Donald Trump: Từ giấc mơ Mỹ đến ác mộng Mỹ

Ông Trump sẽ rời Nhà Trắng vào ngày 20/1. (Ảnh: NBC)
Ông Trump sẽ rời Nhà Trắng vào ngày 20/1. (Ảnh: NBC)
TPO - Khi ông Donald Trump đứng trên trực thăng nhìn xuống vườn cỏ Nhà trắng lần cuối cùng vào ngày 20/1, đống đổ nát sinh ra từ nhiệm kỳ của ông là điều khó chối bỏ.

Người đàn ông của làng giải trí với mái tóc nhuộm vàng rám nắng giả và sở trường thu hút đám đông bắt đầu cầm quyền từ 4 năm trước, đưa ra lời hứa gây kinh ngạc trong bài phát biểu nhậm chức rằng ông sẽ chấm dứt “sự tàn sát người Mỹ”.

Nhưng ông Trump, người tự gọi mình là “thiên tài” khác biệt, có thể làm điều không tổng thống nào làm được, hóa ra lại là người để lại tình cảnh được ví như cuộc nội chiến Mỹ lần hai.

Từ chiếc Không lực một, ông Trump sẽ nhìn thấy thủ đô của nước Mỹ biến thành một doanh trại vũ trang, sau khi trụ sở Quốc hội Mỹ bị phá phách hôm 6/1.

Trong lễ nhậm chức của ông Joe Biden, lực lượng Vệ binh quốc gia mang súng tự động đứng gác khắp thủ đô. Rào chắn được dựng lên ở nhiều nơi trên những khu phố vắng như thủ đô Baghdad của Iraq.

Quân lính được triển khai ở Washington còn nhiều hơn ở Afghanistan. Đó là những người Mỹ đang bảo vệ người Mỹ trước những người Mỹ khác.

Và khi nhìn thấy mái vòm lớn màu trắng trên đồi Capitol, ông Trump có thể nghĩ đến chuyện khi ông bắt đầu nhậm chức vào năm 2017, đảng Cộng hòa kiểm soát Nhà Trắng và cả hai viện của Quốc hội - lần đầu tiên trong một thập kỷ. Khi đó, dường như không gì có thể cản đường ông.

“Chúng ta sẽ chiến thắng nhiều đến mức khiến các bạn thấy chán và mệt với việc chiến thắng”, ông từng nói với những người ủng hộ.

Nhưng vào sáng 20/1, ông sẽ rời đi sau thất bại .

Ông trở thành vị tổng thống một nhiệm kỳ và hai lần bị luận tội. Đảng Dân chủ thay đảng Cộng hòa kiểm soát Nhà Trắng và cả hai viện trong Quốc hội.

Giới phân tích cho rằng không phải mọi thứ đều là lỗi của ông Trump.

Đại dịch COVID-19 trở thành thảm họa mà nhiều quốc gia giàu có khác cũng phải đối phó chật vật. Và từ đại dịch, với số người tử vong ở Mỹ tiệm cận mốc 400.000, tạo nên một làn sóng thất nghiệp, doanh nghiệp sụp đổ và đòi hỏi phải bơm một lượng tiền lớn từ thuế của dân để duy trì nền kinh tế.

Dù ông Trump bị cho là đã xử lý sai cuộc khủng hoảng y tế, nhưng có lẽ không vị tống thống nào của Mỹ dễ dàng đứng vững trước một trận sóng thần của những tin xấu như vậy.

Nhan nhản bê bối

Quay lại thời điểm năm 2016, nhiều người Mỹ cười cợt trước ý tưởng Nhà Trắng sẽ thuộc quyền chỉ đạo của ông Trump.

Rất nhanh chóng, ông Trump sớm thể hiện dấu ấn của mình trên tất cả thể chế của Mỹ, gắn thương hiệu dân tộc chủ nghĩa lên mọi thứ ông chạm vào.

Các đối thủ càng cố ngăn thì ông càng đi tiếp.

Cuộc điều tra trong 2 năm để làm rõ sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016 và chiến dịch của Trump xác nhận có hành vi đáng lo ngại, những cuối cùng không dẫn đến điều gì.

Rồi đảng Dân chủ tiến hành thủ tục luận tội ông lần thứ nhất vào năm 2019, nhưng ông dễ dàng được tha.

Và tất cả những ồn ào bình thường có thể đành chìm một vị tổng thống, như trận chiến tại tòa với một ngôi sao khiêu dâm, những cáo buộc mập mờ công tư ở sân golf riêng để thu lời, vụ bỏ tù luật sư, cũng không khiến ông hề hấn gì.
Dùng Twitter như một vũ khí và tập hợp ủng hộ dưới chiếc mũ MAGA, ông Trump chiến đấu với cả phe chỉ trích và gần như cả thế chế của Mỹ.

Những người bất đồng trong Nhà Trắng lần lượt ra đi. Nhiều nhà báo trở thành “kẻ thù của người dân”. Các cơ quan tình báo và FBI bị coi là “vũng lầy”. Phe đối lập trong Quốc hội bị dán nhãn “kẻ nói dối”, “lười biếng” và “phản quốc”.

