Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 6/5. (Ảnh: Reuters) |
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Tập tới châu Âu kể từ năm 2019, với các chặng dừng chân tại Pháp, Serbia và Hungary. Tuy nhiên, các nhà phân tích không mong đợi bước đột phá nào đạt được trong chuyến đi này về Ukraine hoặc thương mại.
Trong hội nghị thượng đỉnh 3 bên với sự tham dự của bà von der Leyen, Tổng thống Macron cho rằng sự phối hợp với Bắc Kinh trong "các cuộc khủng hoảng lớn", bao gồm cả Ukraine, là "hoàn toàn mang tính quyết định" và kêu gọi phải có "quy tắc công bằng cho tất cả" trong thương mại giữa châu Âu-Trung Quốc.
“Tương lai của lục địa chúng tôi rõ ràng sẽ phụ thuộc vào khả năng tiếp tục phát triển quan hệ với Trung Quốc một cách cân bằng”, ông Macron nói.
Ông Tập cho rằng Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) cần "duy trì quan hệ đối tác" và "phối hợp chiến lược" để từ đó "đóng góp cho hòa bình và phát triển thế giới".
Châu Âu lo ngại rằng dù khẳng định quan điểm trung lập đối với cuộc xung đột Ukraine, nhưng về cơ bản, Trung Quốc đang ủng hộ Nga, bằng cách cung cấp thiết bị phụ tùng giúp Nga sản xuất vũ khí.
Bà von der Leyen cho biết sau cuộc hội đàm: “Cần nhiều nỗ lực hơn nhằm hạn chế cung cấp hàng hóa lưỡng dụng sang Nga”. Bà nói thêm rằng “điều này ảnh hưởng đến quan hệ EU-Trung Quốc”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu khẳng định, Pháp và EU "trông cậy Trung Quốc sử dụng mọi ảnh hưởng của mình đối với Nga để chấm dứt” cuộc xung đột ở Ukraine, cho rằng châu Âu và Trung Quốc đều hưởng lợi từ hoà bình và an ninh.
Sau cuộc gặp song phương với ông Tập, ông Macron hoan nghênh "cam kết" của Trung Quốc về việc không cung cấp vũ khí cho Nga, nhưng cũng bày tỏ lo ngại về khả năng chuyển giao công nghệ lưỡng dụng.
Ông Macron cảm ơn ông Tập ủng hộ ý tưởng đình chiến trong tất cả các cuộc xung đột, bao gồm Ukraine, trong Thế vận hội Paris mùa hè này và nhấn mạnh rằng "chúng tôi không có cách tiếp cận nhằm tìm kiếm sự thay đổi ở Mátxcơva".
Bảo vệ lập trường của Trung Quốc, ông Tập nói không nên lợi dụng cuộc khủng hoảng Ukraine "để đổ lỗi, bôi nhọ nước thứ ba và kích động một cuộc Chiến tranh Lạnh mới".
Ông Macron và bà von der Leyen đều khẳng định thương mại là ưu tiên hàng đầu trong cuộc hội đàm, nhấn mạnh châu Âu phải bảo vệ “lợi ích chiến lược” của mình trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
“Châu Âu sẽ không dao động trong việc đưa ra những quyết định cứng rắn cần thiết để bảo vệ nền kinh tế và an ninh của mình”, bà von der Leyen nói.
Bà cho biết "sự mất cân bằng vẫn còn đáng kể" và "vấn đề đáng lo ngại" khi Trung Quốc trợ cấp để ô tô điện và thép của họ "tràn ngập thị trường châu Âu".
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, tại cuộc hội đàm, ông Tập phủ nhận bất kỳ vấn đề nào về tình trạng dư thừa năng lực của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu, cho rằng Trung Quốc và châu Âu nên giải quyết những khác biệt về thương mại thông qua "đối thoại và tham vấn, cũng như giải quyết những mối quan ngại chính đáng của nhau".
Ngày 7/5, ông Macron sẽ đưa ông Tập cùng phu nhân Bành Lệ Viên đến thăm vùng núi Pyrenees, nơi gắn bó với tuổi thơ của nhà lãnh đạo Pháp.
Các nhà phân tích nghi ngờ khả năng ông Macron có thể gây được nhiều ảnh hưởng đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc, kể cả với sự chào đón trang trọng và chuyến đi đến vùng núi Col du Tourmalet cao hơn 2.000m so với mực nước biển.
Hai quốc gia khác được ông Tập chọn cho chuyến công du châu Âu là Serbia và Hungary, được coi là những quốc gia có thiện cảm nhất với Mátxcơva ở châu Âu.