Những bản tin

Những bản tin
TP - “Tại sân golf Tam Đảo, Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị (HUD) ký thỏa thuận hợp tác đầu tư với Tổng Cty Đường sắt Việt Nam. Tham dự, phía đường sắt có ông Nguyễn Hữu Bằng-Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng GĐ, ông Ngô Anh Tảo - Phó Tổng GĐ...”.

Đó là một bản tin trên một trang báo từ ngày 17/5/2011. Đương nhiên, thời đó phong trào giải golf mở rộng của ngành đường sắt rất rầm rộ, như cơn sốt bất động sản.

Giá như hồi đó (2011) và gần 10 năm trước khi Quốc hội đề xuất tách hạ tầng với vận tải để có cơ hội phát triển, các lãnh đạo ngành đường sắt lưu tâm thì ngày nay, biết đâu không còn bản tin kiểu: “Trên đường sắt Thống nhất với 2 vạn khách đi tàu mỗi ngày sẽ có khoảng 6,5 tấn phân tươi, 40 ngàn lít nước tiểu xả thẳng xuống 2 bên đường ray”.

Trong các cuộc họp kín, họp công khai, những cụm từ “lạc hậu, trì trệ” liên tục được nhắc tới. Và dịp cao điểm đi lại, sự khiếp sợ mỗi lần chen chân, nhắn tin mua vé tàu hỏa hiện rõ trên từng khuôn mặt hành khách. 

Có lẽ quá sốt ruột cho sự đổi mới ở ngành này nên Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã nói: Golf không xấu, nhưng ngành đã trì trệ, thì khó chấp nhận được lãnh đạo đường sắt chơi golf nhiều hơn cả ngành cần chơi môn thể thao này (để đối ngoại). Rồi ông Thăng còn dùng từ “Bộ” Đường sắt với hàm ý về sự kềnh càng, ôm đồm cát cứ, ốc đảo. Đầu năm nay, tại hội nghị tổng kết năm 2013 ngành giao thông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu tái cơ cấu ngành đường sắt theo hướng tách quản lý hạ tầng ra khỏi vận tải.

Tại sao người ta ngại tách bạch chuyện này, trong khi thế giới đã làm từ lâu, hàng không cũng làm hiệu quả? Bởi vì nếu gộp tất cả, người đứng đầu sẽ có quyền lực rất lớn. Mấy năm qua, doanh nghiệp tư nhân cũng đã đầu tư vào đường sắt, nhưng với tâm thế hiện nay thì không bao giờ đủ “cơ” cạnh tranh với nhà nước (đại diện là Tổng Cty ĐSVN).

Đương nhiên “cơ” dưới thì khó thoát cảnh “xin-cho”. Những tuyến đường đông khách (tuyến đường “vàng” như Hà Nội-Lào Cai) vào giờ đẹp, tư nhân muốn mua hành trình chạy tàu, chắc khó nói làm sòng phẳng được. Còn hạ tầng đường sắt, năm nào cũng sửa, thay thế qua đủ loại dự án kiểu “vá chằng, vá đụp”. Ngành thì ọp ẹp, nhưng lãnh đạo vẫn vác gậy chơi golf- đáng phê phán là thế.

Người dân dường như chỉ biết đường sắt qua những lần khốn khổ mua vé tàu. Ít ai biết, đây chính là ngành có nhiều đất “vàng” nằm ở các vị trí đắc địa. Vì thế, nếu đổi mới ngành thì lãnh đạo phải “hy sinh” cả nhiệm kỳ, thậm chí mất những lợi ích vốn đã mặc định. Thế nên, “niêu cơm” truyền thống khó thể đập vỡ. Có lẽ, người ta sẽ chọn cách sớm “đổi mới” bản thân trước.

“Người từng đứng đầu ngành đường sắt Trung Quốc Lưu Chí Quân vừa bị kết án tử hình hoãn thi hành vì dính líu đến vụ tham nhũng 130 triệu USD”, một bản tin nói về quan tham đường sắt nước láng giềng nghe mà giật mình…

MỚI - NÓNG