Những Forrest Gump ở Tiền Phong Marathon

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tham gia các giải chạy không vì mục đích đoạt giải. Nhiều “Forrest Gump” chạy chỉ là vì mục đích chữa stress, giống như câu chuyện của nhân vật trong phim. Có người tham gia ba bốn lần, có người nhờ thế tìm được ý nghĩa mới cho cuộc sống.

Chạy để chữa bệnh

Trong một dự án hỗ trợ sinh viên bị trầm cảm của SJ Vietnam (một tổ chức tình nguyện hoạt động độc lập trực thuộc SJ Pháp) tôi tình cờ biết Nguyễn Lan Hương (28 tuổi) hiện là nhân viên một ngân hàng lớn tại Hà Nội. Biết tôi là người Tiền Phong, Hương cởi mở hẳn. Cô khoe đã ba lần tham gia Tiền Phong Marathon. Nhờ chạy, cô đã tự chữa được chứng trầm cảm kéo dài suốt 2 năm.

18 tuổi Hương rời nhà du học ở Hà Lan. Cuộc sống xa xứ cộng với cảm giác thiếu an toàn trong tình cảm khiến Hương từng bị trầm cảm nhẹ. Về nước, áp lực công việc lại thêm cú sốc mất mẹ khiến bệnh tình của Hương trở nặng. Suốt hai năm cô sống trong trầm lặng, không giao du, không mua sắm, hẹn hò. Có lúc Hương phải xin nghỉ không lương vì “lúc đó tinh thần chạm đáy, người yếu như sên, ngay cả ngồi dậy ăn một bữa cơm tử tế cũng thấy mệt”. Từ một cô gái khỏe mạnh, Hương sụt 15kg, người xanh rớt, mất ngủ triền miên.

Những Forrest Gump ở Tiền Phong Marathon ảnh 1

Chạy trong sự cổ vũ nhiệt tình của bà con ở Lai Châu là một liệu pháp chữa lành hiệu quả

Áp dụng rất nhiều biện pháp chữa trị khác nhau nhưng không hiệu quả. Một bạn thân của Hương ép cô đi chạy. Ban đầu họ chỉ chạy quanh khu, và giới hạn thời gian trong 30 phút. Mệt quá chạy không nổi thì đi bộ. Kẽo kẹt như thế suốt gần một năm, Hương tăng 4kg, bước đầu cải thiện được chứng mất ngủ và chán ăn.

Thừa thắng xông lên, bạn Hương bắt đầu kéo cô tham gia các giải chạy phong trào nho nhỏ. Cho đến khi lần đầu tìm đến Tiền Phong Marathon ở Gia Lai năm 2021, Hương đã có kinh nghiệm chạy việt dã hai năm. “Lúc ấy em vẫn nhát lắm, chỉ dám đăng ký chặng 10km, mục đích chính là chạy để khỏe chứ không đặt vấn đề được giải. Cảm giác guồng chân trên một chặng đường có hàng nghìn bạn đồng hành nó đã lắm. Chuyến ấy đi về em thấy như mình đã khỏi bệnh rồi”.

Liên tiếp hai năm sau Hương đều tìm đến Tiền Phong Marathon để được chạy. Cá biệt, năm nay, Hương tự nâng thử thách của mình lên hẳn chặng 42km.

“Nhờ chạy, em không chỉ khỏi trầm cảm, mà còn tìm lại được cảm giác yêu đời. Khi chạy ở Lai Châu người dân mang cả nước đông trùng hạ thảo ra mời vận động viên khiến em cực kỳ xúc động. Rồi trên suốt quãng đường mấy chục cây số hai bên rực cờ đỏ sao vàng, bà con dân bản, người già, trẻ em đứng thành hàng reo hò, gõ nồi niêu xoong chảo cổ vũ, thậm chí các chú lính trẻ trên đường hành quân thấy tụi em chạy qua cũng đứng nghiêm giơ tay chào khiến nhiều lúc em chạy mà như đang “bay”. Cảm giác này ngay cả khi đi sàn cũng không high (cao) như thế”.

Những Forrest Gump ở Tiền Phong Marathon ảnh 2

Huy Hoàng (phải), tự nhận mình là Forrest Gump. Ảnh: Hồ Như Ý

Trở thành runner sau khi xem “Forrest Gump”

Là một thành viên trong cộng đồng mê điện ảnh, anh Huy Hoàng nói rằng trước khi xem “Forrest Gump” (đạo diễn Robert Zemeckis) anh chưa từng nghĩ mình sẽ liên quan đến chạy bộ.

Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Winston Groom được công chiếu vào năm 1994 và trở thành bom tấn có doanh thu kỷ lục 677 triệu USD. Chưa hết, phim còn đại thắng ở các giải thưởng điện ảnh danh giá nhất như: 4 giải Oscar trong đó có giải cho Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất; giải BAFTA cho phim hay nhất; giải Quả cầu vàng cho phim chính kịch hay nhất…

Trong phim, Tom Hanks khi vào vai Forrest Gump, một chàng trai ngơ ngẩn có chỉ số IQ 75. Forrest Gump là một đứa bé không may mắn, nhưng nó có một người mẹ tuyệt vời. “Mẹ luôn giải thích mọi thứ theo cách mà tôi có thể hiểu được”. Cũng người mẹ ấy, bất chấp trả giá để đứa con có chỉ số IQ dưới mức trung bình được thụ hưởng một chế độ giáo dục bình thường.

Forrest Gump đã lớn lên trong kỳ thị của bạn bè, hàng xóm... May mắn đời Forrest Gump còn có Jenny. Chính Jenny là người luôn nói với chàng khờ: chạy đi! Câu thần chú này lần thứ nhất khiến Forrest Gump tháo bỏ được nẹp chân, trở thành người chạy nhanh như gió. Lần thứ hai, nó cứu sống anh khi tham gia chiến tranh ở Việt Nam. Và lần thứ ba, nó vực Forrest Gump dậy khỏi nỗi đau mất mẹ, mất người yêu.

Những Forrest Gump ở Tiền Phong Marathon ảnh 3

Niềm vui cán đích

Mẹ Forrest Gump mất, Jenny bốc hơi sau một đêm nồng nàn, chàng trai đơn thuần ấy vượt qua cú sốc mất cả hai người phụ nữ quan trọng nhất đời anh bằng cách cứ chạy mãi, chạy mãi, suốt 3 năm 2 tháng 14 ngày và 16 giờ. Trên đường chạy xuyên nước Mỹ, anh đã lôi kéo được cả một cộng đồng chạy, truyền cảm hứng cho rất nhiều người, khiến một số người tìm ra linh cảm kinh doanh và sau đó trở thành triệu phú, thay đổi cuộc đời. Nhiều người hỏi Forrest Gump vì sao lại chạy, họ không tin một người cứ chạy nhiều năm tháng như thế mà không có lý do. Đến một ngày Forrest Gump đột ngột dừng lại bởi vì: “tôi mệt rồi, tôi muốn về nhà”. Khi đó, anh nhớ đến một câu nói của mẹ: Con phải bỏ lại quá khứ sau lưng trước khi con có thể tiếp tục sống.

Câu chuyện “hay ho mãnh liệt” ấy đã tác động mạnh đến Huy Hoàng khiến anh thậm chí muốn lấy tên Forrest Gump để đăng ký giải chạy Tiền Phong Marathon, nhưng cuối cùng Hoàng chỉ chọn cách mặc áo phông có logo phim để bày tỏ thái độ của mình.

“Tôi đã gặp không ít Forrest Gump trong khi tham gia giải. Mọi người không đặt nặng thành tích, chỉ chạy như một cách phát tiết. Năm ngoái, tôi chạy cùng một bác sĩ, anh ấy bảo đây là môn thể thao chữa căng thẳng rất hiệu quả. Cũng vì ưu điểm này của chạy bộ mà tôi thích. Tôi chạy mỗi ngày, lúc nhanh lúc chậm, nhưng nhờ đó khỏe hơn, ít stress hơn, công việc cũng thuận lợi hơn. Tôi đã chạy hai năm ở Tiền Phong Marathon nhưng chưa từng khoe trên facebook, thế nên đồng nghiệp chỉ biết là tôi hay dậy sớm chạy quanh hồ Tây. Sang năm, khi tham gia giải ở Phú Yên, tôi sẽ cố gắng đạt được thành tích gì đó, lúc ấy nhất định sẽ khoe mọi người”, anh Hoàng lên kế hoạch.

Mọt sách cũng chạy

Kỳ Tiền Phong Marathon ở Lai Châu hồi tháng 3 vừa rồi, có một nhóm 4 vận động viên phong trào là fan cứng của nhà văn người Nhật Murakami. Họ quyết định thử cảm giác của nhà văn sau khi nghiền ngẫm tác phẩm “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”. Murakami viết: “Với tôi, chạy bộ là rèn luyện, đồng thời là một ẩn dụ. Chạy ngày này qua ngày khác, tích góp các cuộc đua, từng chút một tôi nâng cao chuẩn, bằng cách vượt qua từng mức độ mà tôi nâng mình lên. Ít nhất thì đó là lý do để tôi dốc sức mình ngày này qua ngày khác: để nâng cao tầm mức riêng của mình”.

Trong số bốn người, chị Bích Thuỷ có thâm niên chạy sớm nhất, từ năm 2015 nhưng không liên tục. Ba người còn lại: Hồng Ánh, Vũ Khoa và Hoàng Liên đều mới gia nhập cộng đồng chạy. Mặc dù cùng là thành viên của fanpage Murakami nhưng phải đến Tiền Phong Marathon ở Lai Châu họ mới tình cờ gặp nhau. Mặc dù cái kết không được như ý khi hai người trong số họ phải bỏ cuộc giữa chừng vì lý do sức khỏe nhưng “việc gắn bó với môn thể thao này chúng tôi đã định rồi”.

Tiền Phong Marathon khép lại, cộng đồng đọc tổng kết ra có tới gần ba chục thành viên tích cực đã trở thành fan của chạy bộ. Trong hầu hết các bình luận công khai, những người vốn thích đắm mình trong thế giới sách vở đều khoe đã tìm ra một “chân trời mới” khi họ chạy. “Sự kiên trì, tính kiên nhẫn là bài học lớn nhất tôi có được từ chạy bộ”. “Nhờ chạy bộ mà tôi đủ sức khỏe để cày hết gần nghìn trang 2666”. “Trong lúc chạy tôi chỉ nghĩ được hai việc, một là mệt quá và hai là bao giờ thì đến đích đây”. “Cuối cùng thì tôi cũng hiểu được ý của Murakami rồi, sau khi chạy bộ có một thứ gì đó hẳn là đang khác đi. Khác thế nào? Khó mà nói được. Nhưng cái gì đó dứt khoát là đã phải khác”.

MỚI - NÓNG