Nhìn xuống

Nhìn xuống
TP - Ngôi trường vùng cao mái nhà trống hoác chỉ thấy cái đầu hồi tạm bợ, vây quanh là núi. Một tấm bảng dựng ngoài trời ghi bằng phấn mấy chữ "lễ khai giảng".

Lít nhít đám học trò quần áo xộc xệch, co ro ngồi xổm chắp tay đầu gối ngước mặt nhìn lên. Phía trước, bên trên là hai chiếc bàn học, nơi mấy thầy cô giáo và đại biểu ngồi trên ghế cao, nhìn xuống. Tấm ảnh được cho là chụp lễ khai giảng mới đây tại xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ (Hà Giang) đang gây xúc động mạnh trên nhiều diễn đàn mạng. 

Sẽ thế nào nếu hôm nọ Bộ trưởng Thăng chỉ đứng trên đường ngó xuống hiện trường chiếc xe khách bị lật dưới vực sâu hàng trăm mét ? Hoặc thậm chí ngồi ở Hà Nội đợi ban bệ về báo cáo lại, còn hình ảnh thì xem qua báo chí, truyền hình ? 

Nghĩ cho cùng, nếu vậy “cũng bình thường thôi”. Bởi dư luận chẳng lấy làm “lạ”, khi hầu hết các đời quan chức xưa nay vốn quen chống nạnh chỉ tay “nhìn xuống” rồi. Cũng như thói đời, đứng trên bờ vực chỉ trỏ không sao. Nhưng như những bạn trẻ nhóm phượt Vân Phong lao xuống vực cứu người, thì lại bị những “anh hùng bàn phím” dè bỉu !!

Việc ông Bộ trưởng bám dây trèo xuống tận vực sâu thị sát hiện trường vụ tai nạn, bởi thế gây nhiều tranh cãi trái chiều. Nhiều người bảo ông “tranh việc” của thuộc cấp. Nhưng, nếu chỉ ngồi phòng lạnh “nhìn xuống” thông cặp mắt của người khác, liệu có ngay quyết định rà soát, thử tải và xây kiên cố toàn bộ hộ lan tuyến đường núi Lào Cai-Sa Pa cũng như nhiều nơi xung yếu khác cả nước? 

Có việc nghiên cứu cấm/hạn chế xe giường nằm cao nghễu nghện đang từng ngày đêm leo trèo khắp những cổng trời, dốc vực quanh co cả nước gây nguy hiểm cho hành khách? Cả biện pháp căn cơ là nối đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai lên đến Sa Pa ? Những quyết định đưa ra gần như ngay lập tức từ hiện trường. Tầm nhìn lãnh đạo đặt trong chính đời sống, gần sát nhất với những thân phận người dân, thì dù có đứng dưới vực sâu cũng cho ra được những quyết sách kịp thời, thiết thực, chứ không phải trong phòng lạnh từ trên cao trông ra, nhìn xuống…

Có nhìn xuống thấy vỉa hè, bia và mẹ đang có thai/cho con bú thế nào không, để ra dự thảo quy định “cấm bán bia vỉa hè”, cấm bán bia cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú ?! Và nếu cho rằng bia (nhân đây cũng nên tính cả rượu) là thứ gây hại cho sức khỏe, giao thông thì nên tìm cách cấm từ gốc, đừng đợi nó ra đến vỉa hè mới cấm. Vỉa hè hay trong nhà, dưới hầm không thể là tội đồ, là thủ phạm sai khiến bia rượu gây hại cho con người. 

Trở lại những hình ảnh quen thuộc ngày tựu trường từ miền núi non xuống thị thành ở ta. Trong khi ở các nước, thông thường học sinh và cả phụ huynh được ngồi ngay ngắn trên những hàng ghế dự lễ, gần như ngang hàng với thầy cô, đại biểu. Thì ở ta, buổi khai giảng, học trò hầu như phải mỏi cổ ngước nhìn lên thầy cô, quan khách ngồi bàn ghế hoặc trên bục cao, nhìn xuống. Hình ảnh mang tính ẩn dụ cho nền giáo dục hiện thời.

MỚI - NÓNG