Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên chuẩn bị chiến tranh

Triều Tiên đang sở hữu một trong những lực lượng tàu ngầm nhiều nhất thế giới. Ảnh: Getty Images
Triều Tiên đang sở hữu một trong những lực lượng tàu ngầm nhiều nhất thế giới. Ảnh: Getty Images
TP - Seoul hôm qua cáo buộc Bình Nhưỡng huy động số lượng tàu ngầm nhiều nhất từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên. Cùng ngày, hơn một triệu thanh niên CHDCND Triều Tiên đã đăng ký nhập ngũ, hai hôm sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un ra lệnh cho các đơn vị tiền tuyến sẵn sàng chiến đấu.

Triều Tiên và Hàn Quốc hôm qua nối lại đối thoại cấp cao nhằm tìm cách hạ nhiệt căng thẳng đang lên đến mức nguy hiểm, Xinhua đưa tin. Hai miền vẫn được đặt trong tình trạng cảnh báo cao về mặt quân sự.

Huy động tàu ngầm nhiều bất thường

Triều Tiên đã tăng gấp đôi lực lượng pháo binh ở khu vực biên giới và phần lớn hạm đội tàu ngầm đã rời căn cứ, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố. Reuters dẫn lời một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói rằng, 70% hạm đội tàu ngầm của Triều Tiên, tương đương khoảng 50 chiếc, đã rời căn cứ và biến mất khỏi radar quân sự của Seoul. Sự di chuyển số lượng lớn tàu ngầm như vậy là điều “chưa từng có tiền lệ”, người phát ngôn nói. Theo người phát ngôn, Seoul cùng Washington đang tăng cường giám sát quân sự để đáp trả.

“Số lượng đó (tàu ngầm được huy động) gấp gần 10 lần mức bình thường… Chúng tôi đang xem xét tình hình rất nghiêm túc”, phát ngôn viên nói. Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn lời các quan chức quân sự nước này nói rằng, đây là lần huy động tàu ngầm lớn nhất của Triều Tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. “Không ai biết liệu Triều Tiên có tấn công các tàu chiến hay tàu thương mại của chúng ta hay không… Chúng tôi đang huy động mọi nguồn lực để xác định chúng”, Yonhap dẫn lời một quan chức quân sự Hàn Quốc. Quân đội Hàn Quốc coi việc Triều Tiên huy động số lượng lớn tàu ngầm là một trong những dấu hiệu chuẩn bị chiến tranh. Hàn Quốc đã triển khai máy bay tuần tra và tàu khu trục để phát hiện, ngăn chặn tàu ngầm Triều Tiên.

Theo sách trắng quốc phòng mới nhất của Hàn Quốc, Triều Tiên sở hữu một trong những hạm đội tàu ngầm lớn nhất thế giới, với hơn 70 chiếc, trong khi Hàn Quốc có khoảng 10 chiếc. Năm 2010, Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng dùng tàu ngầm phóng ngư lôi vào một tàu chiến của Hàn Quốc, khiến 46 người thiệt mạng, nhưng Triều Tiên bác bỏ cáo buộc này.

“Thanh niên khắp CHDCND Triều Tiên đang sẵn sàng cho một cuộc chiến thiêng liêng để bảo vệ tổ quốc với quyết tâm và niềm tin vững vàng sẽ đánh bại kẻ thù”, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin hôm qua. Theo KCNA, hơn một triệu người tình nguyện nhập ngũ hoặc tái ngũ và con số này vẫn “tăng lên từng giờ”. “Nổi giận vì các đợt nã đạn pháo từ phía những kẻ hiếu chiến Hàn Quốc, quân và dân CHDCND Triều Tiên đang nôn nóng cho đối phương biết thế nào là tắm trong mưa đạn”, KCNA đưa tin ngày 23/8. Cùng ngày, Kyodo dẫn nguồn báo chí Triều Tiên nói rằng, nước này “đã chuẩn bị đầy đủ cho bất kỳ loại hình chiến tranh nào mà kẻ thù lựa chọn, đồng thời đã xây dựng kế hoạch tác chiến hoàn hảo nhất nhằm tiêu diệt kẻ thù chỉ trong một trận đánh”.

Hai miền nối lại đối thoại

Cuộc đối thoại giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Kim Kwan-jin và ông Hwang Pyong-so, quan chức cấp cao của quân đội Triều Tiên, diễn ra tại ngôi làng biên giới Panmunjom thuộc khu phi quân sự phân cách hai miền, Yonhap dẫn thông báo ngày 23/8 của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc. Ông Hwang được coi là lãnh đạo quân đội cấp cao thứ nhì, sau nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Đại diện hai miền nối lại đàm phán sau hơn 13 giờ tạm ngừng để “xem lại quan điểm của nhau”. Hôm 22/8, hai bên có những cuộc đàm phán marathon đến tận sáng hôm sau để thảo luận biện pháp giải quyết căng thẳng và cải thiện quan hệ. Cuộc gặp diễn ra ngay sau khi hết hạn chót mà Triều Tiên đặt ra để Seoul ngừng chiến dịch tuyên truyền chống Bình Nhưỡng qua loa phóng thanh nếu không muốn đối diện hành động quân sự. Cuộc đối thoại chấm dứt trước bình minh hôm sau (23/8). “Cả hai phía đều chịu áp lực lớn phải thoát ra khỏi tình trạng này”, AP dẫn nhận định của GS Jeon Young-sun ở Đại học Konkuk tại Seoul. Học giả này cho rằng, cuộc gặp cấp cao này kéo dài đến mức chưa từng có tiền lệ.

Việc hai bên nối lại đối thoại là dấu hiệu mang lại hy vọng hai miền có thể hạ nhiệt sau khi ông Kim Jong-un tuyên bố đặt Triều Tiên trong “trạng thái nửa chiến tranh”, kêu gọi binh lính “sẵn sàng mức cao nhất”, KCNA đưa tin. Tuy nhiên, Hàn Quốc nói rằng, họ không có kế hoạch dừng tuyên truyền qua loa phóng thanh, trong khi vẫn đặt quân đội trong trạng thái cảnh báo cao. “Triều Tiên muốn dừng chiến dịch tuyên truyền, còn Hàn Quốc không thể làm điều đó mà không nhận lại gì”, GS Jeon nhận định.

LHQ hoan nghênh đối thoại liên Triều

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon vừa hoan nghênh cuộc đối thoại cấp cao giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, khuyến khích “hai bên sử dụng cuộc thảo luận được nối lại này để mở đường cho việc làm dịu tình hình” trong khu vực, CNN đưa tin ngày 23/8.

LHQ, Mỹ và Trung Quốc đều đã kêu gọi Triều Tiên và Hàn Quốc bình tĩnh. Quan hệ giữa hai miền Triều Tiên thêm căng thẳng sau khi Hàn Quốc đặt 11 hệ thống loa phóng thanh dọc biên giới để tuyên truyền chống Bình Nhưỡng. Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng đặt mìn làm thương hai binh lính của họ, trong bối cảnh Hàn Quốc và Mỹ đang tập trận chung thường niên, hoạt động mà Triều Tiên luôn lên án là tập dượt để chuẩn bị chiến tranh. 

MỚI - NÓNG