Giới thiệu những mẫu áo thể thao, quần áo trượt tuyết xuất khẩu vào thị trường Đan Mạch, Mỹ, Đức…, trao đổi với PV Tiền Phong, bà Lê Nguyễn Trang Nhã, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Viking Việt Nam chia sẻ, từ nhiều năm qua, công ty đã sử dụng công nghệ về thiết kế, rập, công cụ hỗ trợ trong quá trình may như máy may lập trình, công cụ giúp công nhân tay nghề chưa cao có thể may công nghiệp hàng loạt, đơn giản.
“Công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực dệt may hiện nay còn gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu, giá cả đầu vào tăng cao trong bối cảnh lạm phát nên đơn hàng có xu hướng giảm hơn so với trước. Dự kiến tình hình khó khăn này sẽ còn kéo dài trong năm 2023. Do vậy, để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tôi cho rằng các doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển đón đầu đồng thời dựa theo khả năng của mình để đưa ứng dụng công nghệ vào sản xuất; kết hợp các doanh nghiệp trong nước để sản xuất và dần tự chủ về vải vóc, nguyên phụ liệu” – bà Nhã cho biết.
Về việc đặt chân vào chuỗi cung ứng và nâng cao năng lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực dệt may, bà Trần Hoàng Phú Xuân, Tổng giám đốc Công ty CP Kết nối thời trang Faslink cho rằng, doanh nghiệp cần chuẩn bị một chiến lược vĩ mô và những kế hoạch lâu dài, đầu tư vốn, tài chính, công nghệ rất lớn.
“Các doanh nghiệp cần quan sát xu hướng kinh tế vĩ mô của thế giới và trong khu vực, nhận biết điểm mạnh và yếu của mình, cần liên kết mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp trong ngành và các đối tác khác để có thể đi nhanh và xa hơn” – bà Xuân nhìn nhận.
Cũng theo bà Xuân, dệt may Việt Nam muốn phát triển hơn nữa, cần phải đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển (R&D), chủ động nguồn cung ứng nguyên liệu cũng như kết nối chuỗi cung ứng. Khi làm được điều này, các sản phẩm dệt may Việt Nam mới thực sự đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người dùng. Đặc biệt, khi kết nối được với nhau sẽ góp phần giảm chi phí, tạo các sản phẩm thời trang xanh dễ tiếp cận người tiêu dùng hơn.
Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, tăng cường thiết kế, ứng dụng công nghệ trong sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp ngành da giày gia tăng giá trị đồng thời dễ dàng hơn trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Như Ý |
Chia sẻ tại Tuần lễ triển lãm sản phẩm ngành dệt may và da giày năm 2022 vừa khai mạc tại TPHCM, ngày 29/11, ông Trần Phú Lữ, Phó Tổng giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại đầu tư TPHCM (ITPC) cho biết, ngành dệt may – da giày được đánh giá là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu rất lớn (đứng thứ hai sau dầu thô). Đặc biệt doanh nghiệp thuộc hai lĩnh vực này tập trung phần lớn ở TPHCM với năng lực sản xuất tương đương 40-50% cả nước.
Đối với ngành dệt may, mặc dù còn đối diện với rất nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã tìm ra đối sách đa dạng hoá thị trường. Doanh nghiệp đã chuyển đổi từ gia công sang phát triển mẫu, quản trị số, thúc đẩy giải pháp chuỗi cung ứng tự chủ…
Nhờ những giải pháp trên, 10 tháng năm 2022 ngành dệt may xuất khẩu vào 66 nước, vùng lãnh thổ đạt gần 38 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ 2021. Chỉ riêng TPHCM, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may 9 tháng đầu năm 2022 của thành phố ước đạt 3,4 tỷ USD tăng 43,9% so với cùng kỳ 2021.
Theo ông Lữ, ngành da giày đang đứng hàng thứ 5 trong tốp các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, tuy nhiên vẫn là một ngành chưa được công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kim ngạch xuất khẩu ngành da giày cả nước 9 tháng năm 2022, đạt được 21 tỷ USD. Riêng TPHCM, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày 9 tháng đầu năm 2022 của thành phố ước đạt 1,8 tỷ USD tăng 46% so với cùng kỳ 2021.
“Trong bối cảnh kinh tế mới, tác động của dịch COVID-19 kéo dài dẫn tới sự suy thoái của nhiều nền kinh tế trên thế giới, ngành dệt may da giày của nước ta đang đối mặt với nhiều khó khăn như: giảm đơn hàng, tiêu chuẩn xanh về lao động, nguyên vật liệu và điều kiện sản xuất... Việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh là thách thức lớn. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để doanh nghiệp tập trung đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi xuất khẩu, tăng uy tín thương hiệu với người tiêu dùng” – ông Lữ nhấn mạnh.
Theo thống kê của Hiệp hội Da Giày Việt Nam, nguyên phụ liệu chiếm tới 68-75% trong cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép. Dù chiếm tỷ lệ lớn nhưng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm da giày của các doanh nghiệp Việt Nam hiện mới chỉ đạt được khoảng 40-45%. Việt Nam có khoảng 129 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nguyên, phụ liệu nhưng chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp trong nước đủ sức cung ứng nguồn nguyên liệu cao cấp vì vậy việc chủ động đơn hàng và nguồn nguyên liệu luôn là vấn đề đặt ra với các doanh nghiệp trong ngành.