Hạn mặn gây thiệt hại 43.500 ha cây trồng ĐBSCL

Hạn mặn gây thiệt hại 43.500 ha cây trồng ĐBSCL
TPO - Số liệu mới nhất của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) , đến nay, xâm nhập mặn đã gây thiệt hại khoảng 43.500 ha cây trồng, khoảng 96.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt; trong khi ở Nam Trung Bộ cũng có trên 26.600 ha bị dừng, chuyển đổi sản xuất vụ Đông Xuân do hạn hán, thiếu nước.

Cập nhật mới nhất của Tổng cục Thủy lợi cho thấy, ở thượng nguồn sông Mekong, dòng chảy vẫn đang ở mức thấp.

Theo số liệu quan trắc tại trạm thủy văn Chiang Saen (thuộc Thái Lan, điểm đầu tiếp nhận dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong từ Trung Quốc về), mực nước duy trì ở mức từ 1,8-2m, tương đương với lưu lượng vào khoảng 850 m3/s. Đến ngày 13/3 mực nước bắt đầu tăng nhẹ, tương đương mức lưu lượng khoảng 1.000 m3/s.

So với năm 2019, lưu lượng tại Chiang Saen thấp hơn khoảng 1.000 m3/s, còn so với đợt hạn mặn lịch sử năm 2016, thấp hơn khoảng 1.100 m3/s. Tại trạm Kratia (Campuchia), lưu lượng bình quân hiện cũng chỉkhoảng 1.800 m3/s, thấp hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 715 m3/s.

Bộ NN&PTNT cho biết, vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuống giống khoảng 1,54 triệu ha, hiện hơn 1,2 triệu ha đã thu hoạch. Đến nay, hạn mặn gây thiệt hại 43.500 ha, bằng khoảng 11% so với tổng diện tích thiệt hại đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 (khoảng 405.000 ha).

Số liệu mới nhất của Bộ NN&PTNT cũng cho thấy, tình trạng hạn mặn đã làm khoảng 96.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Trong đó, Sóc Trăng bị nặng nhất với khoảng 24.400 hộ, Cà Mau 20.500 hộ, Bến Tre 20.000 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ, Trà Vinh 8.600 hộ, Long An 7.900 hộ, Bạc Liêu khoảng 3.300 hộ.

Trong tháng 3/2020, xâm nhập mặn ở ĐBSCL tiếp tục ở mức cao nhưng giảm hơn so với đợt cao điểm từ 8/2 đến 16/2. Dự báo, từ nay đến giữa tháng 4/2020, xâm nhập mặn ở vùng các cửa sông Cửu Long tiếp tục ở mức cao nhưng có xu thế giảm dần.

Từ giữa tháng 4/2020, xâm nhập mặn khả năng sẽ giảm nhanh; ở các cửa sông Vàm Cỏ xâm nhập mặn tiếp tục tăng, đến cuối tháng 4/2020 sẽ giảm dần.

Cũng theo Tổng cục Thủy lợi, tại khu vực Nam Trung Bộ, hạn hán, xâm mặn cũng khiến 2.050 ha diện tích cây trồng cũng bị ảnh hưởng, trong đó Quảng Nam khoảng 500 ha, Phú Yên hơn 680 ha, Khánh Hòa hơn 300 ha, Bình Thuận 550 ha, Bình Định gần 230 ha.

Đến nay, toàn khu vực Nam Trung bộ có trên 26.650 ha bị dừng, hoặc chuyển đổi sản xuất vụ Đông Xuân, trong đó, Bình Thuận chiếm tới 15.000 ha, Ninh Thuận khoảng 7.500 ha.

Còn tại Tây Nguyên, gần 6.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng hạn hán, trong đó, nặng nhất là Đắk Nông và Đắk Lắk trên 3.900 ha, Lâm Đồng gần 1.450 ha, Gia Lai trên 330 ha…

MỚI - NÓNG