Kiểm soát chéo

Kiểm soát chéo
TP - Trong một nền kinh tế thị trường, có cạnh tranh lành mạnh, giá cả được điều tiết tự nhiên thông qua quy luật cung-cầu. Người bán, người mua đều có những quyền và nghĩa vụ riêng.

Sẽ không ai yêu cầu một người bán thịt gà ngoài chợ phải minh bạch, công khai mọi yếu tố liên quan đến cơ cấu giá thành để hình thành giá bán. Bởi nếu người bán hàng bán với giá bị xem là quá cao, anh ta sẽ không bán được hàng vì vẫn còn đó rất nhiều người bán gà khác đưa ra các mức giá cạnh tranh hơn nhiều. Lúc đó nhiệm vụ của chính quyền chỉ gói gọn trong việc bảo đảm thị trường có cạnh tranh lành mạnh, không để xảy ra tình trạng những người bán cùng một mặt hàng liên kết lũng đoạn để nâng giá bán.

Tuy nhiên, nền kinh tế của chúng ta còn rất nhiều ngành đang cung cấp những sản phẩm, dịch vụ độc quyền hoặc ít nhất cũng là độc quyền của một nhóm nhỏ như điện, nước, viễn thông, xăng dầu… Giá các sản phẩm, dịch vụ này đã và đang được tính ra sao, có bảo đảm tính đúng, tính đủ, công bằng và hợp lý hay không? Những câu hỏi này là thắc mắc của rất nhiều người dân và những bản giải trình, giải thích của nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ độc quyền chưa bao giờ làm thỏa mãn người tiêu dùng. Vì sao?

Đã có rất nhiều bài báo kêu ca về chuyện giá cả liên quan đến sản phẩm, dịch vụ độc quyền hoặc thuộc độc quyền nhóm, nhưng có vẻ câu chuyện này sẽ không có hồi kết nếu không có những thay đổi căn bản. Lợi ích nhóm là một phần tất yếu của bất cứ xã hội nào và nó đương nhiên tồn tại cùng sự phát triển của xã hội ấy. Vấn đề là ai, cơ chế nào sẽ kiểm soát các lợi ích nhóm ấy và kiểm soát ra sao.

Một tổng thống của nước Mỹ từng nói một câu rất hay và chính xác, đại ý rằng đừng trông chờ vào đạo đức hay sự từ thiện của quan chức mà cần phải kiểm soát hành vi của ông ta bằng luật pháp, bằng cơ chế. Và cơ chế ấy phải thể hiện sự độc lập, khách quan không phải do đạo đức của người thực hiện mang lại, mà là do bản thân cơ chế ấy tạo ra. Ai bảo đảm các doanh nghiệp vì lợi nhuận không “đi đêm” với quan chức quản lý giá và ai bảo đảm các quan chức đó vì lợi ích cá nhân mà làm ngơ, thậm chí thông đồng với doanh nghiệp móc túi người dân? Gốc rễ của vấn đề nằm ở đó.

Công khai, minh bạch và một cơ chế giám sát chéo của các loại quyền lực nhà nước như hành pháp, lập pháp và tư pháp, mới đảm bảo việc kiểm soát giá cả các sản phẩm, dịch vụ độc quyền sát sao, đảm bảo được quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. 

MỚI - NÓNG