Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc gặp năm 2019. (Ảnh: Reuters) |
Cả hai mục tiêu đều sẽ không dễ dàng được thực hiện trong thời gian hai ngày ông Tập ở Pháp, vào thời điểm căng thẳng thương mại giữa châu Âu và Trung Quốc đang gia tăng.
Pháp ủng hộ cuộc điều tra của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào xe điện xuất khẩu của Trung Quốc, còn Bắc Kinh đang điều tra về rượu mạnh nhập khẩu, hầu hết từ Pháp, một động thái được hiểu là để trả đũa trong bối cảnh các cuộc điều tra của EU ngày càng gia tăng.
“Chúng tôi phải tiếp tục thúc đẩy Trung Quốc đưa ra nhiều đảm bảo hơn về các vấn đề thương mại”, một cố vấn của Điện Elysee cho biết trước khi Pháp đón ông Tập đến thăm.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc dự kiến sẽ đến Pháp vào khoảng 4 giờ chiều (giờ địa phương), sau đó có cuộc hội đàm chung với ông Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.
Sự chia rẽ giữa 27 thành viên EU, đặc biệt giữa Pháp và Đức, làm suy yếu quyền mặc cả của liên minh trước Trung Quốc. Các nguồn tin cho biết, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ không tham gia cuộc gặp của hai ông Macron và Tập tại Paris do cam kết trước đó.
Noah Barkin, cố vấn cấp cao của Rhodium Group và là người theo sát quan hệ EU-Trung Quốc, đánh giá: “Quyền mặc cả sẽ không còn nếu các nhà lãnh đạo châu Âu gửi thông điệp khác nhau tới ông Tập”.
Các quan chức cho biết, Pháp sẽ tìm cách đạt được tiến bộ về việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho hàng xuất khẩu nông sản của mình và nêu lo ngại về quyền sở hữu trí tuệ của ngành mỹ phẩm Pháp.
Bên cạnh đó, Pháp rất muốn thúc đẩy Trung Quốc gây áp lực lên Mátxcơva để ngừng chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhưng đến nay vẫn chưa có mấy tiến triển.
“Trung Quốc là một trong những đối tác chính của Nga. Mục tiêu của chúng tôi là sử dụng đòn bẩy của Bắc Kinh với Mátxcơva để thay đổi tính toán của Nga và góp phần giải quyết xung đột”, cố vấn Điện Elysee cho biết.
Một nguồn tin ngoại giao của Pháp cho biết: “Nếu Trung Quốc muốn làm sâu sắc hơn quan hệ với châu Âu, điều thực sự quan trọng là họ phải lắng nghe quan điểm của chúng tôi và bắt đầu xem xét nó một cách nghiêm túc”.
Ngày 7/5, ông Macron sẽ đưa ông Tập tới dãy núi Pyrenees, nơi sinh của bà ngoại ông mà ông đặc biệt yêu thích.
Cử chỉ này nhằm đáp lại việc ông Tập đưa ông Macron đến dự tiệc trà tại nơi ở cũ của cha ông ở thành phố Quảng Châu.
Theo ông Barkin, Tổng thống Macron đang cố gắng thu hút các nhà lãnh đạo nước ngoài về phe của mình bằng cách thiết lập quan hệ cá nhân với họ.
“Nhưng tôi hy vọng ông ấy không ảo tưởng rằng việc đưa ông Tập đến một nơi quan trọng đối với ông từ thời thơ ấu sẽ khiến ông Tập cảm động và dẫn đến sự thỏa hiệp của Bắc Kinh”.
Ông Tập sẽ rời Pháp vào chiều 7/5 để tới Serbia và Hungary.