng kiên cố.

Đặc biệt, tỉnh Điện Biên đã đầu tư xây dựng, hoàn thành giai đoạn 2 công trình Nhà Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, trưng bày gần 1.000 hiện vật gốc, một số tài liệu, ảnh, tái hiện một cách sinh động, rõ nét cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta. Điểm nhấn quan trọng thu hút khách du lịch tham quan là bức tranh Panorama tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, bố cục hình tròn, dài 132m, cao 20,5m, đường kính 42m với tổng diện tích là 3.225m2. Đây là tác phẩm nghệ thuật độc đáo của nhiều lĩnh vực như hội họa, sắp đặt, âm nhạc, lịch sử, điêu khắc... mang tầm cỡ thế giới được du khách đặc biệt yêu thích.

Công viên thực cảnh trong tương lai

Dù bận nhiều công việc chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên vẫn dành thời gian dẫn chúng tôi thăm Bảo tàng Điện Biên Phủ. Vừa thăm các hạng mục, hiện vật được trưng bày, ông Bằng vừa chia sẻ: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, du lịch của Điện Biên đã và sẽ phát triển trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trong đó, trọng tâm là khai thác các tiềm năng về lịch sử, văn hóa nhằm đưa Điện Biên trở thành điểm đến hấp dẫn. “Chúng tôi xác định bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử, đặc biệt di tích Chiến trường Điện Biên Phủ là nhiệm vụ quan trọng nhất. Trong đó, chúng tôi đang thu hút đầu tư xây dựng công viên thực cảnh, giới thiệu toàn cảnh về Chiến trường Điện Biên Phủ, phát huy nét văn hóa đặc sắc của dân tộc để tạo nên hệ sinh thái du lịch đồng bộ, thu hút du khách, đưa kinh tế của tỉnh phát triển”, ông Bằng cho hay.

Về định hướng tương lai, UBND tỉnh Điện Biên đã xây dựng “Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030”. Ông Bằng nói: “Đề án hướng tới tái hiện cảnh quan lịch sử, hình ảnh chiến trường tại các điểm di tích, tăng tính thuyết phục, hấp dẫn cho di tích, tạo nên một quần thể di tích tương xứng với tầm vóc vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đề án cũng đặt mục tiêu khai thác những giá trị văn hóa đa dạng, phong phú của đồng bào các dân tộc Điện Biên để thu hút khách du lịch, đưa kinh tế Điện Biên ngày một phát triển”, ông Bằng cho biết thêm.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Nhận định Man City vs MU, 23h30 ngày 15/12: Cơ hội cho Quỷ đỏ
Nhận định Man City vs MU, 23h30 ngày 15/12: Cơ hội cho Quỷ đỏ
TPO - Nhận định bóng đá Man City vs MU, vòng 16 Ngoại hạng Anh 2024/25 lúc 23h30 ngày 15/12 - thông tin lực lượng, đội hình dự kiến, phong độ, lịch sử đối đầu. Man City đang suy yếu, mang đến cơ hội tuyệt vời để MU tạo ra sự khác biệt sau những kết quả nghèo nàn ở các trận derby Manchester trước.
Pep đáp trả tin đồn thất thiệt trước trận derby Manchester
Pep đáp trả tin đồn thất thiệt trước trận derby Manchester
TPO - Pep Guardiola khẳng định ông "không đánh mất phòng thay đồ" tại Manchester City. Ông tuyên bố rằng ngay khi cảm nhận được các học trò không ủng hộ mình, vị HLV này sẽ rời đi ngay lập tức. Đây là thông điệp đanh thép của Pep nhằm phủ nhận những mâu thuẫn nội bộ tại Man City.