Tác nghiệp giữa biển nóng Hoàng Sa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đến ngày 10/6/2014 tôi mới được lên tàu ra Hoàng Sa, sau rất nhiều công văn gửi tới các cấp và chờ đợi. Tình thế tại vùng biển nóng Hoàng Sa nơi phía Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam lúc ấy diễn biến và thay đổi nhanh theo từng ngày. Đã có một số phóng viên các báo hoàn tất các đợt tác nghiệp tại thực địa Hoàng Sa trở về, khiến tôi càng nóng ruột.
 Tác nghiệp giữa biển nóng Hoàng Sa ảnh 1

Lý do của sự chậm chân này, cũng do tôi phải ở nhà “giữ gôn” đón nhận, xử lý tin bài, hình ảnh cho các phóng viên trẻ trong Ban miền Trung của mình đi trước gửi về. Trước đó, ngay từ đợt đầu Ban miền Trung đã kết nối để phóng viên Nguyễn Huy theo tàu Cảnh sát biển ra thực địa. Đó là ngày 11/5/2014. Ngay sau đó, chiều ngày 13/5, đến lượt phóng viên Nam Cường đi theo tàu cá của ngư dân quận Thanh Khê (Đà Nẵng) cùng với 12 ngư dân vượt sóng ra Hoàng Sa đánh bắt hải sản như mọi chuyến đi bình thường khác. Tới Hoàng Sa, Nam Cường tìm cách lên các tàu của lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển để bám trụ tiếp cận khu vực giàn khoan.

 Tác nghiệp giữa biển nóng Hoàng Sa ảnh 2

PV Nguyễn Thành tại Vùng 2 CSB ghi lại tường thuật của PV Tiền Phong đọc về từ điểm nóng Hoàng Sa tháng 5/2014

Tiếp đó tôi kết nối để hai phóng viên được tăng viện từ tòa soạn là Nguyễn Công Khanh (Hà Nội vào), và Hoàng Nam (thường trú ở Quảng Bình) lần lượt theo các lực lượng chấp pháp ra tác nghiệp tại thực địa…

Phương tiện thông tin kết nối với Hoàng Sa của phóng viên những chuyến đầu chưa có gì, kinh nghiệm tác nghiệp từ hiện trường đặc biệt này cũng là lần đầu tiên, hơn nữa sự kiện hết sức quan trọng và nhạy cảm không được phép để xảy ra bất kỳ sai sót nào về thông tin, hình ảnh, nên quả thực việc tiếp nhận và xử lý tin tức những ngày ấy hết sức căng thẳng.

Nam Cường những ngày đầu nhờ Icom của tàu cá để gửi thông tin về, nên tôi phải chạy tới nhà ngư dân chờ chực nhận tin. Còn tin bài, hình ảnh của Nguyễn Huy gửi về Vùng 2 Cảnh sát biển đóng tại cảng Kỳ Hà (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), nên Nguyễn Thành lúc ấy là phóng viên thường trú tại Quảng Nam ngày mấy lượt đội mưa đội nắng chạy xe máy vượt hơn 50 cây số từ Tam Kỳ xuống Kỳ Hà “hóng chờ”. Thông thường phóng viên từ thực địa nhờ anh em cơ yếu trên tàu cho gọi điện về Vùng 2, tường thuật diễn biến trên biển. Nguyễn Thành chờ sẵn, vừa kẹp điện thoại ghi âm nguyên văn, vừa nhanh tay chép lại những nội dung chính rồi gửi cho tôi để biên tập xử lý.

