Doanh nghiệp làm ốc vít, linh kiện ô tô đặt chân vào khu công nghiệp dành riêng công nghiệp hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
Khu Công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip) vừa đón thêm 1 doanh nghiệp sản xuất ốc vít, đai ốc, linh kiện phục vụ cho các ngành công nghiệp như ô tô, xe máy, xe đạp, đồ gia dụng, thiết bị điện, điện tử. Sự gia nhập của doanh nghiệp ở nhiều mảng ngành nghề khác nhau vào Khu Công nghiệp dành riêng cho công nghiệp hỗ trợ đầu tiên trên cả nước được kỳ vọng sẽ giúp hình thành chuỗi sản xuất nội địa, tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngày 30/11 tại Hanssip, Công ty Cổ phần Đầu tư – Phát triển N&G đã tiến hành bàn giao mặt bằng cho Công ty TNHH sản xuất ốc vít THT Việt Nam để đơn vị này chính thức bắt tay vào thực hiện các công tác xây dựng nhà máy.

Theo hợp đồng thuê đất đã ký, nhà máy của THT Việt Nam giai đoạn 1 được xây dựng khoảng 20.000m2 nhà xưởng, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý 4 năm 2023. Nhà máy sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao phục vụ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu, đặc biệt hướng tới kết nối sản xuất với các doanh nghiệp vùng Kobe của Nhật Bản, nhóm doanh nghiệp KOBE đang xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm linh kiện cho ngành hàng không vũ trụ, ô tô, robot...

Doanh nghiệp làm ốc vít, linh kiện ô tô đặt chân vào khu công nghiệp dành riêng công nghiệp hỗ trợ ảnh 1

THT Việt Nam sẽ xây dựng nhà máy phục vụ công nghiệp hỗ trợ tại Hanssip

THT Việt Nam hiện có nhà máy sản xuất tại xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh với sản phẩm chính là bu lông, ốc vít, đai ốc, các sản phẩm linh kiện khác phục vụ cho các ngành công nghiệp như ô tô, xe máy, xe đạp, đồ gia dụng, thiết bị điện, điện tử..

Đại diện công ty THT Việt Nam cho biết, từ khi thành lập vào năm 2017 đến nay, dù chịu ảnh hưởng bởi hơn 2 năm dịch bệnh COVID-19, song nhịp độ sản xuất tại THT Việt Nam vẫn rất sôi động, liên tục cung cấp các sản phẩm chất lượng cao, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng cho các nhà sản xuất trong và ngoài nước.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển, mở rộng sản xuất, sau khi khảo sát, lựa chọn, THT Việt Nam đã quyết định ký hợp đồng thuê đất tại Khu công nghiệp HANSSIP để triển khai dự án mới.

Ngoài việc sản xuất các sản phẩm chủ lực truyền thống là các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại HANSSIP, THT Việt Nam liên tục đầu tư công nghệ, ký hợp tác với các đối tác nước ngoài. Trong đó đáng chú ý là việc hợp tác cCông ty TNHH Tư vấn - Đầu tư – Phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản trong việc tư vấn nâng cao năng lực sản xuất, tiếp cận công nghệ quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn Nhật Bản để hướng tới sản xuất các sản phẩm cơ khí đặc thù, đủ tiêu chuẩn chứng chỉ sản xuất Nhật Bản và toàn cầu , ứng dụng trong ngành hàng không, vũ trụ, ô tô, robot … Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Doanh nghiệp làm ốc vít, linh kiện ô tô đặt chân vào khu công nghiệp dành riêng công nghiệp hỗ trợ ảnh 2

Mô hình nhà xưởng của THT Việt Nam

Đại diện HANSSIP cho biết, cùng với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, các năm qua, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã nắm bắt chủ trương lớn của Đảng - Nhà nước để cụ thể hóa Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản.

Để đón đầu làn sóng đầu tư, Khu công nghiệp dành riêng cho công nghiệp hỗ trợ HANSSIP, đã được đầu tư xây dựng với đầy đủ hệ sinh thái công nghiệp bao gồm nhà ở công nhân - chuyên gia, trường học, y tế , khu văn hoá - thể thao, ngân hàng, hải quan, Học viện hướng nghiệp đào tạo lao động ngành công nghiệp hỗ trợ theo nhu cầu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, sẽ hỗ trợ toàn diện, chuẩn bị đầy đủ hạ tầng tiện ích công nghiệp cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư sản xuất.

Về phía HANSSIP, đại diện Khu công nghiệp cho biết, các dự án đầu tư vào đây đều được lựa chọn kỹ, ưu tiên thu hút các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao. Đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu rộng vào chuỗi sản xuất toàn cầu và chiếm lĩnh thị phần bỏ ngỏ rất lớn lên tới hàng chục tỷ USD đang phải nhập khẩu linh kiện về Việt Nam hàng năm.

Theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA), sau một thời gian hoạt động, các dự án đầu tư vào HANSSIP đều được lựa chọn kỹ, ưu tiên thu hút các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao, đặc biệt là hỗ trợ để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu rộng vào chuỗi sản xuất toàn cầu với kim ngạch lên tới hàng chục tỷ USD nhập khẩu linh kiện mỗi năm.

Theo đánh giá của Cục Công nghiệp, cách đây vài năm, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam luôn bị xếp ở top dưới trong bảng xếp hạng đầu tư, hoạt động trong công nghiệp hỗ trợ ngay ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, đến nay, cùng với việc gia tăn số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở nhiều lĩnh vực, Việt Nam đang trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn lớn nhất thế giới trong các lĩnh vực từ điện tử, ô tô, chế biến, chế tạo, cơ khí…

Theo Cục Công nghiệp, những thành công bước đầu của các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng xuất phát từ việc có các chính sách hỗ trợ tích cực của Đảng, Chính phủ và các bộ ngành. Cùng đó, bản thân các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng nhận thức và mong muốn ngày càng đổi mới để tham gia cuộc cạnh tranh toàn cầu nhằm hướng đến trở thành các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo vàtừng bước tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

MỚI - NÓNG