Một là, về tổng thể, sự liên kết của ASEAN về các mặt kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, các lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân sẽ gắn bó chặt chẽ hơn.
Hai là, từ góc độ kinh tế, sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN giúp nâng mức độ liên kết kinh tế trong ASEAN lên một tầm cao mới, với 650 triệu người tiêu dùng và tổng GDP đạt 4,7 nghìn tỷ USD vào năm 2020. Nói một cách khác, các nước ASEAN có cơ hội mở rộng thị trường “nội địa” của mình, bao gồm thị trường của toàn khối ASEAN.
Từ góc độ các nhà đầu tư nước ngoài, họ cũng nhìn nhận ASEAN là một thị trường thống nhất về thuế quan, chính sách, sử dụng lao động để từ đó có các kế hoạch đầu tư dài hạn vào thị trường này. Ở chiều ngược, điều này làm cho ASEAN trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt các nhà đầu tư và do đó thu hút được nhiều đầu tư từ bên ngoài hơn.
Ba là, từ góc độ an ninh, với trụ cột quan trọng là cộng đồng an ninh, các nước ASEAN sẽ thống nhất và hành động một cách có trách nhiệm hơn trong hành động trong việc đảm bảo môi trường hòa bình, an ninh và ổn định của cả khu vực. Các thành viên cũng sẽ phải có cách tiếp cận mới đối với các thách thức an ninh mà các quốc gia trong cộng đồng đang phải ứng phó. Rõ ràng không thể có an ninh cho cả cộng đồng, cả khu vực nếu như các thành viên khác trong gia đình của Cộng đồng ASEAN cảm thấy bất an và bị đe dọa.
Bốn là, với tư cách là một khối thống nhất, có chính sách đối ngoại và an ninh chung trong nhiều vấn đề quan trọng, thế “mặc cả” tập thể của ASEAN trong quan hệ với các nước lớn, cũng như trong chính sách đối ngoại của họ sẽ được nâng lên đáng kể. Điều này thể hiện rõ nhất qua việc nguyên thủ của hầu hết các cường quốc thế giới (trừ châu Âu) đều tề tựu tại Kuala Lumpur khi tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á vừa qua. Và rõ ràng, khi vai trò của cả khối ASEAN được nâng lên như vậy thì vai trò và ảnh hưởng của từng nước ASEAN cũng được nâng lên một cách tương ứng.
Năm là, vai trò của ASEAN còn thể hiện ASEAN tiếp tục đóng vai trò trung tâm, là động lực của việc xây dựng thiết chế, xây dựng cấu trúc kinh tế, chính trị và an ninh của khu vực Đông Á. Hay nói cách khác, đây là tiến trình định hình luật chơi của khu vực, trong đó ASEAN là người có vai trò dẫn dắt, làm chủ cuộc chơi. Và trong tiến trình đó, Việt Nam và các thành viên khác trong ASEAN có cơ hội để nêu và thúc đẩy các vấn đề kinh tế, chính trị, an ninh, quốc gia mà mình quan tâm để thu hút, vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.