Giám sát tàu cá qua thiết bị hành trình

Tới đây, tàu cá dài 15 m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: Nguyễn Thành.
Tới đây, tàu cá dài 15 m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: Nguyễn Thành.
TP - Để triển khai các giải pháp cấp bách nhằm thoát khỏi việc EU cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam, ngành chức năng sẽ triển khai lắp đặt thiết bị hành trình để giám sát tàu cá.

Nhiều bất cập

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, qua khảo sát tại ba địa phương (Đà Nẵng, Khánh Hòa và Bình Thuận) vẫn thấy còn nhiều bất cập khi “soi” chiếu vào các khuyến nghị theo “thẻ vàng” của EU về kiểm soát đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý (IUU) với Việt Nam.

Theo ông Nam, nhật ký khai thác (NKKT) là điều kiện cần để chi cục thủy sản địa phương có thể “cấp xác nhận nguyên liệu thủy sản” theo quy định, là bản cần thiết để DN phục vụ EU kiểm tra lô hàng khi xuất khẩu. Tuy nhiên, thực tế, phần lớn các tàu cá đều không nộp NKKT, hoặc chỉ nộp đối phó, trong khi ngư dân nại đủ lý do, từ không biết chữ, giấu ngư trường, không quen cách làm…

Theo quy định hiện hành, các tàu cá phải nộp NKKT cho chi cục thủy sản tại địa phương cấp phép khai thác, chứ không nộp cho chi cục-nơi tàu cá cập cảng. Do vậy, chi cục thủy sản hiện chỉ xác nhận dựa trên khai báo của DN, không có hoặc ít khi có NKKT. Điều này sẽ khiến các số liệu vênh nhau.

Khảo sát của Vasep cũng chỉ ra, nhiều tàu cá đã được trang bị giám sát hành trình, nhưng không bật thiết bị, nhằm giấu ngư trường, hoặc có thể đi khai thác vùng biển nước ngoài. Trong khi tại các cảng cá, còn thiếu các thiết bị máy móc, cân điện tử… Chưa kể đến nay, vẫn chưa có chế tài xử phạt với tàu cá và các chủ nậu vựa vi phạm quy định trên.

Lãnh đạo Vasep cho biết, thực tế, ngay ở cơ quan T.Ư cũng chưa có phần mềm dữ liệu tàu cá quốc gia, cũng như quản lý chung tại các tỉnh thành. Do đó, các địa phương rất khó xác minh tàu cá của tỉnh khác nộp NKKT…

Bên cạnh đó, đối với nguyên liệu thủy sản nhập khẩu, lãnh đạo Vasep cũng cho rằng, dự thảo sửa đổi thông tư 26 mới đây của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản để khắc phục “thẻ vàng” vẫn còn nhiều điểm hạn chế, gây khó cho DN.

Vasep đề nghị cần điều chỉnh việc yêu cầu trong hồ sơ đăng ký kiểm dịch, DN phải có bản sao giấy chứng nhận đánh bắt (C/C) do cơ quan thẩm quyền của nước có tàu khai thác cấp. Bởi, quy trình cấp C/C của các nước phải qua rất nhiều khâu, phải mất ít nhất một tháng DN Việt Nam mới có thể nhận được C/C từ chủ hàng, thậm chí có DN mất tới 4 tháng. Mặt khác, EU chỉ yêu cầu DN nộp C/C khi nhập hàng vào EU, chứ không cần nộp vào thời điểm nhập hàng vào Việt Nam.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Xuân Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Vương- một DN xuất khẩu hải sản đi EU và Mỹ, thông tư 26 cần có quy định kiểm soát chặt cả hàng thủy sản nhập khẩu tiêu thụ nội địa và chuyển tải qua các cửa khẩu, cảng để xuất sang Trung Quốc. Ông Nam cho rằng, thời gian qua, nhiều container hải sản nhập về cảng Hải Phòng, sau đó chuyển tải qua biên giới Trung Quốc để hưởng chính sách chênh lệch VAT. “Do vậy, nếu kiểm soát không tốt (đặc biệt là những mặt hàng vi phạm IUU), chúng ta vẫn bị mang tiếng “tiếp tay” cho các trường hợp vi phạm về IUU”- ông Nam lo ngại.

Xử lý nghiêm tàu cá vi phạm

Tổng cục Thủy sản cho biết, Việt Nam sẽ có 6 tháng (đến 23/4/2018) nỗ lực để EU “rút thẻ vàng”. Sau thời gian trên, Việt Nam sẽ rơi vào ba tình huống. Nếu Việt Nam thực hiện tốt các khuyến cáo, EU có thể hạ thẻ vàng. Trong thường hợp xấu nhất, các cảnh báo không được triển khai, hoặc triển khai không hiệu quả, EU có thể rút “thẻ đỏ”, đồng nghĩa với việc cấm Việt Nam xuất hải sản vào EU.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt kế hoạch thực hiện một số giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EU về IUU. “Trong các nhóm giải pháp, vấn đề thực thi là quan trọng nhất vì EU muốn Việt Nam có hành động cụ thể để có chuyển biến trên thực tế”- ông Tám nói.

Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm công điện 732 của Thủ tướng, trong đó yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh và người đứng đầu địa phương các cấp chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu không ngăn chặn tàu cá địa phương vi phạm khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết: Sẽ phân bổ thiết bị đầu cuối lắp đặt trên tàu cá thuộc dự án Movimar và chia sẻ dữ liệu quản lý cho các địa phương; Nâng cấp trạm trên bờ tại Tổng cục Thủy sản và 28 tỉnh, thành ven biển, đảm bảo thiết bị HF kết nối tự động cho trên 9.000 tàu cá đã được lắp đặt; Xây dựng cơ sở dữ liệu giám sát hoạt động tàu cá, chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa Tổng cục Thủy sản và 28 địa phương ven biển, các cơ quan liên quan.

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, trong Luật Thủy sản (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, cũng đã có nhiều biện pháp cứng rắn, nhằm thực hiện 9 cảnh báo của EU. Luật quy định số lượng và phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác của tàu theo nghề trên các vùng biển và phân cấp cho địa phương để cấp phép cho từng tàu cá… Đối với tàu vi phạm IUU mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân lên đến 1 tỷ đồng.

Ngày 23/10, EU giơ “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam. Đến nay, có 25 quốc gia, vùng lãnh thổ bị EU bị phạt thẻ, trong đó có 6 quốc gia “thẻ đỏ”. Hiện 10 nước được dỡ “thẻ vàng”, 3 nước đã được dỡ “thẻ đỏ”. Hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ được EU gỡ thẻ vàng thời gian 1-2 năm, tuy nhiên Thái Lan đã 3 năm vẫn chưa được gỡ “thẻ vàng”.

MỚI - NÓNG