Nhà văn Nguyễn Một: 'Ngọn lửa' của Tiền Phong đã truyền qua tôi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trước khi chuyển qua nghề báo tôi là nhà giáo và có tham gia viết văn nên không biết chút gì về nghề báo. Năm 1996, nhà báo Trần Đình Thu- Báo Thanh Niên tìm về Long Khánh viết bài về tôi: “Niềm vui của anh Tổng Phụ trách Đội”. Sau đó, khi đã thân thiết Thu bảo: “Ông phải viết báo chứ viết văn không đủ sống. Việt Nam mình may ra có nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sống bằng nghề viết văn, tuy vậy ngay cả anh Ánh vẫn là cộng tác viên tích cực của nhiều tờ báo”.

“Tôi chẳng biết gì về nghề báo cả sao làm được!”… “Thì học thôi, nghề báo tự học là chính, tui chỉ cho ông, văn là nghiệp, báo là cái nghề, mà nghề thì học được hết ông đừng lo. Tui thấy tạng ông phù hợp với báo Tiền Phong đó là tờ báo khi viết có chút văn vẫn đăng được”… “Ừ tôi thích báo Tiền Phong, vì cán bộ Đoàn nên tôi đọc thường xuyên tờ báo này ở Huyện Đoàn”. Tôi nói thế.

Và từ đó Thu dạy tôi viết tin bài gửi cho Thu để đăng trên báo Tiền Phong. Mỗi bài viết đã đăng báo, Thu gửi lại để tôi so sánh với bài viết ban đầu và tự tìm hiểu cách viết báo. Cứ thứ bảy hàng tuần Thu chạy chiếc xe Yamaha cà tàng từ Sài Gòn về ngồi trước ngạch cửa của căn hộ tập thể lôi trong cái túi du lịch cũ kỹ ra một mớ phong bì của các báo, rồi mở ra chia tiền nhuận bút. “Cái tin này mười lăm ngàn, tui bảy ngàn rưỡi ông bảy ngàn rưỡi, cái bài này hai trăm ngàn, tui một trăm, ông một trăm; cái bài này một trăm năm chục ngàn mình ông viết và đứng tên, tui không tham gia nên của ông hết”, cứ nhẩn nha như thế Trần Đình Thu ngồi chia sòng phẳng số tiền mà tôi và Thu cùng viết cho đến khi tôi tự đứng tên một mình trên báo.

Nhà văn Nguyễn Một: 'Ngọn lửa' của Tiền Phong đã truyền qua tôi ảnh 1

Nguyễn Một chụp hình chung với các nhà văn trong buổi ra mắt cuốn sách mới nhất: “Từ giờ thứ 6 đến giờ thứ 9”.

Giữa năm 1998, tại Hội nghị Những người viết văn trẻ lần 5 mà tôi là đại diện cho các Nhà văn trẻ tỉnh Đồng Nai tham dự. Tại Hà Nội, tôi đã gặp nhà thơ Dương Xuân Nam- Tổng Biên tập báo Tiền Phong ngày đó. Biết tôi thường xuyên cộng tác và yêu quý báo Tiền Phong, anh nhận về báo Tiền Phong làm phóng viên thường trú Đồng Nai với mức lương gấp sáu lần lương giáo viên. Trước nhiều đại biểu dự Hội nghị, anh Nam còn giới thiệu: “Đây là nhà văn trẻ Nguyễn Một ở Đồng Nai, nhưng cũng là phóng viên báo Tiền Phong”.

Sau khi được nhận làm phóng viên báo Tiền Phong, bài viết chính thức đầu tiên tôi thực hiện là tin về cầu sập trên quốc lộ 1 ở Bình Thuận. Tôi còn nhớ vào một ngày mùa mưa, khoảng mười giờ khuya, trời mưa tầm tã, mưa miền Đông ào ạt trút nước như ai “cầm chỉnh mà đổ”, tôi đang cuộn tròn trong chăn đọc sách thì anh Đặng Ngọc Khoa thường trú báo Thanh Niên (nay đã mất) đến dựng tôi dậy bảo: “Đi!”. “Đi đâu?”. “Đi làm báo!”. “Trời! Mưa lũ như vầy mà đi sao?” - Tôi kêu lên. “Cầu gãy ngoài Bình Thuận, lũ về hàng trăm ngôi nhà bị cuốn trôi, ở đó mà nệm ấm chăn êm, làm báo chi lạ rứa. Gọi điện về tòa soạn đi, bảo chờ tin cầu gãy để mai xe miền Bắc khỏi vô, mất công bà con. Mặc áo mưa vào lên đường nhìn cho tận mắt rồi đưa tin viết bài” - Anh Khoa giải thích.

Nhà văn Nguyễn Một - Nguyên phóng viên báo Tiền Phong, hiện là Giám đốc cao cấp Văn hoá Truyền thông Tập đoàn THACO và là Ủy viên Hội đồng văn xuôi- Hội Nhà văn Việt Nam.

