Dòng tiền mất hút, chứng khoán diễn biến không ngờ ngày cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022, VN-Index đóng cửa lùi về dưới tham chiếu. Dòng tiền vẫn chưa trở lại thị trường.

Hiệu ứng chốt NAV hay những thông tin tích cực về kinh tế vĩ mô không giúp VN-Index có phiên giao dịch cuối năm khởi sắc. Chỉ số chính giữ sắc xanh trong suốt phiên giao dịch, nhưng đến ATC lại bị kéo về giá đỏ. Diễn biến này khá giống với phiên giao dịch trước, VN-Index bị “đạp” cuối phiên. Nhóm vốn hóa lớn đè áp lực lên chỉ số, BID, SAB, VCB, GAS, VNM, MSN... lần lượt là những mã gây ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index. Điểm giảm của VN30-Index cũng nhỉnh hơn chỉ số chính.

Ở chiều ngược lại, BCM, CTG, EIB, PNJ, SSB, VHM... đóng vai trò đầu kéo, nhưng đóng góp không lớn. 10 mã giao dịch tích cực nhất hôm nay chỉ đem về 2,3 điểm. Trong khi đó, 10 mã tiêu cực nhất lấy đi gần 6 điểm.

Dòng tiền mất hút, chứng khoán diễn biến không ngờ ngày cuối năm ảnh 1

Những cổ phiếu ảnh hưởng nhất tới chỉ số chính

Ngân hàng, bất động sản là 2 nhóm hút dòng tiền nhất. Cổ phiếu ngân hàng từng tăng khá tích cực trong phiên sáng, dù vậy không thể giữ phong độ sang phiên chiều. Nhiều mã đóng cửa trong sắc đỏ như TCB, ACB, VCB, TPB, MBB, BID. BID giảm mạnh nhất 3,5%. Trong khi đó, cổ phiếu ngân hàng trên UPCoM khởi sắc hơn, VAB tăng 13,2%, PGB tăng 3,8%, là 2 mã tích cực nhất nhóm nhà băng. PGB tăng giá 4 phiên liên tiếp, và chỉ qua 2 phiên gần nhất đã lên giá hơn 22%.

Nhóm bất động sản giao dịch có phần tích cực hơn, DRH tăng trần, DXS, NLG, CRE, DXG, HDG, BCM, PDR, KBC, VHM, VIC cùng tăng giá. Cổ phiếu TBH của Tổng Bách Hóa (công ty thành viên của Tân Hoàng Minh) tăng kịch trần gần 15%. Cổ phiếu này đang bị hạn chế giao dịch (chỉ giao dịch thứ 6 hàng tuần), và đây là tuần thứ 2 liên tiếp TBH tăng trần. Cổ phiếu tăng gần 30% chỉ sau 2 phiên được giao dịch.

Cũng gây chú ý trong phiên hôm nay, cổ phiếu IBC (Apax Holings) của shark Thủy tiếp tục có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp, sau khi được giải cứu. Ở phiên giải cứu hôm qua, khi cổ phiếu tăng giá, có thanh khoản trở lại, công ty chứng khoán đã giải chấp gần 10 triệu cổ phiếu của shark Thủy và Egroup.

Cụ thể, từ ngày 16 - 29/12, Egroup đã bị 2 công ty chứng khoán là Mirae Asset và BVSC bán giải chấp tổng cộng hơn 10,3 triệu cổ phiếu IBC. Trong đó 9,3 triệu đơn vị được bán ra trong ngày 29/12. Sau các giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Egroup đã xuống còn 47,36% vốn điều lệ và không còn là công ty mẹ của Apax Holdings.

Tương tự, shark Thủy cũng đã bị BVSC bán giải chấp 1,56 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian từ ngày 16/12 đến 29/12, trong đó hơn 490 nghìn cổ phiếu được bán ra trong ngày 29/12 vừa qua. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Shark Thủy tại Apax Holdings đã giảm xuống còn 6,17% vốn điều lệ.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 2,2 điểm (0,22%) xuống 1.007,09 điểm. HNX-Index giảm 1,23 điểm (0,6%) xuống 205,31 điểm. UPCoM-Index tăng 0,76 điểm (1,07%) lên 71,65 điểm.

Thanh khoản lại giảm so với phiên trước, giá trị khớp lệnh HoSE chỉ hơn 5.700 tỷ đồng. Điểm sáng là giao dịch khối ngoại, mua ròng hơn 490 tỷ đồng trên HoSE, tập trung vào STB, BCM, HPG, DGC, VHC...

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.