Như ông Trump viết trên Twitter năm 2012: “Khi ai đó tấn công tôi, tôi luôn tấn công lại, mạnh hơn 100 lần”.

Làm đối ngoại không giống ai

Câu chuyện trên vũ đài quốc tế cũng tương tự.

Vứt bỏ nỗ lực xây dựng đồng minh suốt nhiều thế kỷ của các đời tổng thống Mỹ, ông Trump biến những liên minh thành quan hệ dựa trên tính toán kinh tế.

Những nước gần gũi với Mỹ như Hàn Quốc, Đức và Canada bị cáo buộc “xé xác Mỹ”. Ngược lại, những kẻ thù của Mỹ như Triều Tiên và Trung Quốc được mời đến đàm phán, tham gia những sáng kiến ngoại giao khác thường mà ông Trump đóng vai chính.

Ông Trump nói rất nhiều về mình. Nhóm kiểm chứng của Washington Post nói rằng có đến hơn 30.000 phát biểu của ông Trump không đúng sự thật.

Ông Tump hay nói đùa, và có lần ông nói rằng ông sẽ thay đổi Hiến pháp để ông có thể nắm quyề suốt đời. “Điều đó khiến họ phát điên”, ông nói một cách vui vẻ.

Ông bắt đầu năm 2020 bằng bữa tiệc xa hoa ở câu lạc bộ Mar-a-Lago golf ở Florida, chắc chắn với niềm tin sẽ đắc cử vào tháng 11.

Nền kinh tế đang phát triển tốt, vai trò của ông trong đảng Cộng hòa và báo chí cánh hữu lên như diều gặp gió. Còn phe Dân chủ rơi vào hỗn loạn vì cạn kiệt gương mặt đại diện đủ sức đánh bại ông Trump.

Donald Trump: Từ giấc mơ Mỹ đến ác mộng Mỹ ảnh 1

 Ông Trump trong cuộc gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore. (Ảnh: AP)

Đối thủ không thể đánh bại

Khi COVID-19 mới xuất hiện, ông Trump làm hết sức có thể để giả vờ như không có gì nghiêm trọng đang xảy ra. Nhưng bất chấp nỗ lực của ông, virus tiếp tục lây lan chóng mặt.

Người đàn ông tự tin nhất thế giới cuối cùng đã gặp phải đối thủ mà ông không kiểm soát được.

Giữa bối cảnh đó, những cách thức truyền thống của ông Joe Biden lại trở thành lựa chọn thay thế được nhiều người ủng hộ.

Ngay cả cách ông Trump chỉ trích ông Biden là người đàn ông yếu đuối không thể ra khỏi căn cứ sở Delaware cũng bị tác dụng ngược. Ông Biden đơn giản chỉ cần nhắc nhở người Mỹ rằng ông đang cách ly với mọi người, rằng ông là người có trách nhiệm và có thể “hàn gắn” đất nước.

Ông Trump cười khi người dân đeo khẩu trang. Còn ông Biden luôn đeo khẩu trang.

Đến tháng 10, ông Trump mắc COVID-19 và phải nhập viện, sau này ông thừa nhận đã suýt chết khi đó.

Chơi với dao

Khi vận may ít dần, ông Trump nghĩ ra phương án B: Nếu thua trong cuộc bầu cử ngày 3/11, ông sẽ không thừa nhận và cáo buộc có gian lận. Kế hoạch này khiến nhiều người còn nghĩ rằng ông có thể chỉ đang đùa.

Nhưng suốt mấy tháng, ông liên tục cáo buộc phe Dân chủ chuẩn bị cho chuyện gian lận bằng chuyện cho phép gửi phiếu bầu qua thư, rồi đội luật sư của ông chiến đấu ở nhiều tòa án.

Trong khi đó, ông Trump dùng những công cụ và kênh yêu thích như Twitter và Fox News để nhắc lại những khẳng định của luật sư. Khi bị hàng loạt tòa án bác đơn, ông Trump kiện lên Tòa án tối cao, nhưng cũng bị gạt.

Khi thua ở Georgia, ông đòi kiểm phiếu lại. Khi kết quả ở bang này không thay đổi, ông gọi điện cho quan chức phụ trách bầu cử của bang để giục “tìm thêm phiếu”.

Nguồn sức mạnh lớn nhất của ông Trump là đám đông. Nhưng đùa với lửa có ngày bỏng tay. Cuộc bạo loạn ở Quốc hội ngày 6/1 khiến hình ảnh ông Trump bị tổn hại nghiêm trọng.

Twitter chặn tài khoản, các nhà tài trợ quay lưng, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell thôi ủng hộ, nhiều trợ lý thân thiết quay lưng hoặc nghỉ việc. Ông bị luận tội lần nữa.

Nhiều người vẫn thích gọi ông Trump là vị tổng thống của truyền hình thực tế. Ông không coi đó là sự xúc phạm.

Nhưng vào ngày 3/11, đa số người Mỹ đã quyết định dừng mùa tiếp theo của chương trình.

Ông vẫn có vài chục triệu người ủng hộ, nên sau này vẫn có thể làm gì đó liên quan đến đám đông.

Giờ đây, giống như diễn viên hết vai, ông đang phải chờ vai diễn tiếp theo.

Theo theo JiJi
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.