Chuyên gia Carlyle Thayer: Trung Quốc sẽ bổ sung 21 tàu ngầm hạt nhân

0:00 / 0:00
0:00
Hai tàu ngầm hạt nhân lớp 094A mới được nâng cấp của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Hai tàu ngầm hạt nhân lớp 094A mới được nâng cấp của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
TPO - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 4/10, GS Carlyle Thayer, Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc, cho biết, Trung Quốc có kế hoạch bổ sung 21 tàu ngầm tấn công đa năng chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) từ nay đến năm 2030.

Hiện nay, chỉ có 6 nước trên thế giới sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, gồm Trung Quốc, Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Ấn Độ. Cụ thể, Mỹ có 65 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, gồm 51 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa dẫn hướng (SSGN) và 14 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN).

Nga có 28 tàu ngầm hạt nhân (7 SSGN, 10 SSN và 11 SSBN) và 21 tàu ngầm chạy bằng diesel-điện dùng để chống tàu ngầm (SSK). Trung Quốc có 12 tàu ngầm hạt nhân (6 SSN và 6 SSBN) và 47 tàu ngầm truyền thống, gồm 46 SSK và 1 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (SSB).

Chuyên gia Carlyle Thayer: Trung Quốc sẽ bổ sung 21 tàu ngầm hạt nhân ảnh 1

Căn cứ hải quân Du Lâm của Trung Quốc chụp từ vệ tinh ngày 8/7/2021. Trong ảnh có một chiếc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo đang trở về cảng. Ảnh: CSIS.

Anh có 11 tàu ngầm hạt nhân (7 SSN và 4 SSBN), Pháp có 8 tàu ngầm hạt nhân (4 SSN và 4 SSBN). Ấn Độ có 2 tàu ngầm hạt nhân (1 SSN và 1 SSBN) và 14 tàu ngầm truyền thống (SSK).

Theo báo Ấn Độ IndianExpress, căn cứ hải quân Du Lâm có thể giúp Trung Quốc kiểm soát Biển Đông và eo biển Malacca, phong tỏa các hoạt động thương mại trên tuyến đường biển quan trọng này nếu khủng hoảng xảy ra. Căn cứ này cũng giúp Trung Quốc hạn chế sự can thiệp quân sự của Mỹ vào vấn đề Đài Loan nếu xung đột bùng phát ở eo biển Đài Loan.

Theo GS Thayer, căn cứ hải quân Du Lâm trên đảo Hải Nam của Trung Quốc thường trực 20 tàu ngầm, gồm 6 tàu ngầm hạt nhân (2 SSN và 4 SSBN) và 14 tàu ngầm chạy bằng diesel có nhiệm vụ săn tàu ngầm đối phương.

Úc sẽ đóng 8 tàu ngầm hạt nhân

Úc hiện có 6 SSK, không có tàu ngầm hạt nhân nào, và dự kiến có 8 SSN vào năm 2040, GS Thayer cho biết. Mới đây, Úc tham gia liên minh an ninh AUKUS cùng với Anh và Mỹ. Theo đó, Mỹ và Anh sẽ giúp Úc xây dựng đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của mình.

“Việc Úc phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân thể hiện việc hiện đại hóa lực lượng, chứ không phải chạy đua vũ trang. Các tàu ngầm hạt nhân của Úc sẽ mang vũ khí truyền thống, không phải vũ khí hạt nhân, nên không có mối đe dọa đối với chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân. Sứ mệnh của tàu ngầm Úc sẽ không thay đổi, dù chúng hoạt động nhanh hơn, bền hơn và khó phát hiện hơn”, GS Thayer nói.

Mỹ sẽ chia sẻ công nghệ động cơ đẩy chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Úc để Úc đóng tàu ngầm hạt nhân. Lần gần đây nhất Mỹ chia sẻ công nghệ đẩy hạt nhân là vào năm 1958 (chia sẻ với Anh sau khi Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik).

Do nhiều vấn đề, dự kiến phải đến năm 2040 hoặc lâu hơn, Úc mới vận hành được chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên. Vì vậy, trong thời gian chờ đợi, nhiều khả năng Mỹ sẽ cho Úc thuê 1 tàu ngầm tấn công đa năng chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) và thủy thủ Úc có thể được huấn luyện trên các tàu SSN của Mỹ và Anh, ông Thayer nhận định.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một chuyên gia Mỹ nói rằng, Trung Quốc đã và đang phát triển một số loại tên lửa tầm xa nên việc đồng minh của Mỹ triển khai đội tàu ngầm hạt nhân hoạt động từ xa (ngoài tầm bắn của tên lửa Trung Quốc), lâu dài và im lặng trong lòng biển có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Dự kiến, phó đô đốc Mỹ William Hilarides, người rất có kinh nghiệm về tàu ngầm, sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn Úc về chương trình tàu ngầm hạt nhân. Ngoài ra, Mỹ có thể sẽ đưa tàu ngầm của mình sang Úc duy tu, bảo dưỡng, sẵn sàng triển khai nhanh ở Tây Thái Bình Dương, vị chuyên gia Mỹ dự đoán.

Chuyên gia Carlyle Thayer: Trung Quốc sẽ bổ sung 21 tàu ngầm hạt nhân ảnh 2

Tàu ngầm hạt nhân Mỹ USS Florida phóng thử tên lửa hành trình Tomahawk. Ảnh: US Navy.

MỚI - NÓNG