Siết chặt đánh bắt gần bờ để ngăn tận diệt thủy sản

 Đánh bắt xa bờ vừa hiệu quả, tránh tận diệt thủy sản nhỏ, tập trung gần bờ.
Đánh bắt xa bờ vừa hiệu quả, tránh tận diệt thủy sản nhỏ, tập trung gần bờ.
TPO - Với việc khai thác quá mức như hiện nay, ngư dân, ngành thủy sản, cũng như doanh nghiệp ở đây mong muốn sớm đưa Luật Thủy sản đi vào cuộc sống...

Theo quy định hiện nay, những tàu cá có công suất dưới 20 CV hoặc những phương tiện phát sinh ngoài quy hoạch hành nghề, sát hại nguồn lợi cao như cào, te… sẽ bị cấm không cho khai thác tại vùng biển ven bờ. Tuy nhiên, những gia đình làm nghề này hầu hết có hoàn cảnh khó khăn, không đất sản xuất, buộc lòng họ phải bám biển để mưu sinh.

Anh N.V.T (ngụ huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) cho biết, gia đình anh không có tàu lớn, phải ra biển đánh bắt bằng vỏ lãi, chủ yếu bắt cá kèo giống để mưu sinh. “Nếu chịu khó, mỗi ngày tôi có thể kiếm được 3 – 5 ly cá kèo giống. Sau đó, tôi đem vào đất liền gièo lại vài ngày trước khi bán cho thương lái. Biết làm vậy là sai, mỗi lần bị bắt sẽ bị đóng phạt 1 – 2 triệu đồng, nhưng tôi cũng đành chấp nhận, vì nếu không ra biển thì gia đình tôi không biết lấy gì để sống” – anh T nói.

Cà Mau có vùng biển rộng trên 71.000 km2, nguồn hải sản phong phú, là ngư trường thuận lợi cho ngư dân khai thác. Toàn tỉnh hiện có 4.700 tàu cá đăng ký; trong đó có gần 1.300 tàu dưới 20 CV. Số lượng thuyền nhỏ lớn dẫn đến nguồn lợi thủy sản bị suy giảm đáng kể, đặc biệt là các loại thủy sản chưa trưởng thành, tập trung ở gần bờ. Bên cạnh đó, với đặc trưng địa hình, nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên biển càng tăng lên khi tại các vùng cửa sông, cửa biển hiện nay có hàng ngàn miệng đáy, trong đó có hàng trăm miệng đáy cạn, chủ yếu tận thu các loài thủy sản nhỏ.

Ông Nguyễn Tấn Biểu (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời), người có kinh nghiệm nhiều năm khai thác trên vùng biển Cà Mau, cho biết, hiện nay tôm, cá giảm hẳn do khai thác quá mức. “Vẫn còn nhiều phương tiện khai thác theo kiểu tận diệt, đánh bắt luôn cá nhỏ, vì thế chúng tôi rất quan tâm từ ngày 1/1/2019 tới, khi Luật Thủy sản có hiệu lực thi hành, việc kiểm soát nguồn lợi thủy hải sản sẽ được thực hiện triệt để” – ông Biểu nói.

Ông Nguyễn Việt Triều - Phó Chi cục trưởng Thủy sản Cà Mau còn cho hay, ngoài tàu thuyền, việc ngư dân cùng các cụ cấm đánh bắt như dùng xung điện, kích thước mắt lưới nhỏ để khai thác tận thu cũng dẫn đến cạn kiệt nguồn thủy sản. “Chúng tôi rất mong muốn sớm có những hướng dẫn cụ thể trong Luật Thủy sản để kiểm tra, kiểm soát việc khai thác thủy sản được thông suốt hơn"- ông Triều đề nghị.

Tại Cà Mau, những phương tiện, hoạt động nghề cào, te…, địa phương không cho đăng ký, đăng kiểm, không cấp phép hoạt động khai thác. Do đó, đa phần người dân hoạt động “chui”, chủ yếu đều là các phương tiện gia dụng, khai thác gần bờ. Ngoài ra, nhóm phương tiện có công suất dưới 20 CV do UBND cấp huyện quản lý. Tuy nhiên, việc phân cấp quản lý còn nhiều khó khăn, vướng mắc đối với địa phương. Hiện ngành chức năng đang xem xét, cân nhắc có nên tiếp tục phân cấp hay rút tất cả về tỉnh quản lý. Tới đây, Luật Thủy sản mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Khi áp dụng luật mới, sẽ không quản lý tàu cá theo công suất nữa mà quản lý theo chiều dài. Tỉnh Cà Mau quyết tâm đến năm 2020 sẽ giảm tàu có công suất dưới 20 CV từ 29% xuống khoảng 11%; tăng dần loại tàu có công suất từ trên 20 CV đến 90 CV từ 37% lên 40%, tăng tàu có công suất từ 90 CV trở lên từ 34% đến 49%.
MỚI - NÓNG