Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho biết, triển lãm sẽ là kênh kết nối đồng thời tạo cơ hội và động lực mới, trực tiếp và gián tiếp hỗ trợ quá trình tiếp tục phục hồi và duy trì tăng trưởng cho toàn ngành da và giày Việt Nam trong những năm tới
Triển lãm sẽ tập trung trưng bày giới thiệu sản phẩm, nguyên phụ liệu, thiết bị máy móc, công nghệ mới phục vụ ngành da - giày - túi xách, đồng thời tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động bên lề liên quan trong khuôn khổ triển lãm với sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp hàng đầu, cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ với các thương hiệu nổi tiếng thế giới trong ngành da và giày đến từ Italy, Đức, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Argentina,... và các doanh nghiệp tiêu biểu của ngành da và giày Việt Nam.
Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, triển lãm cũng là dịp để các doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với thị trường, gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu và nắm bắt thông tin, trưng bày và giới thiệu các sản phẩm của doanh nghiệp mình cũng như tìm kiếm đối tác tiềm năng và cơ hội hợp tác đầu tư, xúc tiến xuất khẩu, mở rộng thị trường với các bạn hàng trong, ngoài nước.
Số liệu thống kê cho thấy, với ngành da giày, trong 10 tháng của năm 2022 đã đạt mức tăng trưởng sản xuất 17,7%. Chỉ số sử dụng lao động ngành tăng tới 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng da, giày, túi xách tăng tới trên 36% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, mức tăng mạnh nhất ghi nhận ở thị trường Nam Mỹ (47,8 %), Bắc Mỹ (41,8 %), châu Âu (41%) và châu Đại Dương (28,3 %) và châu Á (20,2 %). Xuất khẩu da giày của Việt Nam sang các thị trường khu vực EVFTA, CPTPP, UKVFTA và ASEAN cũng tăng trưởng mạnh, lần lượt đạt 43,9 %, 39,8 %, 36,8% và 45,4%.
Hiện Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành công nghiệp ngành da giày đạt 75 - 80%, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất xuất khẩu.