Bộ trưởng Công Thương đề xuất 6 giải pháp phát triển nhân lực cho công nghiệp hóa

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại Hội nghị Phát triển thị trường lao động do Chính phủ tổ chức, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, nếu thực hiện đồng bộ 6 giải pháp sẽ đã có những gợi mở để phát triển nguồn nhân lực bắt kịp xu hướng phát triển.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đại dịch COVID-19 kéo theo đứt gãy các chuỗi cung ứng, chuyển dịch sản xuất cũng như làm bộc lộ rõ nét hơn nhiều vấn đề bất cập về thị trường, trong đó có thị trường lao động Việt Nam.

Theo người đứng đầu ngành công thương, với chiến lược mới được Chính phủ đặt ra, để nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung dồn sức phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, then chốt như: công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, chế tạo, chế biến, điện tử và hóa chất.

Đặc biệt, trong chuỗi phát triển công nghiệp, sẽ có các chính sách để hướng doanh nghiệp tập trung đầu tư vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, doanh nghiệp sẽ từng bước cải tiến quy trình sản xuất, hướng đến công nghệ sản xuất thông minh, tự động hóa đối với các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như: dệt may, da giày, điện tử, thực phẩm...

“Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế tạo thông minh, công nghiệp xanh, công nghiệp carbon thấp nhằm hình thành năng lực sản xuất mới gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và bảo vệ môi trường”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Liên quan đến việc nâng cao trình độ lao động để đáp ứng nhu cầu chuyển hướng của doanh nghiệp nhằm đón đầu xu hướng chuyển dịch đầu tư mới, Bộ trưởng Công Thương cho rằng, cần đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động đồng thời xây dựng chính sách dài hạn hấp dẫn hình thành lực lượng lao động có trình độ, kiến thức, kỹ năng đáp ứng được những thay đổi đang diễn ra. Ngoài ra, cần khắc phục tình trạng mất cân đối lao động giữa các vùng, miền thông qua việc cơ cấu lại lĩnh vực đầu tư, phát triển.

Việc xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về thị trường lao động, việc làm để các bên liên quan kết nối, chia sẻ và khai thác cũng là một trong những nhiệm vụ cần được triển khai sớm.

MỚI - NÓNG