Với 57.029,84ha rừng nguyên sinh và đất lâm nghiệp, sở hữu nhiều loài động vật quý hiếm, Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) luôn trở thành tâm điểm của thợ săn và lâm tặc. Bởi lẽ đó, cuộc “chiến” bảo vệ thú rừng ở đây luôn khốc liệt.
Lật tìm bẫy, giải cứu thú rừng
Chiều cuối năm, những vệt nắng vàng như mật len lỏi qua kẽ lá rọi xuống cánh rừng sâu tạo nên khung cảnh huyền ảo. Lưng vác ba lô, chân mang dép quai, mặt bám đất, anh Đinh Hữu Chức (SN 1989), nhân viên Vườn quốc gia Vũ Quang dùng cây gậy từ từ gạt lớp lá giữa cánh rừng rậm để tìm những chiếc bẫy động vật hoang dã. “Chúng tôi nhiệm vụ ngoài tuần tra rừng còn gỡ những chiếc bẫy được con người đặt dưới đất nhằm bắt thú rừng. Dịp cuối năm, đường đi vất vả, nhưng anh em không thể dừng chân vì đây là nhiệm vụ”, anh Chức chia sẻ.
Nhiều năm làm nhiệm vụ bảo vệ rừng ở Vườn quốc gia Vũ Quang, anh Chức đã thông thuộc từng địa hình, vị trí của các đồi núi. Hai năm qua, kể từ khi thành lập đội tuần tra và tháo gỡ bẫy, anh Chức cùng các thành viên trong nhóm đã thực hiện hàng trăm chuyến vào rừng, tháo gỡ được hơn 1.500 bẫy, phá được gần 30 lán trại xây dựng trái phép.
Nhắc đến những chuyến vào rừng sâu, anh Chức trải lòng: “Giờ tình hình đã ổn, người dân đã ý thức hơn, biết giữ rừng. Còn trước đây vất vả hơn nhiều. Khi bị phát hiện, tịch thu thú bị bẫy, có những nhóm thợ săn mang dao ra chống trả…”.
Những bữa cơm vội của nhân viên bảo vệ rừng ở Vườn quốc gia Vũ Quang. |
Những chuyến ngược vào rừng sâu của anh Chức còn có thêm 4 người khác cùng đi. Dưới cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, dốc đá cheo leo nhưng những bước chân của nhóm người làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, tháo bẫy giải thoát cho động vật trở nên chắc nịch. Hành trang mang theo trên vai trong các chuyến đi là thực phẩm, chăn màn, bật lửa, dụng cụ y tế, ống nhòm…
"Vất vả, khó khăn lắm nhưng anh em trong nhóm luôn động viên, cố gắng làm việc. Đây vừa là nhiệm vụ, vừa vì núi rừng, vì loài thú", anh Chức tâm sự.
Ẩn dưới những tán cây cổ thụ, không chỉ là vô số loài động vật mà bẫy được đặt khắp nơi. Khu vực thường được thợ săn chọn là hồ nước, sông suối, vì đây là những vị trí con vật thường xuất hiện di chuyển đi uống nước. Mỗi chuyến hành trình vào rừng kéo dài nhiều ngày liền, có những đợt nhóm gỡ bẫy phải ở rừng tận 10-15 ngày.
Mỗi đợt vào rừng, nhân viên Vườn quốc gia Vũ Quang phải nấu ăn, ngủ tại rừng. |
Nhiều năm trước, khi người dân địa phương còn sống ven lòng hồ Ngàn Trươi, kinh tế chủ yếu phụ thuộc từ rừng, bởi vậy nên công tác bảo vệ rừng khó khăn hơn. Để cứu thú rừng, cán bộ bảo vệ không ít lần giáp mặt với nhóm lâm tặc hung hãn, manh động.
“Chúng tôi thực hiện tuần tra thường xuyên, nhưng để phát hiện, tháo gỡ được hết bẫy thú rừng ở đây là rất khó, mất nhiều thời gian. Bởi lẽ, không chỉ người dân địa phương, mà còn có rất nhiều thợ săn là người dân ở các địa phương khác cũng ngày đêm lén lút, xâm nhập vào rừng này để săn bắn, bẫy bắt thú rừng trái phép”, anh Chức chia sẻ.
