Tiền Phong giúp tôi 'cháy' với nghề

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những năm tháng làm việc ở báo Tiền Phong, ngọn lửa nghề trong tôi “cháy” hết mình khi tôi luôn được đi đến cùng sự việc và giúp đỡ những người yếu thế.

Đeo bám sự việc

Một ngày cuối tuần mùa Đông năm 2022, tôi nhận cuộc điện thoại từ người lạ gọi đến. Bạn đọc đầu máy điện thoại bên kia ngập ngừng, rồi băn khoăn hỏi tôi: “Báo Tiền Phong có thể đi đến cùng sự việc không”? Sau một vài phút chia sẻ, động viên, bạn đọc dần tin tưởng để cung cấp thông tin về tình trạng khai thác trái phép rừng đặc dụng Tây Yên Tử ở huyện miền núi Sơn Động của tỉnh Bắc Giang. Tôi báo cáo sự việc với Thư ký Tòa soạn. “Đây là đề tài hay, nhất là vào thời điểm cuối năm, có thể lâm tặc tận dụng thời gian mọi người chuẩn bị cho nghỉ Tết Nguyên đán để chặt phá rừng. Cậu phải vào cuộc ngay”, Thư ký Tòa soạn trao đổi với tôi.

Nhận quyết định đình chỉ bị can sau 16 năm, anh Nguyễn Hồng Kha chia sẻ: “Báo Tiền Phong đeo bám sự việc của tôi đến cùng đã mang lại cho tôi niềm tin vào tờ báo. Tôi cảm ơn báo Tiền Phong đã đồng hành cùng người yếu thế như tôi”.

Sáng sớm hôm sau, tôi vội đi xe máy theo “tọa độ” mà bạn đọc đã thông tin. Nhưng mọi chuyện không dễ dàng. Sáng hôm ấy, trời mưa rét, đường rừng trơn trượt, đất đá lởm chởm nên xe máy không thể đi được. Tôi phải đi bộ, leo núi hàng tiếng đồng hồ lần theo thông tin bạn đọc chia sẻ để tìm đến “tọa độ” rừng đặc dụng Tây Yên Tử bị lâm tặc khai thác trái phép. Thế nhưng, đây là khu vực rừng rộng lớn, tôi là người lạ không thông thuộc địa hình nơi đó, bởi vậy không dễ thấy được hiện trường lâm tặc chặt hạ rừng đặc dụng. Tôi mò mẫm cả ngày trời, nhưng bế tắc, vì thông tin bạn đọc chưa thật cụ thể. Khu vực rừng đó lại không có sóng điện thoại.

Đến chiều muộn, tôi phải quay ra, gọi cho bạn đọc để hỏi thêm thông tin về địa bàn rừng bị lâm tặc chặt hạ, nhưng số điện thoại lạ không thể liên lạc được nữa. Thông tin sự việc về Tòa soạn, Thư ký căn dặn tôi phải kiên trì theo đuổi vụ việc này, dù rất khó khăn cũng không được bỏ cuộc. Sáng hôm sau, tôi lại tiếp tục leo núi, đi bộ trong rừng Tây Yên Tử để tìm địa điểm lâm tặc chặt hạ gỗ rừng. Men theo con đường đất mới mở để khoan thăm dò khai thác than ở địa bàn xã Thanh Luận (huyện Sơn Động), đi sâu vào trong rừng đặc dụng Tây Yên Tử, tôi bất chợt nghe tiếng máy cưa gỗ. Tiếp tục đi theo tiếng máy cưa gỗ, tôi dần thấy những gốc cây, rồi thân cây gỗ rừng bị đốn hạ ngổn ngang. Cuối cùng, tôi cũng tìm thấy chỗ lâm tặc khai thác rừng đặc dụng Tây Yên Tử trái phép, có thời điểm, tôi chỉ cách lâm tặc khoảng chục mét đang hì hục chặt hạ gỗ rừng. Sờ tay vào những gốc cây có đường kính hàng chục cm mới bị lâm tặc cưa đổ, tôi thấy xót xa.

Tiền Phong giúp tôi 'cháy' với nghề ảnh 1

Từ phản ánh của Tiền Phong, Cơ quan Công an khởi tố 2 vụ án “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” rừng Tây Yên Tử. Ảnh: Nguyễn Thắng

Sau khi thu thập đủ chứng cứ, làm việc với cơ quan chức năng liên quan ở tỉnh Bắc Giang, bài viết “Chảy máu rừng Tây Yên Tử” được đăng tải trên Tiền Phong. Trong suốt quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ và phản ánh về vụ việc, Thư ký Tòa soạn luôn theo sát và căn dặn tôi phải đeo bám vụ việc, đặc biệt không được để vụ việc “chìm xuống”.

