Chuẩn bị đón sóng dịch chuyển sản xuất
Là công ty chuyên kinh doanh các loại máy móc nhập khẩu từ Trung Quốc, từ 20 năm nay, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đức Hoa trở thành đơn vị hàng đầu trong cung cấp cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam những thiết bị, máy móc như máy thổi nhựa HD; máy thổi chai Pet; máy ép phun; khuôn mẫu; gia công trục vít đi cùng hàng loạt máy móc phụ trợ như: máy nghiền nhựa, máy trộn nhựa, phễu sấy, bầu lọc khí, máy nén khí, tháp làm mát.
Bà Phạm Việt Khanh, Giám đốc Cty TNHH Thương mại và Sản xuất Đức Hoa (Hà Nội) cho biết, cùng với việc chuẩn bị những kế hoạch kinh doanh, các doanh nghiệp cũng cần biết chuyển hướng, có chiến lược 'đón sóng' từ các nhà đầu tư FDI vào Việt Nam trong thời gian tới.
Theo bà Khanh, bên cạnh đó, ngoài việc đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, về phía các cơ quan quản lý, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, mở cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp cũng là nút thắt quan trọng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng
“Chúng tôi mong muốn thủ tục nhập khẩu thông quan nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, với 2 năm ảnh hưởng từ dịch COVID-19, doanh nghiệp gặp khó khăn nên mong muốn tiếp tục được cơ quan chức năng thực hiện chính sách hỗ trợ miễn giảm tiền thuế”, bà Khanh chia sẻ.
Ông Nguyễn Thế Duy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ và Phát triển ATH Việt Nam cho biết, là đơn vị cung cấp các sản phẩm như hóa chất bo mạch điện tử phục vụ sản xuất bảng mạch công nghệ PCB cùng các phụ gia để xi mạ lên bề mặt kim loại, tạo ra lớp màng giúp bảo vệ sản phẩm, công ty đã tiếp cận được loạt doanh nghiệp FDI tên tuổi đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Đánh giá về sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như mức độ tham gia của các doanh nghiệp Việt thời gian qua, ông Duy cho biết, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang phát triển rất mạnh. Trung Quốc là quốc gia có nền công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh nhưng đang có sự chuyển dịch của nhiều nhà sản xuất lớn ra khỏi Trung Quốc. Đây là cơ hội cho công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vươn lên, đón nhận công nghệ tiên tiến.
“Để đón đầu sự chuyển dịch sản xuất từ các nước, trong đó có Trung Quốc, bản thân các công ty phải thay đổi. Như công ty chúng tôi đã thay đổi cách quản trị đồng thời tăng tuyển dụng nhiều nhân sự có kinh nghiệm làm việc tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan- Trung Quốc”, ông Duy cho biết.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Duy mong cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận thêm nguồn vốn để các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có thể mở rộng sản xuất.
Cần chủ động nắm bắt cơ hội
GS, TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, với sự tăng trưởng ổn định về kinh tế nhiều năm qua, và chính sách thu hút đầu tư có trọng điểm và chiến lược, Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia được các doanh nghiệp, tập đoàn toàn cầu đặc biệt chú ý những năm gần đây. Đại dịch COVID-19 kéo dài càng đẩy nhanh quyết định chuyển dịch sản xuất của nhiều doanh nghiệp toàn cầu từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Số liệu khảo sát xu hướng kinh doanh mới đây của các doanh nghiệp Nhật Bản cho thấy, đầu tư kinh doanh ở Việt Nam và mở rộng sản xuất trong trung hạn lựa chọn của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản. Theo thông tin được đưa ra, trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản đã xin hỗ trợ của Chính phủ để chuyển dịch các chuỗi cung ứng từ Trung Quốc về Nhật Bản hoặc sang một nước thứ 3, có tới 50% doanh nghiệp đã chọn Việt Nam làm cứ địa sản xuất. Với việc xuất hiện hàng loạt dự án lớn vào Việt Nam thời gian qua đã cho thấy những làn sóng đầu tư chất lượng cao vào Việt Nam đến từ các doanh nghiệp tên tuổi toàn cầu.
Theo ông Mại, cũng không khó để lý giải việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp chọn chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam trong bối cảnh dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu. Việc Trung Quốc áp dụng phòng dịch chặt chẽ với COVID-19 cũng là cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến được lựa chọn hàng đầu của các tập đoàn đa quốc gia. Thực tế các năm gần đây cho thấy đã có một số nhà máy chuyển điểm sản xuất từ Trung Quốc sang nước ta.
Cũng theo ông Mại, trong bối cảnh ngày càng có nhiều ‘đại bàng’ tỷ USD đến đầu tư tại Việt Nam, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang trong giai đoạn có nhiều cơ hội chưa từng có để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt khi làn sóng các doanh nghiệp FDI có xu hướng dịch chuyển vốn và công nghệ sản xuất sang các nền kinh tế mới nổi và ổn định như Việt Nam ngày càng nhiều.
“Cùng với cơ hội, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nói riêng cần sớm giải quyết những vấn đề liên quan đến quản trị, đổi mới công nghệ, năng lực, quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như năng lực cung ứng hạn chế, chưa theo kịp xu thế công nghệ mới để có thể bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Mại cho hay.