Cộng đồng ASEAN sắp ra đời: Lạc quan thận trọng

Ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Bộ Ngoại giao
Ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Bộ Ngoại giao
TP - Cộng đồng ASEAN ra đời vào cuối năm nay sẽ giúp Việt Nam có thêm sức mạnh để bảo vệ chủ quyền, người dân thêm cơ hội việc làm và được bảo vệ tốt hơn… Nhưng khả năng thích nghi của Việt Nam trước những cơ hội và thách thức mới chỉ ở mức “lạc quan thận trọng”.

Đó là ý kiến của ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Bộ Ngoại giao, khi trao đổi với Tiền Phong về những thay đổi mà Cộng đồng ASEAN sẽ mở ra từ cuối năm nay.

Ông Thái cho rằng, sự ra đời của Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015 sẽ đánh dấu một bước chuyển quan trọng của Hiệp hội, mở ra một giai đoạn mới, từ chỗ chỉ có sự tham gia của các chính phủ sang giai đoạn tất cả người dân, doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể xã hội…cùng hội nhập.

Khi Việt Nam trở thành thành viên của Cộng đồng, nhiều cơ hội sẽ được mở rộng cho mọi thành phần trong xã hội. Ai có khả năng đều có thể tham gia, miễn phải hiểu biết để chọn đúng lĩnh vực, diễn đàn.

Về văn hóa - xã hội, lao động có tay nghề sẽ được di chuyển tự do hơn, việc công nhận bằng cấp lẫn nhau, công nhận các tiêu chuẩn về môi trường, bảo vệ quyền lợi của người lao động dần dần sẽ chuẩn hóa trong cả khu vực. Điều này thuận lợi hơn cho Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Về kinh tế, Cộng đồng ASEAN sẽ tạo ra nhiều không gian hơn để các doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội tiếp cận thị trường khu vực. Sẽ có một quỹ nhỏ để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ năng cao năng lực cạnh tranh.

Mặt trận nhiều binh chủng

Trên trụ cột Chính trị - an ninh, ông Thái cho rằng ASEAN khác với NATO vì ASEAN sẽ không hình thành liên minh quân sự, không có chính sách quân sự chung, không có quân đội chung. ASEAN là cộng đồng có cấu trúc lỏng lẻo hơn, nhưng đã xác định được ba nguyên tắc quan trọng. Thứ nhất, ASEAN hoạt động dựa trên những luật lệ, chuẩn mực quốc tế được thừa nhận rộng rãi, vì thế sẽ tạo dựng được vị thế chính trị rất mạnh trong quan hệ với các nước lớn.

Thứ hai, ASEAN có cách tiếp nhận toàn diện đối với những thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, đa phương và toàn cầu. Khi là một thành viên của Cộng đồng, an ninh của Việt Nam cũng sẽ là một bộ phận của an ninh khu vực.

Thứ ba, ASEAN là cộng đồng mở, duy trì quan hệ với các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản…Điều này phù hợp với chủ trương đối ngoại và hội nhập của Việt Nam. Cộng đồng ASEAN sẽ tiêu chuẩn hóa một số quy chế an ninh quốc phòng. Việc Việt Nam tham gia sâu hơn vào hợp tác khu vực trong lĩnh vực này giúp chúng ta bảo vệ an ninh chủ quyền tốt hơn theo những cách tiếp cận mới.

Những kênh đối thoại của ASEAN như ADMM+, EAS…cùng  những quan hệ song phương của Việt Nam sẽ “tạo ra mặt trận gồm nhiều binh chủng, giúp Việt Nam bảo vệ tốt hơn chủ quyền lãnh thổ”, ông Thái nhận định.

Nhiều doanh nghiệp sẽ “chết” trong ngắn hạn

Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ gặp một số khó khăn khi hội nhập vào Cộng đồng. Ông Thái cho rằng Việt Nam có khả năng hội nhập tương đối nhanh, đang dần thu hẹp khoảng cách phát triển với một số nước trong khối như Philippines và Indonesia. Nhưng so với những nước như Singapore, Thái Lan và Malaysia, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp, hiệu suất làm việc không cao bằng.

Bên cạnh cơ hội được tiếp cận các thị trường mở cửa hơn, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải sức ép cạnh tranh lớn, khi môi trường kinh doanh trong nước vẫn còn nhiều rào cản làm hạn chế năng lực của họ.

Khi Cộng đồng hình thành, ông Thái cho rằng những đối tượng chịu tác động mạnh nhất gồm Chính phủ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và các tổ chức, cơ quan quản lý lao động. Chính phủ sẽ phải thực hiện hàng loạt biện pháp cải cách.

Bộ Tư pháp vừa rà soát 500 văn bản pháp luật để điều chỉnh. Hải quan cũng phải thay đổi để triển khai hệ thống hải quan một cửa, nghĩa là hệ thống hải quan trên cả nước cùng phải điều chỉnh theo.

Đa số doanh nghiệp ở Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, nên khi giao thương gia tăng, thị trường được mở cửa, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn sẽ tràn vào. Một ví dụ là hệ thống siêu thị Metro gần đây đã được bán cho doanh nghiệp Thái Lan. Các doanh nghiệp Singapore và Malaysia cũng sẽ tràn vào. Cạnh tranh trong một số ngành nghề như giấy, mía đường, các sản phẩm sữa…sẽ tăng rất mạnh. Tuy nhiên, mức độ tác động sẽ không lớn như TPP.

Đánh giá về khả năng thích ứng của Việt Nam vào Cộng đồng, ông Thái cho nói rằng ông thấy “lạc quan thận trọng”. Sau 20 năm, có thể thấy Việt Nam hội nhập “không đến nỗi nào”, đã tích lũy được kinh nghiệm nhất định, có đội ngũ cơ bản và thông thạo về chuyên môn. “Người Việt Nam phải vứt xuống sông mới biết bơi. Không thể học bơi trên cạn được”, ông Thái nói.

Chuyên gia này cho rằng trước mắt, một số ngành nghề sẽ bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh, nhưng dần dần các doanh nghiệp trong nước sẽ vươn lên để giành lại phần nào. Giống khi các doanh nghiệp FDI tràn vào Việt Nam, doanh nghiệp trong nước một thời gian sau mới giành lại một số phân khúc. Ông Thái cho rằng trước mắt các doanh nghiệp sẽ hứng chịu thiệt hại khi hội nhập vào Cộng đồng, nhưng về lâu dài sẽ hưởng lợi, nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ đúng, cơ chế minh bạch và hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.