Bảo vệ tài nguyên, xử nghiêm vi phạm

Thu hoạch cá nuôi trên biển ở Cà Mau. Ảnh: Tiến Hưng
Thu hoạch cá nuôi trên biển ở Cà Mau. Ảnh: Tiến Hưng
TP - Kiên Giang là tỉnh đứng đầu cả nước về phương tiện đánh bắt thuỷ sản trái phép ở nước ngoài. Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá tình hình triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).

Ông Mai Anh Nhịn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho hay: “Ngư dân nhiều năm nay khai thác, đánh bắt trái phép ở nước ngoài và một số nguyên nhân khác dẫn đến EC rút thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam. Việc rút “thẻ vàng” có ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và địa phương nói riêng. Nếu chúng ta không ngăn chặn thì việc EC rút thẻ đỏ là khó tránh khỏi, lúc đó xuất khẩu thủy sản sẽ khó khăn”.

Phó Chủ tịch Kiêng Giang cho biết, trong năm 2018, tỉnh Kiên Giang có phương tiện khai thác trái phép ở nước ngoài cao nhất, 4 tháng đầu năm 2019, đứng đầu cả nước về số tàu vi phạm. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc số lượng phương tiện của tỉnh quá lớn. Hiện nay, tỉnh có trên 10.000 phương tiện, trong đó có hơn 4.000 phương tiện khai thác ở ngoài khơi, có khả năng đi vào các vùng biển khác.

Trong thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hàng loạt các giải pháp, nhưng chỉ giảm được 4 phương tiện đánh bắt trái phép ở nước ngoài (so với 4 tháng đầu năm 2018). Từ công tác tuyên truyền vận động đến kiểm tra, kiểm soát ra vào của sông cửa biển, xử lý các vi phạm, tổ chức thực hiện Luật Thủy sản…. làm quyết liệt nhưng kết quả mang lại không đáng kể. Đây là việc tồn lớn nhất mà nguyên nhân sâu xa là vùng biển nước ta nguồn lợi thủy sản cạn kiệt.

“Cả thời gian dài, chúng ta không có chiến lược, không có định hướng phát triển thủy sản. Không hạn chế phương tiện, không hạn chế ngành nghề, khâu kiểm tra xử lí không tốt... Mặc dù cơ quan chức năng triển khai hàng loạt các biện pháp để chỉ đạo quyết liệt nhưng việc phối hợp xử lý còn làm chưa tốt, còn tình trạng ngành này chờ ngành khác rồi đổ trách nhiệm cho nhau”, ông Mai Anh Nhịn nói.

Để ngăn chặn việc khai thác trái phép ở nước ngoài, ông Nhịn cho rằng phải có định hướng lâu dài, phải làm sao đảm bảo nguồn lợi thủy sản, có lộ trình giảm phương tiện khai thác, chuyển đổi ngành nghề...Trước mắt, phải đẩy mạnh tuyên truyền vận động, buộc làm cam kết. Khi đăng ký đăng kiểm phải buộc ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, không có thì không cho đăng ký, đăng kiểm.

Ông Nhịn đề nghị Bộ đội Biên phòng phải giám sát chặt chẽ cửa sông, cửa biển khi phương tiện ra vào, các phương tiện không có đầy đủ đăng kí đăng kiểm, thiết bị hành trình thì không cho ra.

Hiện nay, Luật Thủy sản đã có hiệu lực nhưng nghị định xử lý vi phạm chưa có. Nếu có thông tin về phương tiện bị bắt vì vi phạm ở nước ngoài thì phải xử lí, không cho hưởng chính sách về bảo hiểm, không đăng ký đăng kiểm, rút giấy phép hành nghề. Còn khi có nghị định thì căn cứ theo nghị định tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đối với Bộ đội Biên phòng khi kiểm tra các phương tiện ra, vào phải kiểm tra phương tiện khai thác, công cụ khai thác. Đối với các chủ phương tiện sử dụng chất nổ, xung điện để khai thác, nếu phát hiện phải xử lí nghiêm.  

Ông Quảng Trọng Thao - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thực hiện các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo thẻ vàng của EC, 4 tháng đầu năm 2019, tỉnh Kiên Giang đã tổ chức 7 lớp tuyên truyền cho các đối tượng chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân..., cấp phát 3.500 tờ rơi, tờ bướm về sơ đồ vi phạm các vùng biển, các văn bản liên quan đến chống khai thác bất hợp pháp.

Theo ông Thao, đến nay tình trạng tàu cá vi phạm trong vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra, đặc biệt là các vùng biển chồng lấn, giáp ranh với các nước Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Campuchia. Riêng 4 tháng đầu năm 2019, tỉnh Kiên Giang có 22 tàu, 237 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Trước đó, năm 2018, tỉnh có 67 tàu cá và 664 ngư dân vi phạm đánh bắt hải sản vùng biển nước ngoài.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".