Thời ấy chưa có các loại app hỗ trợ, cũng chưa có tòa soạn điện tử như bây giờ, nên mọi thứ phải làm thủ công. Đến khi Nam Cường bám được các tàu của kiểm ngư và cảnh sát biển, quy trình tiếp nhận tin bài cũng vậy, thông qua sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư. Hai nữ phóng viên trẻ tập sự là Hoài Văn và Thanh Trần liên tục bám cảng cá đón những chuyến về từ Hoàng Sa của ngư dân, những đợt trao quà cho ngư dân vươn khơi bám biển. Tại Quảng Ngãi, điểm nóng Lý Sơn đã có CTV Anh Thư, cùng Lê Văn Chương, phản ánh không khí sôi sục của ngư dân.

 Tác nghiệp giữa biển nóng Hoàng Sa ảnh 3

Nhà báo Trần Tuấn tác nghiệp tại Hoàng Sa trong sự kiện giàn khoan HD981. Ảnh: My Lăng

Những ngày trước, và sau khi đi Hoàng Sa, Nam Cường con thoi giữa Đà Nẵng và Lý Sơn, còn Nguyễn Huy bám quân cảng Vùng 3 Hải quân bên Sơn Trà, bám sát từng diễn biến sự kiện, theo từng con tàu bị thương trở về. Nguyễn Huy còn tích cực liên hệ phỏng vấn các chuyên gia pháp lý quốc tế về Biển Đông. Rồi liên tục là những đợt chúng tôi thăm hỏi, động viên và tặng quà của bạn đọc báo Tiền Phong cho gia đình các kiểm ngư viên, chiến sĩ cảnh sát biển đang làm nhiệm vụ nơi vùng biển nóng. Những tháng ngày cả trăm triệu người dân Việt cùng hướng về Hoàng Sa, không khí báo chí cũng sôi sục…

Giờ đây, chứa trong các ổ cứng của tôi nhiều nhất là những gì thuộc về Hoàng Sa HD981/2014. Là những tin bài, hình ảnh, ghi âm, video clips tới hơn 2.000 files, gần 7GB, nếu tính cả Trường Sa sẽ hơn chục GB. Lâu lâu mở lại những file ghi âm, những dòng chữ ghi đầu và cuối mỗi tin bài “Tường thuật của phóng viên… từ điểm nóng Hoàng Sa”, “Phóng viên… điện thoại từ Hoàng Sa - Nguyễn Thành lược ghi” lại thấy nôn nao cảm xúc. Và những dòng trên đầu mỗi bản tin, ký sự, hình ảnh của tôi “Kính nhờ các đồng chí BTL CSBVN gửi về địa chỉ email tienphongbtk@... và nguyenthanhbc@... Trần Tuấn – phóng viên báo Tiền Phong đang trên tàu CSB 8003 – Hoàng Sa”.

* * *

Tôi theo tàu CSB 2016 ra Hoàng Sa đúng thời điểm áp thấp nhiệt đới chuyển thành bão số 1 tại vùng biển này. Con tàu thuộc dạng nhỏ bé nhất trong đội hình tàu chấp pháp của ta đợt ấy, nhưng chỉ ít ngày trước đó đã bị tàu Trung Quốc đâm thủng 4 lỗ sát mép nước, chạy về Đà Nẵng “băng bó” xong lại đưa cánh báo chí ra “chiến trường”. Có đến 11 cơ quan báo chí nước ngoài đi cùng chuyến này, các nhà báo đủ mọi quốc tịch. Dọc theo hành lang, và cả trên boong tàu, các phóng viên mặc áo phao kè kè máy móc trên người, choãi chân căng người bám lấy một thứ gì đó để đứng vững, mắt luôn hướng ra ngoài quan sát. Sóng gió vùi dập ai nấy lử lả bỏ ăn, nhưng không thể bỏ “bản năng săn mồi” của người làm báo trong hải trình đặc biệt này.

 Tác nghiệp giữa biển nóng Hoàng Sa ảnh 4

Nhà báo Trần Tuấn - áo trắng - với lá cờ Tổ quốc bị thương giữa sóng gió Hoàng Sa.
Ảnh: Đức Hạnh

Buổi sớm hôm sau vừa quan sát từ xa thấy bóng chiếc tàu hộ vệ tên lửa đầu tiên của Trung Quốc, tôi bò lên boong tàu đang gió mưa ràn rạt. Vừa thò đầu ra đã thấy Muroi Yasaku, phóng viên Đài truyền hình TBS Nhật Bản ở đó từ lúc nào, đang hướng máy quay về phía con tàu chiến khổng lồ vừa tường thuật qua vệ tinh. Thấy cảnh chênh vênh giữa sóng lớn tôi hốt hoảng kêu lên hãy cẩn thận, anh chàng phóng viên nhỏ thó kính cận quay lại nhoẻn cười. Nhớ lại có lần trên tàu CSB 8003 anh chàng phóng viên kênh truyền hình CNBC của Mỹ Danien Siong Tzin Chung người gốc Hàn Quốc đang đứng quay phim bên cửa cabin thì tàu đang chạy hết tốc lực bất ngờ vấp phải cột sóng lớn, hất ngã văng ra sàn tàu. Bác sĩ vội chạy lên băng bó cầm máu hai ống chân, Chung nén đau mỉm cười bập bẹ tiếng Việt “Cám ơn Việt Nam”. Nhớ tàu CSB 4033 của thuyền trưởng Lê Trung Thành buổi sáng ấy tiếp cận sát giàn khoan, lập tức bị đội tàu hùng hậu của Trung Quốc lao ra. “Truy sát” hung hăng nhất là tàu hải cảnh 32101, mũi tàu bọc loại thép phá băng nhọn hoắt xốc tới hết tốc lực xẻ ra hai cột sóng cao hàng chục mét, mà sau này máy trưởng Nguyễn Văn Dũng mới bảo, tàu mình lúc ấy đang chạy cả 3 máy, chỉ cần khựng lại một chút thì với khoảng cách quá gần tàu mình sẽ bị…xẻ làm đôi! Nhưng khi ấy, cánh phóng viên ai nấy vẫn trụ vững, lưng đeo dây an toàn vào cột inox trên sàn tàu đề phòng bị sóng lớn hoặc vòi rồng hất văng xuống biển để bình tĩnh tác nghiệp.

Nói thêm một chút về máy trưởng tàu CSB 4033 Nguyễn Văn Dũng. Người mấy tháng sau đó trở thành nhân vật đặc biệt trong chương trình Điều ước thứ Bảy của VTV3, khi anh bất ngờ được nhà đài tổ chức đám cưới với cô người yêu xinh đẹp Trần Thị Nhàn, cùng quê Nghệ An, sau vài lần… cưới hụt vì cứ sắp đến ngày cưới lại phải cấp tốc lên đường làm nhiệm vụ. Đám cưới hoành tráng diễn ra bên Vòng quay mặt trời Công viên Châu Á (Đà Nẵng) của Sun Group. Tất cả được đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng và ê kíp giữ bí mật đến phút chót. Trước đó, tối 8/6/2014 khi Dũng còn đang đối mặt với gian nguy ở Hoàng Sa, thì trên cầu truyền hình phát trực tiếp VTV1 “Tổ quốc nhìn từ biển”, Trần Thị Nhàn đã được Chủ tịch thành phố Đà Nẵng mời lên tặng trước đôi nhẫn cưới cho hai người với lời chúc phúc gửi ra Hoàng Sa. Khi giàn khoan 981 rút khỏi vùng biển Việt Nam, một lần tình cờ gặp Bộ trưởng Đinh La Thăng vào công tác, tôi nói với ông về chuyện Nhàn vào Đà Nẵng với chồng nhưng chưa xin được việc làm, ông Thăng liền mau mắn ra tay…

Những đêm yên tĩnh thao thức giữa mùa trăng đối diện giàn khoan Hải Dương 981, tôi cũng kịp hoàn thành trường ca “Những trích đoạn Hoàng Sa”. Trong đó có hình ảnh “từng con tàu bị thương từng lá cờ bị thương/mẹ đại dương băng vết thương bằng muối…/gần nửa đêm loang loáng đèn/thả xuồng khẩn cấp/người kiểm ngư trên tàu KN 952 lên cơn co giật/rồi lả đi người trên tay người lính xuồng cắt sóng như bay/chuyển lên tàu lớn đưa vào bờ cấp cứu/sóng đại dương cũng bàng hoàng co giật/hơi nóng từ cơ thể anh trên tay tôi còn đến suốt những ngày sau…”.

