Nghĩa tình mùa hạn mặn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Giữa cao điểm hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là Bến Tre, địa phương chịu tác động nặng của biến đổi khí hậu, dưới sông nước mặn chát, trên bờ nước máy cũng mặn không kém, khiến người dân quay cuồng với nguồn nước sạch hằng ngày. Trong khó khăn ấy, người dân xứ dừa đùm bọc, san sẻ từng giọt nước để cùng vượt qua cơn bĩ cực.

San sẻ từng giọt nước

Trời nóng như đổ lửa, bà Đặng Thị Kim Chi ở ấp Long Hội, xã Giao Long (Châu Thành, Bến Tre) mặc áo trùm kín, che mặt tránh nắng. Bà Chi mang 2 thùng nước ra điểm cấp nước miễn phí để chở nước cho người hàng xóm già. “Hằng ngày, ngoài lấy nước cho gia đình, tôi hỗ trợ chở thêm vài lượt cho những gia đình người già, bệnh tật, không đi lại được. Những ngày này không lấy nước ngọt từ các điểm cấp miễn phí thì không biết ăn uống bằng nước gì, tắm giặt ra sao. Mình không giúp được về vật chất thì tranh thủ góp sức chở nước ngọt giúp, cũng thấy vui”, bà Chi nói rồi cười hào sảng.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy năm nay 76 tuổi, ở xã cù lao Tam Hiệp (huyện Bình Đại, Bến Tre), hằng ngày vẫn đi gần 2 km tới trụ sở xã lấy nước ngọt về sinh hoạt. Bà kể, nước sông giờ mặn lắm, tưới cây cây chết, không tưới cây cũng héo khô. “Hằng năm, gia đình đều tích trữ nước mùa mưa trong các bồn chứa, mương vườn để phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt mùa khô. Tuy nhiên, năm nay trời quá nắng, mặn cũng đến sớm, tới nay nước ngọt dự trữ đều cạn mà trời vẫn chưa mưa”, bà Thủy nói. Do tuổi đã cao, chân tay đã run, sau khi lấy đầy 2 bình nước loại 20 lít/bình, bà Thủy được các thanh niên tình nguyện hỗ trợ chở nước về nhà. Bà nhẩm tính số nước ngọt này sẽ cố gắng để dùng được 3 ngày, chỉ để ăn uống, tuyệt đối không dùng vào việc gì khác.

Giữa trưa nắng rát, trước sân trụ sở UBND xã An Hóa (Châu Thành, Bến Tre) lúc nào cũng thường trực một nhóm hơn chục người xếp hàng chờ lấy nước ngọt sinh hoạt. Ông Nguyễn Văn Thảo, nhà cách trụ sở xã dăm cây số, làm nghề thợ mộc, tranh thủ giờ nghỉ trưa cũng chạy xe máy mang theo 2 can nhựa (loại 30 lít/can) đến trụ sở xã lấy nước ngọt. Ông cho biết, nước sông giờ mặn đắng, còn nước máy không thể sử dụng được. Bây giờ không cách nào khác là hằng ngày đến đây xin nước về nhà ăn uống, tắm giặt. Chở xong 2 can nước ngọt về nhà, ông Thảo lại đi thêm chuyến thứ 2 để chở nước cho nhà mẹ ruột, nhà có cháu nhỏ nên cần nhiều nước ngọt để tắm cho đỡ ngứa.

Bà Đỗ Thị Lụa, Chủ tịch UBND xã An Hóa cho biết, trong hạn mặn, nước ngọt là quý và cần nhất với người dân. Ngoài điểm cấp nước ngọt miễn phí tại trụ sở xã, còn có các điểm cấp nước tại các ấp, tránh việc người dân phải chờ đợi lâu tại một vài trạm nước. Theo lời bà Lụa, chúng tôi rời trụ sở xã tới điểm cung cấp nước miễn phí ở ấp An Hòa (xã An Hòa). Ở đây người dân cũng đến lấy nước nhộn nhịp. Người già hứng nước vào bình xong được các bạn thanh niên tình nguyện, hay người trung niên hỗ trợ chở nước về tận nhà. Nhà ai gần, lại cao tuổi, được các bạn thanh niên vác bộ đến nơi.

