Phát triển công nghiệp hỗ trợ bền vững, tránh phụ thuộc

0:00 / 0:00
0:00
Bình Dương phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (ảnh: HƯƠNG CHI)
Bình Dương phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (ảnh: HƯƠNG CHI)
TPO - Dịch COVID-19 và khủng hoàng kinh tế thế giới… khiến các doanh nghiệp ở Bình Dương lao đao phải tạm ngưng sản suất, cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng và nguyên liệu nhập khẩu. Phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Toàn – Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương.

Với đặc thù kinh tế của Bình Dương, đâu là những nút thắt, những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ?

Bình Dương là một trong những địa phương có ngành công nghiệp phát triển, trong đó có sự đóng góp quan trọng của công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh hiện vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và còn nhiều hạn chế. Những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, kinh tế thế giới khiến các doanh nghiệp đối mặt không ít khó khăn.

Nhiều lĩnh vực, ngành nghề, nhất là ở khối sản xuất khi phụ thuộc vào nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu chịu ảnh hưởng nặng nề. Do tình hình xuất khẩu bị gián đoạn tại các thị trường xuất khẩu chủ lực, đặc biệt là việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất từ thị trường Trung Quốc giảm đã làm cho một số ngành may mặc, da giày, chế biến gỗ,… bị ảnh hưởng nặng. Trong khi nguồn vật tư chưa được khắc phục, các khách hàng lớn ở châu Âu, Mỹ… liên tiếp hủy, hoặc hoãn đơn hàng.

Đứng trước những khó khăn về nguyên, phụ liệu, các doanh nghiệp nói chung và trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nói riêng nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc sử dụng nguồn cung từ các doanh nghiệp trong nước.

Mặc dù, thời gian qua năng lực ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh đã được cải thiện đáng kể, tuy vậy mới chỉ đáp ứng được từ 40-45% cho ngành dệt may, da giày; 10-20% cho sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ; 15% cho điện tử, tin học, viễn thông; 5% cho điện tử chuyên dụng và công nghệ cao.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ bền vững, tránh phụ thuộc ảnh 1
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương.

Các cơ chế, chính sách cần để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ là gì?

Thời gian qua, Bình Dương đã tập trung phát triển và hình thành các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may (sản xuất sợi, dệt vải, dây kéo, nhuộm, hoàn thiện sản phẩm dệt), ngành cơ khí (sản xuất kim loại, sản xuất sản phẩm từ kim loại, sản xuất máy móc thiết bị và phụ tùng cho các ngành công nghiệp ô tô); ngành điện - điện tử (sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất thiết bị dây dẫn điện, cáp quang)... Qua đó, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm công nghiệp và giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Tỉnh cũng tạo môi trường đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh từng nhóm sản phẩm hỗ trợ thích ứng, hình thành các khu, cụm công nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, nguyên vật liệu phụ trợ cho các ngành công nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sản xuất các loại sản phẩm phụ trợ, cung ứng linh kiện, phụ tùng, nguyên phụ liệu cho sản xuất công nghiệp hỗ trợ.

Để nâng cao hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, Sở Công Thương tăng cường kết nối chặt chẽ với các hiệp hội để nắm bắt nhu cầu. Đồng thời, phối hợp tổ chức chương trình kết nối cung-cầu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ tăng cơ hội tiếp cận các đối tác trong và ngoài nước, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bình Dương đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển. Đến nay, đã có nhiều dự án về công nghiệp hỗ trợ từ các tập đoàn lớn trên thế giới được triển khai. Điển hình là dự án nhà máy sản xuất bố lốp, túi khí ô tô với vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD của Tập đoàn KOLON…

Mục tiêu đến năm 2025 về phát triển các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ra sao?

Bình Dương đang nỗ lực xây dựng chiến lược phát triển lâu dài cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, Sở Công Thương đang triển khai Đề án Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm tham mưu cho UBND tỉnh hoàn chỉnh, bổ sung cơ sở pháp lý nhằm kích cầu đầu tư lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại địa phương.

Trong đó, trọng tâm xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Bình Dương đến năm 2025; xây dựng quy chế quản lý thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; thực hiện các chương trình đào tạo, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và đánh giá tỷ lệ nội địa hóa của 4 ngành công nghiệp trọng yếu.

Để phát triển công nghiệp bền vững, đi vào chiều sâu, Bình Dương đã và đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ, giúp tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.