Một đặc thù tác nghiệp tại thực địa giàn khoan 981, đó là các phóng viên chuyển tàu liên tục, để theo sát hơn các cánh quân. Trong 12 ngày ở Hoàng Sa, tôi đã 6 lần bám thang dây xuống ca nô để chuyển sang những chiếc tàu khác nhau. Mỗi lần như vậy là một lần đối mặt với hiểm nguy. Như lần chuyển tàu đầu tiên, biển động dữ dội, chiếc thang dây mỏng manh xoay tít, ca nô liên tục chém mạnh vào thành tàu, người bám thang chỉ sơ sẩy một chút là bị nghiến đứt chân. Lần ấy, sau khi đưa được 4 phóng viên nước ngoài sang tàu khác, thì phải dừng lại đợi đến hôm sau biển lặng hơn. Ngoài ra mỗi lần chuyển tàu phải vừa luôn né tránh sự truy đuổi, ngăn cản của các tàu Trung Quốc. Có những tàu tiếp tế của ta trong đêm phải vất vả vòng vèo lắm mới có thể tiếp cận nhau để chuyển hàng hóa, thực phẩm.

Chiều tối ấy, trên boong tàu CSB 8003 cánh phóng viên chúng tôi tổ chức chương trình 21/6 giữa Hoàng Sa. Tôi và nữ phóng viên My Lăng của báo Tuổi trẻ TP.HCM hý hoáy vẽ backdrop của “sân khấu”. Vẽ đến phần hai lá cờ Tổ quốc tượng trưng cho hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, thì chỉ có bút bi màu đỏ, còn màu vàng tìm không ra. Cuối cùng, nảy ra một sáng kiến: ngôi sao vàng được cắt từ vỏ bao thuốc lá Thăng Long! Buổi tối ấy không khí thật thiêng liêng, xúc động, giữa lúc tàu liên tục phải di chuyển vì bị đối phương bám đuổi quấy rối. Nhớ mãi phút những người lính cảnh sát biển và nhà báo lần lượt ký lên lá cờ Tổ quốc đã bị sóng gió Hoàng Sa xé rách nhiều chỗ. Đó là lá cờ trước khi rời tàu CSB 4032 tôi đã xin được, và mang theo suốt hải trình đầy giông gió không thể nào quên của mình…

Quy định mỗi phóng viên ra tác nghiệp Hoàng Sa đợt đó chỉ được 1 tuần, nhưng thật may mắn, tôi đã xin ở thêm được 5 ngày nữa. Tổng kết lại trong khoảng 100 nhà báo cả nước trực tiếp ra thực địa giàn khoan 981, tôi khi ấy 47 tuổi đã thuộc tốp… già nhất, chỉ sau nhà báo Nguyễn Như Phong khi ấy là TBT báo Năng lượng mới – PetroTimes, và Văn Sơn - Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Đà Nẵng.

MỚI - NÓNG
Xe 43 chỗ nhồi nhét tới 90 hành khách
Xe 43 chỗ nhồi nhét tới 90 hành khách
TPO - CSGT Hải Phòng đang hoàn thiện hồ sơ xử phạt hành chính, tước GPLX tài xế Trần H.H (quê Hà Giang) vì chở 90 người trên ô tô khách 43 chỗ (41 giường nằm, 2 ghế ngồi) và đón khách không đúng nơi quy định.