Afghanistan nguy cơ rơi vào nội chiến

0:00 / 0:00
0:00
Taliban chiếm thêm nhiều quận huyện ở miền bắc Aghanistan trong tuần này. Ảnh: Sputnik
Taliban chiếm thêm nhiều quận huyện ở miền bắc Aghanistan trong tuần này. Ảnh: Sputnik
TP - Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Afghanistan vừa đưa ra đánh giá cực kỳ bi quan về tình hình an ninh ở nước này, khi Mỹ chuẩn bị khép lại “cuộc chiến mãi mãi”.

Tướng Austin S. Miller nói rằng tình trạng ngày càng nhiều quận huyện trên khắp Afghanistan rơi vào tay Taliban rất đáng lo ngại. Ông cảnh báo việc các đội dân quân đang hỗ trợ lực lượng an ninh của nước này có thể dẫn đất nước đến nội chiến.

“Một cuộc nội chiến chắc chắn là con đường có thể hình dung ra nếu tình hình tiếp tục như hiện nay, và đó sẽ là nỗi lo của thế giới”, AP dẫn lời ông Miller trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí từ thủ đô Kabul ngày 29/6.

Tại cuộc họp với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và quan chức phụ trách đàm phán với Taliban, ông Abdullah Abdullah, tại Nhà Trắng tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết Washington sẽ hỗ trợ nhân đạo và an ninh cho Afghanistan, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết. Nhưng ông Biden cũng nói rằng việc giữ binh lính Mỹ ở Afghanistan là vi phạm thỏa thuận hòa bình mà chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã ký với Taliban,và ông không muốn chấp nhận rủi ro đó. “Với khung thời gian mà chính quyền trước đã đặt ra, rằng nếu chúng tôi không rút binh lính, người Mỹ sẽ đối mặt với súng đạn ở thực địa và đó không phải điều mà vị tổng tư lệnh cảm thấy chấp nhận được”, bà Psaki nói.

Washington ký thỏa thuận hòa bình với Taliban vào tháng 2/2020, trong đó đề ra lộ trình để Mỹ rút quân và những cam kết của Taliban nhằm bảo đảm Afghanistan không chứa chấp những phần tử có thể tấn công Mỹ. Chi tiết những cam kết đó chưa bao giờ được công bố.

Taliban cáo buộc Washington vi phạm thỏa thuận vì đáng ra phải bắt đầu rút hết quân từ ngày 1/5/2021. Giới chức Mỹ nói rằng Taliban có một số tiến bộ, nhưng không rõ liệu lực lượng này có tuân thủ thỏa thuận đến cuối cùng hay không. Taliban chỉ thị cho các thủ lĩnh của họ không cho phép lính nước ngoài gia nhập hàng ngũ, nhưng có bằng chứng cho thấy người nước ngoài vẫn có mặt trên chiến trường.

Ông Miller cho rằng chỉ có một giải pháp chính trị mới mang lại hòa bình cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này. “Cần một giải pháp chính trị để mang hòa bình đến Afghanistan. Đó không chỉ là 20 năm, mà thực sự là 42 năm qua”, ông Miller nói.

Ý của vị tướng này không chỉ nhắc đến cuộc chiến của Mỹ, mà cả thời kỳ 10 năm Nga hiện diện ở Afghanistan trước đó. Tiếp nối cuộc xung đột đó là cuộc nội chiến tàn khốc mà các lãnh đạo Afghanistan triển khai lực lượng dân quân để chống lại Taliban. Cuộc nội chiến mở đường để Taliban lên nắm quyền vào năm 1996.

Giới chức Mỹ nói rằng việc rút hết lính Mỹ có thể hoàn thành vào ngày 4/7. Nhưng ông Miller từ chối đưa ra thời điểm cụ thể, chỉ nhắc đến thời điểm 11/9 mà Tổng thống Biden tuyên bố hồi tháng 4, khi ông thông báo việc rút hết 2.500-3.500 lính Mỹ còn lại.

Trong khi đó, Taliban đang giành được quyền kiểm soát một số khu vực với tốc độ rất nhanh, trong đó có nhiều địa bàn ở miền bắc, nơi sinh sống của các nhóm thiểu số Afghanistan. Miền bắc cũng là thành trì truyền thống của nhiều cựu thủ lĩnh Mujahideen từng đóng vai trò áp đảo ở Afghanistan từ khi Taliban bị lật đổ năm 2001. Taliban ra tuyên bố nói rằng hàng trăm thành viên của lực lượng an ninh Afghanistan đã đầu hàng, hầu hết trở về nhà sau khi bị ghi hình đã nhận tiền của Taliban. Từ tháng 5, lực lượng này chiếm thêm hơn 50 trong tổng số 370 quận huyện, bao vây nhiều thành phố và đang tiến về thủ đô Kabul.

Ông Miller nói rằng có nhiều lý do cho sự thất bại ở những địa bàn này, như sự mệt mỏi và đầu hàng, yếu tố tâm lý và thất bại quân sự. Nhưng ông nói rằng bạo lực gia tăng đẩy đất nước đến bờ vực nội chiến. Ông Miller từ chối nói về di sản của cuộc chiến dài nhất mà Mỹ thực hiện, nói rằng đó là điều lịch sử sẽ phán xét.

Giới quan sát cho rằng vì nỗi lo các nhóm khủng bố nhắm vào Trung Quốc nở rộ ở Afghanistan, Bắc Kinh dù không thoải mái lắm với Taliban nhưng có thể phải chấp nhận lựa chọn thực dụng nhất. Đó là hợp tác với lực lượng này để hy vọng Taliban không chứa chấp những thành phần khủng bố chống Trung Quốc.

Khoảng trống quyền lực

Liên quân do Mỹ dẫn đầu tấn công Afghanistan vào ngày 7/10/2001, chưa đầy 1 tháng sau đợt tấn công khủng bố 11/9 khiến khoảng 3.000 người Mỹ thiệt mạng. Taliban, lực lượng che chở cho trùm khủng bố Osama bin Laden và lực lượng al-Qaeda, bị lật đổ chỉ vài tuần sau cuộc tấn công của liên quân.

Các chuyên gia nói rằng Trung Quốc được hưởng lợi nhiều từ sự hiện diện của Mỹ ở Afghanistan khi không phải quá lo ngại về những mối đe dọa an ninh ở biên giới phía tây nam.

Đã có những dấu hiệu cho thấy tình hình an ninh đang xấu đi. Hai tuần trước, Đại sứ quán Trung Quốc ở Afghanistan thúc giục công dân của mình rời khỏi nước này khi Taliban mở rộng kiểm soát ở các khu vực xung quanh thủ đô Kabul. Tháng trước, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng bạo lực leo thang ở Afghanistan là do Mỹ “đột ngột” thông báo rút quân, theo Reuters.

MỚI - NÓNG