Chủ động ứng phó

Nghĩa tình mùa hạn mặn  ảnh 1

Bà Đặng Thị Kim Chi ở ấp Long Hội, xã Giao Long (Châu Thành, Bến Tre) chở nước ngọt giúp cho người dân trong mùa hạn mặn. Ảnh: HÒA HỘI

Trước tình huống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm nay kéo dài, tới nay toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có 3 tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai tại một số huyện trong tỉnh. Cụ thể, Cà Mau công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp 2 trên địa bàn huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh; Kiên Giang công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, sạt lở, sụt lún đất do hạn hán khu vực huyện U Minh Thượng; Tiền Giang công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Tân Phú Đông.

Nghĩa tình mùa hạn mặn  ảnh 2

Người dân Bến Tre chở từng can nước về sinh hoạt Ảnh: Hòa Hội

PGS.TS Lê Anh Tuấn (Giảng viên khoa môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, cố vấn khoa học Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ) cho biết, người dân ven biển miền Tây đã sống chung với hạn, mặn từ 300 năm nay. Tuy nhiên, hạn mặn càng ngày càng gay gắt và phức tạp. Một số vùng, người dân đã dần chủ động hơn trong thích ứng với hạn mặn, như chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tích trữ nước ngọt cho mùa khô.

“Giải pháp của người dân đang ứng phó với hạn, mặn cũng là gợi ý cho nhà khoa học, chính quyền để có thể nhân rộng. Đây là giải pháp thiết thực cho người dân”, ông Tuấn nói. Do đó, theo ông Tuấn, giải pháp hiệu quả cho hạn, mặn ở miền Tây là “sống chung”, Nhà nước cần hỗ trợ người dân các giải pháp thích nghi, như hỗ trợ mua sắm thiết bị tích trữ nước ngọt, dẫn nước ngọt liên vùng đảm bảo cho mùa khô, chuyển đổi sản xuất… để giảm áp lực, ảnh hưởng của hạn, mặn.

Nghĩa tình mùa hạn mặn  ảnh 3

Ông Nguyễn Văn Thảo ở xã An Hóa (Châu Thành, Bến Tre) bê từng thùng nước ngọt.

Ảnh: HÒA HỘI

Có một thực tế, theo ông Tuấn, giải pháp cố gắng ngọt hóa các vùng phèn - mặn ở một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang gây tác động tiêu cực dẫn tới sụt lún nghiêm trọng những mùa khô gần đây. Đất vùng này hình thành từ bồi lắng phù sa, nên cần độ ẩm nhất định để duy trì ổn định. Tuy nhiên, một số vùng lâu nay giao thoa giữa nước ngọt mùa mưa và nước mặn, phèn mùa khô, người dân lựa theo mùa nước để sống. Tuy nhiên, “phong trào” xây cống ngăn mặn, đã chặn nước mặn vào, trong khi nước ngọt không có để bổ sung, như vùng Cà Mau, làm đất khô, co ngót và sụt lún xảy ra.

Ông Bùi Văn Thắm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết là tỉnh cuối nguồn của dòng Cửu Long, trong đó có 4 nhánh sông và 3 tuyến cù lao. Hằng năm, tỉnh chịu rất nhiều ảnh hưởng của hạn mặn, sạt lở. Hiện tỉnh còn một số hệ thống cống lớn chưa được đầu tư, nên còn bị ảnh hưởng nhiều của hạn mặn. Theo ông Thắm, để ứng phó với hạn, mặn, đầu tiên vẫn là công tác dự báo. Nếu dự báo tốt và sớm, chính quyền và người dân sẽ chủ động được các biện pháp để ứng phó, thiệt hại và tác động của hạn, mặn sẽ giảm đi rất nhiều.

Ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ (Tổng cục Khí tượng, Bộ TN&MT): Trong 10 năm gần đây, tình hình hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra khốc liệt. Mùa khô năm nay, từ cuối tháng 12/2023 tới nay, khu vực này gần như không mưa, tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 62-94%. Do đó, xâm nhập mặn năm nay diễn ra sớm, giữa tháng 1/2024 đã xuất hiện, đi sâu vào nội đồng. Hiện, các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau… xâm nhập mặn diễn ra phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm (gần chạm ngưỡng mùa khô lịch sử năm 2016, 2020). Các kênh rạch một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang khô cạn, dẫn tới sụt lún tại một số tỉnh Nam sông Hậu. Dự báo, mùa mưa năm nay tại Nam bộ khả năng sẽ đến muộn hơn các năm trước, phải từ nửa cuối tháng 5 tới mới có mưa, nắng nóng tiếp diễn, nền nhiệt cao.

MỚI - NÓNG