Ai thương phố Hội?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Vậy là cuối cùng không chịu nổi “nhiệt” từ dư luận, hôm qua chính quyền Hội An đã tạm dừng phương án buộc mọi du khách vào phố cổ phải mua vé để chờ nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp...

Suốt hơn 30 năm qua, cứ mỗi lúc mệt mỏi buồn phiền tôi lại chạy xe máy hơn hai chục cây số vào Hội An. Ngồi quán cà phê vắng ngắm mấy con phố tĩnh lặng trong lành, cùng mây nõn trên cao, rêu biếc choàng ơ hờ trên vai, ngắm từng chùm nắng đùa nghịch bờ ngói cong vênh và bức tường loang lổ thời gian,… Để tự “chữa lành”, cái từ hiện đang là trend. Nhưng giờ đây, lâu lắm tôi mới về phố Hội một lần, chỉ khi thật có việc. Bởi phố giờ đã chật chội toàn hơi người. Chỗ nào cũng ồn ào bán bán, mua mua, xanh đỏ tím vàng... Hội An không còn là “ngôi làng toàn cầu” như mệnh danh nữa rồi, mà đã thành một “cái chợ” toàn cầu.

Chỉ những ai thật yêu thương phố Hội, đến tận đáy lòng, mới có thể hiểu được nỗi mất mát ấy.

Sự tĩnh lặng, trầm lắng thanh khiết cùng con người hòa dịu mới chính là đặc sản lớn nhất của phố Hội, chứ không phải vài dãy nhà gỗ. Chính quyền Hội An đã có lý, khi muốn níu giữ điều đó, thứ bảo vật vô giá và ngày càng hiếm hoi trên khắp hành tinh chật chội xô bồ này. Nhưng làm sao lấy lại được thời gian đã mất? Dù tôi biết trước sau gì Hội An cũng phải làm điều này, và sẽ quyết làm việc này. Bởi tôi biết thứ lớn nhất mà Hội An hướng tới, không phải là tiền. Mà là để giữ lại hương vị và không gian thần tiên riêng có - một giá trị riêng dành cho những vị khách thực sự khát thèm và xứng đáng được hưởng điều đó.

Loài người rùng rùng di chuyển, như chưa bao giờ được đi. Xô đạp lên nhau để check-in khắp mọi xó xỉnh, sau những gì được xem trên phim ảnh, mạng xã hội. Tất nhiên đó là điều mơ ước của mọi nền công nghiệp du lịch, là nguồn lực quốc gia, cũng là quyền chính đáng của con người, đi để khám phá, mở mang. Nhưng thảm rêu ghềnh đá Nam Ô xanh non mong manh là thế, chỉ sau một vài ngày trở nên tan nát, thê thảm. Sa Pa, Tam Đảo đã từng mơ màng mờ sương đến thế… Cù Lao Chàm, Lý Sơn đang khống chế lượng khách mỗi ngày. Bảo tàng Chăm Đà Nẵng cũng từng tìm cách giãn bớt khách, bởi sợ các tượng đá ngàn năm không chịu nổi hơi người. Vĩnh cửu như ngọn núi Phú Sĩ cũng phải ngăn bớt dòng người trèo lên.

Đây cũng đang là vấn nạn toàn cầu. Khái niệm “Quá tải du lịch” lần đầu tiên được đưa vào từ điển Oxford năm 2018, và được chọn là từ của năm. Đến lúc tiền/doanh thu không phải tất cả. Khi hệ động, thực vật, khí hậu, và nhất là bản sắc đời sống của người bản địa đang dần bị những đợt sóng người tràn lấp, cuốn xô…

Tất nhiên chẳng ai muốn Hội An hay bất cứ vùng đất, di sản nào mãi cứ đìu hiu quạnh vắng để thỏa mãn sở thích yên tĩnh riêng mình. Nhưng như thế nào để hài hòa, phát triển đến tầm mức, mật độ nào, đó là bài toán nghiêm trọng cần giải thật gấp.

Chỉ vài tháng nữa thôi, cả di sản Hội An lại chìm trong nước lũ, những chiếc thuyền trôi ngang mái nhà cổ. Những dòng khách chen chúc, lúc ấy ở đâu, có cách gì cứu giúp không? Để phố để chùa để cầu khỏi bị mục rữa đổ sụp, cuốn trôi? Tiền nào, kinh phí đâu để chạy chữa những trận ốm thập tử nhất sinh ấy?

Du ngoạn chậm, trải nghiệm theo cách riêng, để vừa tôn trọng giữ gìn di sản, vừa vừa tôn trọng chính mình.

MỚI - NÓNG