Từ bài viết về vụ việc khai thác trái phép rừng đặc dụng Tây Yên Tử đăng tải trên Tiền Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo cơ quan chức năng và Cơ quan Công an vào cuộc xác minh. Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang cũng có ý kiến chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc này. Sau đó, Cơ quan điều tra Công an huyện Sơn Động đã khởi tố 2 vụ án “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” rừng đặc dụng Tây Yên Tử xảy ra tại xã Thanh Luận và xã An Lạc theo phản ánh của Tiền Phong. Trong đó, vụ án về “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” tại xã An Lạc, Cơ quan Công an đã khởi tố 4 bị can và Tòa án nhân dân huyện Sơn Động đã xét xử lưu động tại xã này, tuyên phạt hơn 9 năm tù đối với 4 bị cáo để cảnh tỉnh.

Sau phản ánh của Tiền Phong về vụ khai thác trái phép rừng Tây Yên Tử, Sở NN và PTNT tỉnh Bắc Giang đã điều chuyển công tác, hạ chức vụ đối với cán bộ có liên quan vụ việc.

16 năm sống trong lo âu

Chiều muộn, anh Nguyễn Hồng Kha ở xã Đồng Tâm (huyện Yên Thế, Bắc Giang) tìm gặp tôi và mong muốn tôi về nhà anh để bày tỏ nỗi niềm về một vụ án mà anh có liên quan từ năm 2003. Sau đó, tôi trực tiếp về nhà anh Kha. Anh sống cùng vợ con trong ngôi nhà cấp 4 nhỏ bé, lụp xụp nằm sâu trong một quả đồi. Trong câu chuyện với tôi, anh Kha bật khóc kể về vụ án mà anh là bị can có dấu hiệu bị oan. Sau đó, tôi được Tòa soạn cử vào cuộc tìm hiểu vụ việc. Hàng tháng trời, tôi lặn lội tìm gặp lại từng người liên quan vụ án và làm việc với nhiều cơ quan chức năng. Vì vụ việc xảy ra đã lâu, tôi gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ. Sau đó, báo Tiền Phong đăng tải bài viết về việc anh Kha sau 16 năm sống trong lo âu mới biết mình bị án oan.

Theo hồ sơ tố tụng lúc bấy giờ, ngày 2/10/2002, do mâu thuẫn trong việc mắc đường điện, anh Kha và bà Nguyễn Thị Luyến (người cùng địa phương) xảy ra cãi cọ dẫn đến xô xát. Sự việc xảy ra chỉ có bà Luyến và anh Kha, ngoài ra không có ai chứng kiến. Chỉ đến khi nghe thấy tiếng nói to của bà Luyến thì mới có vài người dân chạy ra can ngăn và sự việc cũng chấm dứt ngay sau đó.

Cơ quan điều tra huyện Yên Thế căn cứ vào việc trước đó anh Kha bị cho rằng từng bị xử phạt hành chính để khởi tố tội danh gây rối trật tự công cộng đối với anh. Tuy nhiên, lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền xác nhận cho thấy anh Kha chưa từng bị xử phạt vi phạm hành chính. Đây cũng là lý do Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND Bắc Giang tuyên chấp nhận nội dung kháng cáo kêu oan của anh Kha về tội gây rối trật tự công cộng, yêu cầu hủy án sơ thẩm (đã tuyên phạt anh Kha 12 tháng tù) “để điều tra, xét xử lại từ giai đoạn đầu”.

Đến ngày 24/11/2003, Viện KSND huyện Yên Thế buộc phải ra quyết định đình chỉ điều tra bị can vì hành vi của anh Kha “không cấu thành tội gây rối trật tự công cộng”. Điều này đồng nghĩa với việc khởi tố, truy tố và kết án sơ thẩm đối với anh Kha về tội “gây rối trật tự công cộng” là oan. Suốt 16 năm, anh Kha chưa từng được biết đến quyết định đình chỉ bị can nói trên nên có tâm trạng lo âu, sợ hãi. Chỉ đến khi báo Tiền Phong vào cuộc cùng với đơn thư của anh, đến ngày 3/6/2019, Viện KSND huyện Yên Thế mới cung cấp quyết định đình chỉ bị can nói trên cho anh Kha.

MỚI - NÓNG
Đề nghị thanh tra toàn diện nhà ở xã hội
Đề nghị thanh tra toàn diện nhà ở xã hội
TPO - “Có ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu.