'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Hợp tác xã” là khái niệm tưởng chừng đã lùi vào “muôn năm cũ”. Tuy nhiên, nhiều người trẻ ở Đà Nẵng khởi nghiệp thành công, không chỉ làm giàu trên chính quê hương mà còn đem lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương bằng mô hình kinh tế tập thể từ thời “ông bà anh” này.

Trăn trở với ao cá thát lát “ế” do dịch COVID-19, anh Cao Văn Tới (SN 1989, thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương, Đà Nẵng) mày mò thử làm chả cá để bán. Cũng từ đó, anh tìm được hướng đi mới cho hàng chục hộ nuôi cá địa phương thông qua mô hình hợp tác xã (HTX).

Làm chả từ cá “ế”

Đến cổng thôn Phú Sơn 2, hỏi nhà anh Tới, ai cũng biết bởi anh vốn là thanh niên điển hình sản xuất giỏi ở địa phương, hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi cá. Thấy có khách, anh Tới tất tả giới thiệu về xưởng rồi vội xách chiếc xe máy cũ, dẫn chúng tôi tham quan khu vực nuôi cá tập trung của 2 thôn Phú Sơn 1 và Phú Sơn 2, cách nhà anh cỡ trăm mét.

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế' ảnh 1

Anh Cao Văn Tới giới thiệu xưởng sản xuất chả cá với Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết vào năm 2023

Chỉ tay về những ao cá chạy dài tít tắp dưới rặng dừa, anh kể trước đây, khu vực này đều là đồng ruộng nhưng do diện tích manh mún, nhiều bùn lún nên canh tác cây lúa không hiệu quả. Gần 20 năm trước, một số hộ ở đây bắt đầu tập tành chuyển đổi sang nuôi các loại cá truyền thống. Thấy có hiệu quả, người dân dần chuyển đổi sinh kế sang nghề nuôi cá ao.

Tháng 4/2024, anh Cao Văn Tới vinh dự nhận được Giấy khen của Liên minh HTX TP Đà Nẵng vì những thành tích xuất sắc trong phong trào cán bộ trẻ tham gia công tác quản lý HTX năm 2023. Mô hình HTX thanh niên của anh cũng liên tục đón các đoàn tham quan, học tập từ các địa phương khác đến tham quan, học tập.

Anh Tới có khoảng 5.000m2 ao nuôi, thừa kế từ ba má, cũng vốn chỉ thả các loại cá như trắm, chép, trê, mè… Đến năm 2019, khi Trung tâm khuyến ngư nông lâm TP Đà Nẵng có thí điểm nuôi cá thát lát, với mong muốn chuyển đổi sang loài cá có giá trị cao, không gây ô nhiễm môi trường nước, anh mạnh dạn đăng ký và được hỗ trợ con giống, kỹ thuật. Hơn một năm mày mò, bỏ công chăm sóc, lứa cá thát lát đầu tiên của gia đình anh mới có thể xuất bán. Không may, dịch bệnh COVID-19 bùng phát, việc mua bán khó khăn hơn, cá thát lát bị thương lái ép giá xuống chỉ còn 52 nghìn đồng/kg cá tươi trong khi trung bình giá cá thương phẩm phải từ 65 nghìn đồng/kg trở lên. Tiếc công, anh Tới quyết định thả tiếp chứ không xuất bán.

Một thời gian sau, Đà Nẵng bùng phát đợt dịch căng thẳng và tiến hành giãn cách xã hội. Trong thời gian nghỉ làm vì giãn cách, rảnh rỗi, hai vợ chồng cũng thử bắt cá thát lát để chế biến chả cho gia đình sử dụng. “Thấy chả cá làm ra cũng ngon nên tôi làm nhiều thêm để biếu ông bà hai bên, người thân, bạn bè dùng thử và nhận được phản hồi tích cực. Tôi đánh liều đăng bán trên facebook, bạn bè, người quen đặt mua rất đông. Cứ vậy, vừa làm chả cá, tôi vừa tiếp nhận ý kiến đóng góp của khách hàng, lên mạng tìm hiểu thêm, gia giảm gia vị, học lỏm mấy chiêu của các chị, các cô bán chả heo, chả bò để cho ra công thức chuẩn”, anh Tới kể.

Lượng đặt hàng đông, hai vợ chồng phải huy động thêm ba má, anh chị em xúm vào cùng làm. Mỗi ngày, 6 - 7 người luôn tay sơ chế, tách thịt, hấp chả, chiên chả, đóng gói từ sáng sớm đến 8 - 9h tối mới cho ra được khoảng 15 - 20kg chả cá thát lát. Bởi vậy, cứ có khách hàng đặt số lượng lớn khoảng 3 - 5kg là anh Tới “rén” ngang bởi “làm không xuể”. Sau khi bán ổn định qua kênh online, anh Tới đưa sản phẩm chả cá đến Hội chợ Xuân của huyện Hòa Vang để quảng bá sản phẩm. “Nào ngờ chả ra đến đâu, hết đến đó. Nhiều người không mua được còn nài nỉ đặt hàng để dùng vào dịp Tết”, anh nhớ lại. Nhờ vậy, ao cá thát lát “ế” của gia đình đã bán hết lúc nào không hay.

Cũng nhờ tham gia Hội chợ Xuân, sản phẩm chả cá thát lát của anh Tới được Phòng Nông nghiệp huyện Hòa Vang liên hệ hỗ trợ để thành lập cơ sở sản xuất, đăng ký kinh doanh, đầu tư máy móc… Nhận thấy tiềm năng phát triển sinh kế mới từ nghề làm chả cá, anh Tới cũng mạnh dạn thả lứa cá thát lát mới và đầu tư hơn 200 triệu đồng (cùng với 100 triệu đồng do Phòng Nông nghiệp hỗ trợ) để mua sắm máy móc, xây dựng nhà xưởng. Anh cũng tích cực tham gia các hội chợ, các điểm quảng bá, các hoạt động xúc tiến của thành phố để tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường.

“Gõ từng nhà” mời người dân vào HTX

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế' ảnh 2

Anh Cao Văn Tới (bìa phải) giới thiệu với đoàn tham quan của lãnh đạo thành phố về khu nuôi cá tập trung của các hộ trên địa bàn

Không chỉ tìm được hướng khởi nghiệp mới, anh Tới còn hỗ trợ tiêu thụ cá thát lát thương phẩm cho các hộ nuôi trên địa bàn. Trăn trở với việc tìm kiếm đầu ra cho các hộ nuôi trên địa bàn, trong những lần đi xúc tiến thương mại, anh cũng kết nối với các đầu mối mua cá cho bà con địa phương. Đến năm 2022, anh Tới quyết định thành lập HTX Làng Phú Sơn chuyên về nuôi trồng và chế biến cá. Để thành lập HTX, anh phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” bởi khi nghe rủ “vào hợp tác” thì “người trẻ không ưng và người lớn cũng không mặn mà”. “Mọi người vẫn không hiểu được vào HTX để làm gì, nghe nói đến HTX, đa phần đều nghĩ là kiểu HTX như ngày xưa, góp tiền, góp công rồi chia đều lợi nhuận. Tôi phải giải thích về cơ chế hoạt động hiện nay của HTX, những lợi ích, chủ trương hỗ trợ của chính quyền dành cho HTX và nhấn mạnh liên kết HTX để tạo nên sức mạnh tập thể”, anh Tới kể lại.

Mất nhiều ngày vận động, HTX Làng Phú Sơn ra đời với sự tham gia của 15 thành viên đều là các hộ nuôi cá trên địa bàn, họ cùng góp vốn, tham gia vào các công việc vận hành, phát triển HTX. Đa phần, các thành viên đều là thanh niên ở địa phương, thuộc thế hệ 8X, 9X. Với việc thành lập HTX, việc tìm kiếm, kết nối đầu ra cho cá thương phẩm của các thành viên cũng như các hộ nuôi trên địa bàn được ưu tiên hàng đầu. Các thành viên phân công nhau “chạy đôn chạy đáo” tìm kiếm nguồn cung từ nhà hàng, khách sạn; từ thương lái ở các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tây Nguyên… Hiện, HTX kết nối và xuất bán cá trê, cá basa đi các tỉnh Đắk Lắk, Huế với sản lượng đều đặn 100 tấn/tháng.

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế' ảnh 3

Hiện, cơ sở sản xuất chả cá được đầu tư máy móc hiện đại, phát triển 2 dòng sản phẩm chủ lực là chả cá thát lát tươi và chả cá thát lát chiên

“Như trước đây, xuất bán một ao cá lẻ có thể mất cả tháng, tốn nhiều thời gian, công sức, chưa kể còn bị thương lái ép giá. Giờ đây, với sự kết nối từ HTX, việc xuất bán chỉ mất khoảng 2 ngày/hồ cá”, anh Tới cho biết.

Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất chả cá của anh Tới cũng được đưa vào HTX và huy động được 2 thành viên cùng góp vốn tham gia sản xuất. Cũng trong năm 2022, chả cá thát lát tươi và chả cá thát lát chiên Văn Tới của HTX Làng Phú Sơn được UBND TP Đà Nẵng công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Đến nay, mỗi tháng, cơ sở tiêu thụ khoảng 2,2 tấn cá thát lát tươi, bán ra thị trường hơn 1 tấn chả cá thành phẩm.

“Hiện, tôi cũng đang nghiên cứu và phát triển thêm một số dòng sản phẩm như cá tươi làm sạch hút chân không; chả ốc; xúc xích, lạp xưởng từ cá… để đa dạng hóa sản phẩm, hỗ trợ đầu ra cho các hộ nuôi cá là thành viên HTX nói riêng và trên địa bàn xã nói chung”, anh Tới chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Vạch trần thủ đoạn thổi giá tới 30 tỷ đồng/m2 đất đấu giá ở Sóc Sơn
Hà Nội: Vạch trần thủ đoạn thổi giá tới 30 tỷ đồng/m2 đất đấu giá ở Sóc Sơn
TPO - Ngày 3/12, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã tạm giữ 5 đối tượng về hành vi “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”, được quy định tại Khoản 2 Điều 218 Bộ luật Hình sự năm 2015, liên quan đến vụ việc trả giá 30 tỷ đồng/m2 đất đấu giá ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Theo cơ quan công an, đối tượng đưa ra mức giá trên 30 tỷ đồng/m2 (cao gấp khoảng 12.000 lần mức giá khởi điểm) dẫn đến việc 36 lô đất đấu giá không thành công.