Kinh tế Trung Quốc tăng chậm kỷ lục

Kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu hồi phục
Kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu hồi phục
TP - Số liệu mới nhất cho thấy, năm 2015, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng với mức thấp kỷ lục trong 1/4 thế kỷ.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,9%, thấp hơn mức 7,3% của năm 2014, đóng lại một năm đầy biến động với dòng vốn chảy ồ ạt, đồng tiền mất giá và chứng khoán lao dốc.

Chính sách kinh tế của Trung Quốc xếp đầu bảng trong danh sách lo ngại rủi ro trong năm 2016 sau khi thị trường chứng khoán và đồng nhân dân tệ của nước này vừa bước sang năm mới đã lao dốc. Giới đầu tư đang lo ngại kinh tế Trung Quốc sẽ xấu đi nhanh chóng. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại cùng sự giảm giá của các loại hàng hóa cơ bản khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm qua tiếp tục giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu và dự báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chỉ tăng 6,3% trong năm 2016.

Số liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc cho thấy, sản lượng công nghiệp tháng 12/2015 không đạt được mức kỳ vọng khi chỉ tăng 5,9%; sản lượng điện và thép giảm lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ; sản lượng than giảm năm thứ hai liên tiếp, cho thấy nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và sự chuyển đổi sang tăng trưởng dựa vào người tiêu dùng đang làm tổn hại đến công nghiệp. Tăng trưởng doanh số bán lẻ trong tháng 12 cũng thấp hơn kỳ vọng, làm thất vọng những ai coi người tiêu dùng là động lực mới của tăng trưởng. “Những con số này cho thấy nền kinh tế yếu đi toàn diện. Chúng tôi tin rằng, Trung Quốc sẽ trải qua một năm nhọc nhằn sắp tới”, Reuters dẫn nhận định của ông Zhou Hao, nhà kinh tế học (làm việc tại Ngân hàng Commerzbank Singapore) chuyên nghiên cứu các thị trường mới nổi ở châu Á.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gần đây nói rằng, tăng trưởng chậm lại là chấp nhận được với điều kiện đủ số việc làm mới được tạo ra. Nhưng một số nhà quan sát cho rằng, tăng trưởng thực sự của kinh tế Trung Quốc thấp hơn số liệu chính thức, cho dù Bắc Kinh phủ nhận rằng con số bị thổi phồng. Tuy nhiên, thị trường được an ủi khi mức tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc ít nhất cũng đạt mức dự báo, và giới đầu tư đang kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sẽ triển khai các biện pháp nới lỏng tiền tệ trước Tết âm lịch 2016.

Ông Angus Nicholson, chuyên gia thị trường của tập đoàn tài chính IG tại Úc, cho rằng, việc tiếp tục cắt giảm lãi suất và mức dự trữ mà các ngân hàng phải trích lập chỉ còn là vấn đề thời gian. “Điều đó khiến các nhà đầu tư có lý do để mua cổ phiếu, sau khi giá cổ phiếu giảm mạnh gần đây”, ông Linus Yip, nhà chiến lược của công ty chứng khoán First Thượng Hải, nhận định. Việc các nhà đầu tư vẫn mua vào đã đẩy chỉ số chứng khoán Composite Thượng Hải lên 3,25% vào cuối phiên hôm qua, còn chỉ số CSI300 của các công ty niêm yết lớn nhất ở Thâm Quyến và Thượng Hải tăng 2,95%.

Kỳ vọng vào khả năng Trung Quốc sẽ triển khai các biện pháp kích thích kinh tế cũng giúp chứng khoán từ châu Á sang châu Âu tăng ít nhất 2%. Kỳ vọng cũng giúp đồng USD tăng giá 0,6% so với đồng yen, lên mức 117,97 yen/USD, trong khi đồng euro giảm 0,2% so với đồng USD xuống mức 1,0872 USD/euro. Giá vàng tương đối ổn định ở mức 1.087 USD/lượng, BBC đưa tin.

MỚI - NÓNG