Đêm hôm ấy mưa mờ mịt, tôi và anh Khoa trùm áo mưa chạy xe máy vượt hơn trăm cây số từ Biên Hoà (Đồng Nai) về Bình Thuận để kiểm chứng nguồn tin. Thời đó tôi còn chưa có được chiếc điện thoại di động nên sau khi chứng kiến cây cầu gãy, tôi phải chạy ngược về Bưu điện La Gi cách đó hơn chục cây, gọi điện thoại về cho anh Tuyến - Trưởng Đại diện báo Tiền Phong ở phía Nam để báo tin. Sau đó anh Tuyến gọi ra Hà Nội bảo toà soạn chờ tin của tôi. Và tôi tranh thủ ngồi viết, fax trực tiếp ra toà soạn những thông tin nóng bỏng. Sáng hôm sau cầm tờ báo, thấy tin của tôi xuất hiện ở trang đầu tiên, tôi đã mừng rơi nước mắt. Tôi không ngờ chỉ một cái tin của nhà báo tập sự mà anh em tòa soạn phải thức đến 2h sáng. Từ đó tôi mới biết nghề báo không đơn giản như tôi nghĩ.

Nhà văn Nguyễn Một: 'Ngọn lửa' của Tiền Phong đã truyền qua tôi ảnh 2

Nguyễn Một và ê kíp truyền thông Tập đoàn Thaco.

Nhà văn Nguyễn Một: 'Ngọn lửa' của Tiền Phong đã truyền qua tôi ảnh 3

Nguyễn Một đại diện cho Tập đoàn Thaco trao tặng giải thưởng cho cầu thủ Quang Hải.

Từ một nhà giáo, rồi viết văn, rồi tập viết báo, tôi ngây ngô và nhút nhát trước cuộc đời, những bài báo tôi viết ra từng nhợt nhạt thiếu lửa nên tôi học bằng cách đọc tất cả bài viết, phóng sự của bậc đàn anh, như Xuân Ba, Trần Hiếu. Rồi nhờ các bạn đồng nghiệp như Đăng Giới, Trọng Thịnh, Lý Thành Tâm… đưa tôi vào cuộc với các phóng sự xã hội, điều tra, những bài viết của tôi trên Tiền Phong lúc ấy đều có ngọn lửa từ anh em trong Tiền Phong truyền qua.

Cũng từ “ngọn lửa” đó tôi bắt đầu xông vào các đề tài nhạy cảm về đất đai ở Nhơn Trạch, chuyện nông trường ở Sông Ray tôi bị anh em giang hồ đe dọa, bị những thế lực cảnh cáo, vợ tôi luôn mất ngủ vì những cuộc gọi nửa đêm, vì những hòn đá ném vào cửa. Nhờ mối quan hệ với công an nhà báo Đăng Giới phải nhờ can thiệp tôi mới yên thân. Từ một anh giáo làng chỉ biết loay hoay với giáo án và những bài học của học trò, tôi đã trở thành một anh phóng viên thường trú, lao vào với những chuyến đi để hoà mình vào cuộc sống của những người dân, cùng sống, cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn với họ. Những chuyến đi như thế không chỉ đem lại cho tôi những tư liệu cho các bài báo mà còn cho tôi thêm sự thấu hiểu, thêm sự trăn trở trước những biến chuyển trong cuộc sống. Sự dấn thân này không chỉ cho tôi thêm những bài báo mà hành trang trên những trang văn của tôi cũng đầy đặn hơn, thực tiễn hơn.

Sáng hôm sau cầm tờ báo, thấy tin của tôi xuất hiện ở trang đầu tiên, tôi đã mừng rơi nước mắt. Tôi không ngờ chỉ một cái tin của nhà báo tập sự mà anh em tòa soạn phải thức đến 2h sáng. Từ đó tôi mới biết nghề báo không đơn giản như tôi nghĩ.

Rồi báo chí cũng bị cuốn theo cơn lốc kinh tế thị trường, “chế độ định mức” ra đời, tôi thường xuyên bị nhắc nhở vì thiếu định mức. Lúc ấy tôi gặp doanh nhân Trần Bá Dương, anh nói: “Ông không có tố chất làm báo đâu, về làm văn hóa cho tôi rồi tranh thủ viết văn, nhà văn mà viết báo rất dễ gặp rủi ro.” Nhận thấy có cơ hội “bình an”, vợ tôi thúc giục hàng đêm, tôi đành cắn răng rời nghề báo để trở thành người của doanh nghiệp sản xuất.

Dù đã đi khỏi báo mười sáu năm nhưng trái tim tôi lúc nào cũng hướng về báo Tiền Phong nơi cho tôi những bài học, những kinh nghiệm và cả những người bạn tuyệt vời. Dù đi đâu, tôi vẫn luôn coi báo Tiền Phong là ngôi nhà thứ 2 của tôi, ngôi nhà ấy đã chở che, đã đồng hành với tôi một thời. Ông chủ tôi cũng biết tình yêu tôi dành cho báo Tiền Phong nên luôn tạo điều kiện cho tôi “bày tỏ tình yêu” của mình với những đóng góp khiêm tốn vào tờ báo đã từng cưu mang một quãng đời của tôi.

Kỷ niệm 70 năm thành lập báo Tiền Phong, là một người cũ của Báo, tôi xin chúc báo Tiền Phong mãi là người bạn, là người đồng hành với mọi người dân, với thế hệ trẻ trên con đường lập nghiệp và phát triển.

MỚI - NÓNG