Cởi nút thắt vốn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm 2022 nền kinh tế Việt Nam đã đi qua sóng gió, cập bến thành công. Dẫu vậy, vẫn còn không ít dư chấn “sóng ngầm” đến từ thị trường vốn qua các kênh: ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Bước sang 2023, thị trường tài chính, tiền tệ sẽ ra sao?

Ngẫm lại, trong hai năm đại dịch COVID-19, sản xuất bị đình trệ, đứt gẫy chuỗi cung ứng, giãn cách xã hội… đã khiến một lượng tiền lớn nhàn rỗi từng có thời điểm “âm thầm” dịch chuyển từ ngân hàng sang các kênh huy động dễ sinh lời như bất động sản, chứng khoán hay trái phiếu doanh nghiệp. Tiền đổ vào bất động sản nhiều (qua cả kênh mua bán trực tiếp lẫn TPDN) đến khi ngân hàng “thắt” room tín dụng, bong bóng đã phình, bèn rơi vào trạng thái “ngưng tụ”, tê liệt hàng trăm ngàn tỷ đồng vốn bị “chôn”.

Cũng trong năm 2022, một phần tiền lặng lẽ dịch chuyển tiếp từ nhà băng sang chứng khoán qua đầu tư cổ phiếu. Biểu hiện là chứng khoán đón một cơ số lớn nhà đầu tư với hàng triệu tài khoản mở mới, nhiều phiên giao dịch giá trị tăng vọt gấp 2-3 lần thậm chí đạt ngưỡng hơn 1 tỷ USD/phiên, thị trường phi thẳng lên ngưỡng 1500 điểm. Thế rồi, nửa còn lại của năm, VN- Index rơi vào thảm cảnh không cứu được, khi cứ “cắm đầu” giảm điểm mạnh nhất các thị trường, đi kèm một loạt tên tuổi lớn doanh nghiệp niêm yết dính vòng lao lý vì những sai phạm.

Năm 2022, câu chuyện TPDN khiến xã hội, người dân đứng trước đợt suy giảm niềm tin; thậm chí làm tác động “nhen” lên sóng lãi suất từ sự thiếu thanh khoản cục bộ của một vài nhà băng liên quan. Áp lực vay mượn, áp lực trả lãi TPDN khiến thị trường lãi suất trồi sụt ghê gớm. Trước quan điểm rắn của nhà điều hành không nới room tín dụng, các cuộc đua huy động vì thế cứ âm thầm nổi lên. Rất may, đầu tháng 12/2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định đưa nốt 1,5- 2% dư địa tăng tín dụng tương ứng với 200 ngàn tỷ được bơm ra cho nền kinh tế. Sóng gió lãi suất sau động thái “tuýt còi” của NHNN cũng lập tức lắng xuống...

Kết năm, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú gan ruột chia sẻ những áp lực ngành ngân hàng đã phải vượt qua. Ông Tú thừa nhận: Đây là một năm vô cùng vất vả từ điều hành tỷ giá, lãi suất, nợ xấu tới ổn định thị trường củng cố niềm tin. “NHNN phải đứng trước những thời điểm rất áp lực khi phải đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, nhưng vẫn kiểm soát cung tiền giảm gia tăng lên lạm phát”, ông Tú cho hay. Cũng tương tự trong lĩnh vực tài chính, xử lý dày đặc các vấn đề nổi cộm trên TTCK, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực có lúc phải thốt lên: “Đúng là sóng gió chứng khoán” .

Vốn cho nền kinh tế một quốc gia vốn dĩ đến từ các cấu phần: Ngoài nội lực từ tiền thuế, phát hành trái phiếu Chính phủ, vốn huy động từ người dân tổ chức, còn trông vào ngoại lực đến từ đầu tư nước ngoài FDI, đầu tư ngắn hạn qua các quỹ ETF của nhà đầu tư ngoại trên TTCK. Nếu ngân hàng luôn là huyết mạch kênh dẫn vốn “nặng gánh” cho nền kinh tế thì trên TTCK, phát hành tăng vốn, qua TPDN sẽ là kênh linh hoạt tức thời. Còn với bất động sản, “hàn thử biểu” này cũng là một thước đo linh hoạt đánh dấu sức khoẻ của nền kinh tế. Thậm chí, chỉ cần một trong 3 kênh này bị “ốm”, e nền kinh tế sẽ “đổ bệnh” liền (?!).

Vậy, gói giải pháp 2023 chúng ta cần phải làm gì? Phân tích sâu, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng việc cần làm trong năm tới chính là gói giải pháp nhằm ổn định thị trường tiền tệ, cung tiền phù hợp đi kèm củng cố niềm tin ổn định lãi suất cho vay và huy động; Với bất động sản, như kiến nghị của tổ công tác tìm hiểu thị trường, cần hạn chế sự nóng vội, đầu cơ chộp giật hoặc “bột nở” bung ra nhiều dự án, vay mượn tràn lan của nhiều doanh nghiệp; thậm chí có những doanh nghiệp phải xác định bán bớt tài sản mà hoàn thiện dự án tốt thu tiền về. Tương tự với TPDN, chứng khoán, hai kênh này phải là thị trường minh bạch, doanh nghiệp phải làm ăn chân chính, nghiêm túc trong huy động vốn và sử dụng vốn phát hành. Có đồng bộ như vậy, "nút thắt vốn" mới từ từ được cởi, gỡ khó cho nền kinh tế ổn định và phát triển.

MỚI - NÓNG