Đột phá từ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp chế biến, chế tạo

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Những năm qua, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo của Quảng Ninh tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp vào phát triển kinh tế của địa phương. Trong đó, nhiều sản phẩm tăng trưởng ấn tượng như dệt may, cơ khí, lắp ráp linh kiện điện tử.

Chế biến chế tạo năm 2021 tăng trưởng 32,19%

Ngày 30/11, Tỉnh uỷ Quảng Ninh phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức toạ đàm khoa học: Đột phá từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp chế biến chế tạo. Ông Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư thường trực tỉnh uỷ, cho biết, Nghị quyết đầu tiên của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khóa XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 chọn phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo làm mũi đột phá trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 01, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh tăng lên rõ rệt. Cơ cấu các ngành công nghiệp chế biến chế tạo có sự chuyển dịch, ghi dấu ấn trong bức tranh kinh tế của tỉnh, đạt mức tăng trưởng 32,19% trong năm 2021 (gần gấp đôi so với 17% của năm 2020). Riêng 3 quý đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng đạt 10,97%.

Quy mô doanh nghiệp lĩnh vực chế biến, chế tạo phát triển nhanh, với mức tăng trung bình 11,2%/năm. Năm 2010, Quảng Ninh có 291 doanh nghiệp chế biến, chế tạo và đã tăng lên 800 doanh nghiệp vào năm 2021. Không chỉ ghi những dấu ấn trong bức tranh kinh tế cả tỉnh, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn có nhiều đóng góp về mặt xã hội, giải quyết việc làm cho một số lượng lớn lao động. Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết, các dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã tạo việc làm cho gần 1 vạn lao động mới, nâng tổng số lao động làm việc trong lĩnh vực này lên trên 63.000 người. Đặc biệt, tổng nguồn vốn đầu tư toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo từ năm 2010 đến nay đạt trên 69.000 tỷ đồng. Thu hút vốn đầu tư của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết đạt trên 32.976 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn FDI đạt trên 1,1 triệu USD.

PGS.TS Phạm Thị Thanh Bình (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới) đánh giá, cơ cấu ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Quảng Ninh có sự chuyển dịch rõ nét.

“Trong 2 năm qua, mặc dù dịch COVID-19 phức tạp nhưng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế Quảng Ninh. Nhiều doanh nghiệp lớn có mức tăng trưởng cao như Công ty Foxconn; Công ty Kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam; Công ty TNHH Điện tử Bumjin Vina; Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long”, bà Bình đánh giá.

Đột phá từ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp chế biến, chế tạo ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp Việt đang chuyển dịch sản xuất để đón đầu cơ hội đầu tư từ các 'đại bàng' đến làm tổ. Ảnh: Như Ý

Hướng đến mô hình khu công nghiệp ‘3 trong 1’

Ông Tao Hui - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Texhong Việt Nam, Chủ đầu tư hạ tầng Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Texhong Hải Hà (Quảng Ninh) cho biết, KCN Texhong Hải Hà được định hướng phát triển đa ngành nghề. Trong đó, giai đoạn 1 ưu tiên thu hút các dự án thuộc chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may, phấn đấu trở thành khu công nghiệp chuyên sâu dệt may đầu tiên và hiện đại nhất trong cả nước.

Để đạt mục tiêu trên, KCN Texhong Hải Hà đã đầu tư hạ tầng đồng bộ dẫn đến chân hàng rào các nhà máy dự án đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp. Đến tháng 9/2022, KCN đã thu hút được 19 dự án thứ cấp với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 1.458 tỷ USD.

Ông Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Quảng Ninh cho biết, để tạo động lực cho tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo, Quảng Ninh phát triển khu công nghiệp theo mô hình “3 trong 1”, đó là: Khu công nghiệp- Khu đô thị- Khu dịch vụ với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, dịch vụ tiện ích khác biệt.

PGS. TS Phạm Thị Thanh Bình cho rằng, để phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đến năm 2030, Quảng Ninh cần đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 Quảng Ninh tập trung ưu tiên thu hút, phát triển các ngành nghề: Công nghiệp điện tử, viễn thông; sản phẩm số; công nghiệp ô tô; công nghiệp năng lượng sạch; công nghiệp thời trang; công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ phục vụ công nghiệp chế biến, chế tạo.

“Quảng Ninh cần huy động nguồn lực để tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tổng thể đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhanh và bền vững. Tiếp tục nâng cao tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp”, bà Bình khuyến nghị.

Bà Vũ Thị Kim Chi Phó Trưởng ban Thường trực Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư Quảng Ninh cho biết, tỉnh đã thành lập và triển khai tổ công tác đặc biệt để giải quyết nhanh chóng các thủ tục đầu tư, kinh doanh. Hỗ trợ triển khai thủ tục đầu tư dự án, đặc biệt dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.

Thời gian tới, hoạt động xúc tiến đầu tư của Quảng Ninh tiếp tục đổi mới, chủ động thu hút, hợp tác đầu tư FDI có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và môi trường là tiêu chí đánh giá. Tiếp tục ưu tiên kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo thế hệ mới có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch.

Năm 2010, Quảng Ninh có 291 doanh nghiệp chế biến, chế tạo và đã tăng lên 800 doanh nghiệp vào năm 2021. Những lĩnh vực chế biến, chế tạo có nhiều lợi thế của Quảng Ninh là: dệt may, chế biến thực phẩm, cơ khí, chế biến vật liệu xây dựng...

MỚI - NÓNG