Những bước chân không nghỉ
Để muông thú dưới những cánh rừng đại ngàn Trường Sơn của Hà Tĩnh không còn gặp bất trắc từ những chiếc bẫy được giăng mắc khắp nhiều lối đi và cây rừng không còn đổ xuống bởi sự tàn phá của lâm tặc, những “biệt đội” gỡ bẫy thú rừng này đang hàng ngày, miệt mài sải những bước chân không biết mệt mỏi trên đại ngàn.
Các loại bẫy thú thường gặp ở đây như bẫy dây rút, bẫy lưới, bẫy kẹp…; trong đó phổ biến nhất là bẫy dây rút vì loại này đơn giản, dễ lắp đặt trong rừng. Các bẫy này không chỉ gây tổn thương và chết các động vật hoang dã, mà còn làm giảm đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái của khu vực. Những cuộc tìm kiếm bẫy thú rừng không chỉ là những khó khăn về địa hình mà còn tiềm ẩn nguy hiểm cho cán bộ bảo vệ rừng. Chỉ cần sơ suất, không có kinh nghiệm người bảo vệ rừng cũng dễ giẫm vào bẫy của thú.
Từ năm 2023 đến nay, đội đã tháo gỡ được hơn 1.500 bẫy, phá được gần 30 lán trại xây dựng trái phép. |
Theo những người gỡ bẫy thú, thông thường khi giăng bẫy, thợ săn dựng lán và sống dài ngày trong rừng để chờ thành quả. Những con thú có giá trị thương mại cao bị dính bẫy, họ bắt rồi cho gùi ra khỏi rừng để bán. Khi thợ săn rút ra khỏi rừng, những chiếc bẫy này vẫn tồn tại và những con thú khác đi ngang qua lại tiếp tục dính bẫy và chết rục.
“Có những con thú may mắn được phát hiện sớm, giải cứu nên thoát nạn. Đối với những con thú dính bẫy bị thương sẽ được sơ cứu rồi thả ra, còn bị thương nặng hơn được mang ra trung tâm cứu hộ của Vườn quốc gia Vũ Quang có đội điều trị, chăm sóc riêng”, thành viên trong đội tuần tra, tháo gỡ bẫy nói.
Vượt suối để tuần tra bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Vũ Quang. |
Theo lãnh đạo Vườn quốc gia Vũ Quang, thời gian vừa qua, vườn được dự án VFBC tài trợ rất nhiều chương trình hoạt động và hỗ trợ nâng cao năng lực các hoạt động từ cơ sở vật chất cho đến các trang thiết bị. Đặc biệt dự án VFBC đã hỗ trợ cho vườn thành lập tổ tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng (gọi tắt là CPT). Và để phát huy tối đa hiệu quả vườn đã kiện toàn hai tổ, thường xuyên ở trong rừng phục vụ cho việc tháo gỡ các bẫy còn sót lại trong rừng. Ngoài ra tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cũng như công tác bảo vệ động vật hoang dã đối với người dân.
“Nhiệm vụ của những đội CPT của Vườn quốc gia Vũ Quang là liên tục thực hiện những chuyến tuần tra dài ngày xuyên khu rừng, tìm kiếm, tháo gỡ bẫy thú và giải cứu động vật hoang dã. Ngoài mục tiêu giảm thiểu mối đe dọa đa dạng sinh học từ bẫy thông qua nỗ lực tuần tra dựa vào cộng đồng còn giải quyết được thực trạng thiếu nhân lực kiểm lâm của Vườn quốc gia Vũ Quang trong công tác tuần tra bảo vệ rừng tại khu vực. Cùng với đó tạo công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư vùng đệm, cũng như tuyên truyền phổ biến ý thức bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học tới cộng đồng”, đại diện Vườn quốc gia Vũ Quang cho hay.
Vườn quốc gia Vũ Quang được thành lập theo quyết định số 102/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 30-7-2002, được công nhận là "Vườn Di sản ASEAN" năm 2018, nằm trên địa bàn các huyện Vũ Quang, Hương Khê và Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh).
Hiện Vườn đang quản lý, bảo vệ 57.029,84 ha rừng và đất lâm nghiệp. Đây là một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam, nơi lưu giữ nhiều nguồn gen rất giá trị cho công tác bảo tồn. Trong đó, có nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm, có tên trong danh mục sách đỏ IUCN và Sách đỏ Việt Nam, cần được ưu tiên bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt.