Lo ngại biến tướng kinh doanh WC công cộng

 Nhà VSCC tại 80 Gia Ngư
Nhà VSCC tại 80 Gia Ngư
TP - Lần đầu tiên Hà Nội cho phép thí điểm xã hội hóa đầu tư cải tạo nâng cấp các nhà vệ sinh công cộng bằng tiền của doanh nghiệp. Đổi lại doanh nghiệp được quyền kinh doanh thu phí, đặc biệt là được kinh doanh cho thuê văn phòng, cà phê, đồ ăn nhanh... ngay tại nhà vệ sinh.

Nhà vệ sinh kết hợp văn phòng

Theo văn bản chấp thuận của UBND TP Hà Nội cho thí điểm xã hội hóa đầu tư cải tạo, nâng cấp 3 nhà vệ sinh công cộng (VSCC) trong khu vực phố cổ do UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất để phục vụ du lịch, tuyến phố đi bộ và người dân trong khu vực. Cụ thể, 3 nhà VSCC tại các điểm số 5 Hàng Giầy, 38 Hàng Giấy, 50 phố Gia Ngư (quận Hoàn Kiếm), sẽ được đầu tư thiết bị mới, cung cấp dịch vụ VSCC chất lượng cao. Quy mô các nhà VSCC này sẽ được thiết kế với công trình cao 2 tầng và được trang trí phù hợp với cảnh quan, không gian khu phố cổ xung quanh. Tổng diện tích sàn sử dụng tầng 1 của 3 nhà VSCC này là 112m2; tầng 2 là 90m2.

Theo phương án mà UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất, tổng kinh phí để thực hiện cho việc cải tạo 3 nhà VSCC trên là hơn 1,7 tỷ đồng và do doanh nghiệp tự bỏ tiền ra. Đổi lại, doanh nghiệp sẽ được quyền khai thác toàn bộ diện tích tầng 2 của 3 khu nhà VSCC để làm văn phòng hoặc quán cà phê giải khát hoặc kinh doanh các loại hình dịch vụ như: văn phòng bán tour du lịch; giới thiệu chỉ dẫn thông tin du lịch; đại lý vé máy bay; cửa hàng lưu niệm, các sản phẩm du lịch khác; đồ ăn nhanh... Riêng diện tích ở tầng 1 của 3 khu nhà VSCC, một phần sẽ sử dụng làm khu VSCC phục vụ người dân và khách du lịch có thu phí với mức 3.000 đồng/lượt và phần diện tích còn lại cho thuê đặt ATM.

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, với mức thu phí vệ sinh là 3.000 đồng/lượt, cùng với các doanh thu dịch vụ và chi phí vận hành khác, doanh nghiệp bỏ ra trên 1,7 tỷ đồng này sẽ hoàn vốn trong thời gian là 10 năm. Sau thời gian trên, doanh nghiệp sẽ được quyền ưu tiên ký hợp đồng khai thác. Chẳng hạn như được phép ưu tiên ký hợp đồng thuê toàn bộ diện tích sàn tầng 2 và khu đặt ATM trong thời gian 5 năm tiếp theo với giá ưu đãi (dự kiến giá thuê là 70% giá thị trường tại thời điểm hiện tại)...

Lo ngại “biến tướng” nhà vệ sinh?

Theo tìm hiểu các khu nhà VSCC trên được quận Hoàn Kiếm đầu tư bằng vốn ngân sách năm 2000 trong dịp chào mừng 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Hiện 3 khu nhà VSCC do một Xí nghiệp của Cty Môi trường Đô thị Hà Nội quản lý vận hành.

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Đô thị số 2 (đơn vị vận hành 3 nhà VSCC) cho biết, hiện trung bình mỗi khu VSCC này mỗi ngày phục vụ khoảng trên 200 lượt người. “Hiện chúng tôi bố trí 4 công nhân phục vụ tại các nhà VSCC này. Mức thu phí hằng tháng được khoán cho nhân viên để thực hiện việc thu bù chi, trong đó chủ yếu phục vụ cho công tác bảo trì, sửa chữa công trình”, ông Chiến nói. Đại diện Cty Môi trường Đô thị cho rằng, dù đồng ý với phương án đề xuất của quận Hoàn Kiếm là việc nhà đầu tư sẽ tiếp nhận công nhân đang làm việc tại 3 nhà VSCC để tiếp tục phục vụ tại đây với mức lương theo đúng quy định và thỏa thuận. Tuy nhiên, đơn vị này cho rằng, sau khi đầu tư cải tạo xong, nhà đầu tư nên bàn giao toàn bộ diện tích VSCC tầng 1 để đơn vị quản lý nhằm đảm bảo đúng chất lượng dịch vụ.

TS Phạm Sỹ Liêm, Tổng Hội xây dựng Việt Nam cho rằng, việc đầu tư theo hình thức xã hội hóa bằng vốn của doanh nghiệp đối với các công trình công cộng là phù hợp trong tình hình khó khăn về nguồn vốn ngân sách. Tuy nhiên, theo ông Liêm việc cho phép nhà đầu tư thu hồi vốn bằng việc kinh doanh các dịch vụ cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng.

Bởi tổng mức vốn cải tạo, nâng cấp 3 nhà VSCC trên 1,7 tỷ đồng là con số không lớn, không lẽ Hà Nội không có? “Các hoạt động với mục tiêu phục vụ du lịch, phục vụ nhân dân thì nên ủng hộ, theo tôi không nên cho sử dụng kinh doanh làm văn phòng ở đây. Bởi đã là nhà VSCC thì chức năng chính là VSCC, nếu kinh doanh làm văn phòng sẽ bị biến tướng, đặc biệt làm tăng mật độ dân số ở khu vực phố cổ. Rồi không khéo, khu chức năng vệ sinh chỉ phục vụ cho khách văn phòng, khách ăn uống giải khát của nhà đầu tư”, ông Liêm phân tích.

MỚI - NÓNG
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
TPO - Cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng" đưa khán giả gặp gỡ những cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ai trong số họ cũng có những câu chuyện đáng nhớ về chiến trường xưa. Những kỷ niệm của họ làm sống dậy cả một thời oanh liệt.