Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vượt khó vào chuỗi cung ứng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ tìm cách thay đổi, linh động với thời cuộc để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Doanh nghiệp cơ khí cần chính sách hỗ trợ về thuế

Tại Công ty TNHH Cơ khí Nhật Long (TP Thủ Đức), ông Nguyễn Ngô Long cho hay, hơn 20 năm qua, ông định hướng đầu tư mạnh vào trang thiết bị sản xuất hiện đại, cải thiện quy trình hoạt động hiệu quả, kiên trì với mục tiêu sản phẩm chất lượng, giá thành cạnh tranh so với các linh kiện phụ tùng nhập khẩu. Với những cố gắng không mệt mỏi, công ty đã nhận được nhiều đơn hàng đến từ các doanh nghiệp FDI và cả các doanh nghiệp cơ khí trong nước nhờ tập trung vào “sản xuất phụ tùng thay thế theo yêu cầu về chất lượng và giá cả”.

“Trong nền công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cần tham gia mạnh mẽ của những công ty nhỏ với sự dẫn dắt của công ty lớn, hướng đến sự phát triển bền vững. Từ đó, phát triển xa hơn, lâu dài” - ông Long nói.

Hiện tại, nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng thay thế của Nhật Long tại TPHCM đang chạy hết công suất để kịp đơn hàng của 20 đối tác, trong đó có công ty từ Nhật Bản, Hàn Quốc…

Là doanh nghiệp sản xuất các thiết bị cơ khí cho các tập đoàn lớn trên thế giới, trong đó có hãng xe điện Tesla, ông Nguyễn Văn Trí - Tổng giám đốc Công ty cơ khí Lập Phúc cho rằng, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là việc không hề với doanh nghiệp trong nước do phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí khác nhau. Như với các đối tác Mỹ, bên cạnh các yêu cầu khắt khe về nhà máy sản xuất, thiết bị đạt chuẩn… các doanh nghiệp Mỹ còn đặt ra yêu cầu giá sản phẩm bán cho họ phải mang tính cạnh tranh, phải rẻ hơn Trung Quốc. “Giá rẻ hơn Trung Quốc nhưng chất lượng phải đạt tiêu chuẩn Nhật Bản. Đây là bài toán khó không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được” – ông Trí chia sẻ.

Theo ông Trí, để có giá rẻ hơn doanh nghiệp Trung Quốc, công ty Lập Phúc phải mua máy móc đã qua sử dụng từ Nhật Bản về rồi cải tiến lại. Tuy nhiên, mua máy móc cũ phải đóng thuế nhập khẩu rất cao. Cùng đó, cái khó chung nữa với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hiện nay chính là nếu công ty chế tạo được thân máy nhưng phụ tùng vẫn phải nhập thì không thể cạnh tranh với máy của Đài Loan (Trung Quốc).

“Nếu giải quyết được vấn đề thuế nhập khẩu, ngành công nghiệp chế tạo máy trong nước mới phát triển, từ đó doanh nghiệp nội địa sẽ có nguồn máy rẻ phục vụ sản xuất” - ông Trí tâm sự.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vượt khó vào chuỗi cung ứng ảnh 1

Công ty TNHH cơ khí Nhật Long không ngừng nỗ lực để trở thành nhà cung cấp linh kiện cho 20 đối tác ngoại. Ảnh: Phương Uyên

Tạo bệ đỡ cho doanh nghiệp

Để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, mới đây, Sở Công Thương TPHCM đã ký kết với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ thực hiện một loạt chương trình hướng đến việc Việt Nam xây dựng nền công nghiệp tự chủ.

Cụ thể, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố sẽ phối hợp tổ chức Hội nghị liên kết vùng trong định hướng phát triển công nghiệp theo lợi thế của từng địa phương; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách cho phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. Cùng đó, các địa phương sẽ luân phiên phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào được chuỗi cung ứng toàn cầu và phối hợp nghiên cứu, góp ý, đề xuất xây dựng Luật Công nghiệp; phối hợp, liên kết hình thành vùng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp.

Ông Ngô Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trong thời gian qua, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của thành phố đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của kinh tế TPHCM (chiếm khoảng 18% GRDP). Đặc biệt, trong giai đoạn từ 2016 đến nay, cơ cấu ngành công nghiệp TPHCM đã chuyển dịch đúng định hướng, cơ cấu 4 ngành công nghiệp trọng yếu tăng từ 52,8% năm 2016 lên 55,82% năm 2020. Trong đó, ngành công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong toàn ngành công nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu, nhận thức được vai trò của công nghiệp hỗ trợ, TPHCM xác định đây là lĩnh vực ưu tiên cần tập trung phát triển. Vì vậy, Thành ủy và UBND thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai rất nhiều giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ như: Thành lập Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố; thành lập Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố trực thuộc Sở Công Thương; cùng với một số giải pháp cụ thể khác như xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố đồng thời tổ chức kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Một giải pháp khác của TPHCM trong hỗ trợ doanh nghiệp chính là hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, kích cầu đầu tư, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ... Thực tế cho thấy, các giải pháp trên đã góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như tạo điều kiện tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

MỚI - NÓNG
Nóng đỉnh trong kỳ nghỉ lễ, Hà Nội bao nhiêu độ?
Nóng đỉnh trong kỳ nghỉ lễ, Hà Nội bao nhiêu độ?
TPO - Hiện nay khối khí nóng lệch Tây đã tác động trực tiếp và mở rộng trên nhiều khu vực. Tại Thủ đô Hà Nội trong 24 đến 48 giờ tới dự kiến là thời gian nắng nóng đạt đỉnh, nhiệt độ dự báo dao động ở ngưỡng 39 - 40 độ C tuy nhiên ở một số khu vực thậm chí có thể lên thêm 5 - 7 độ C.