Men say thảm đỏ

Nhà báo Mi Ly
Nhà báo Mi Ly
TPO - Trên thảm đỏ Liên hoan phim Cannes (Pháp) ngày khai mạc 17/5, một cô đào từng đóng phim sex của Trung Quốc mặc bộ váy đen cắt xẻ trông như trong phim kiếm hiệp, một thiết kế có tên gọi “trong men say”.

Cô tên Lam Yến, đóng vai chính trong Nhục bồ đoàn (2011), phim sex 3D đầu tiên của điện ảnh thế giới, một thời tai tiếng. Kể từ đó, cô khá vất vả tìm chỗ đứng trong thị trường điện ảnh chính thống. Việc đến Cannes lần này là một động thái. “Trong men say” (Túy mặc) là tên bộ sưu tập váy mà nhà thiết kế tạo nên khi... say rượu.

Dài dòng vậy, cũng chỉ là một thông tin từ nhân vật để truyền thông khai thác cho thêm phần ly kỳ, bởi ở Cannes, chỉ đẹp thôi cũng... nhàm. Ở đó ai chẳng đẹp? Như cuộc thi nhan sắc giữa các nữ thần Hy Lạp. Những Athena, Artemis và Aphrodite giành nhau quả táo của chàng Paris.

Bộ váy “lắm chuyện” của Lam Yến thể hiện hai ý: một - cô là người Trung Quốc, và hai - cô đang tìm kiếm danh tiếng. Cô chẳng mảy may che giấu điều đó. Mỗi năm, hàng chục người đẹp Hoa ngữ đổ bộ thảm đỏ Cannes mong trở thành Phạm Băng Băng thứ hai. Và hàng trăm người đẹp từ các nước khác nữa.

Trên thảm đỏ Cannes, liên hoan phim phù phiếm và hào nhoáng nhất thế giới, “vũ trụ” của những người đẹp nhất và những bộ váy đẹp nhất, mặc đẹp thôi chưa đủ. Còn phải mặc độc đáo, mặc nổi bật. Trong men say của danh tiếng. Không cần biết là lâu bền hay ngắn ngủi. Nhưng vẫn là danh tiếng.

Từ thập niên 50 người ta đã ùn ùn kéo đến Cannes để mặc đẹp. Bên bờ biển xanh ngắt trong nắng hè của thành phố cảng nước Pháp hơn 60 năm trước, Brigitte Bardot khoe da thịt thanh xuân tuổi 19 trong bộ bikini nhỏ xíu. Để chứng minh cho cả thế giới “Và Chúa đã tạo ra phụ nữ”. Còn nay, trên thảm đỏ Cannes 2017, ngồn ngộn một Bella Hadid, cô người mẫu Mỹ 20 tuổi có nhan sắc của một mỹ nhân 30, được dự báo sẽ tiến xa trong làng thời trang cao cấp, váy xẻ đến hông khoe trọn một bên giò nà nuột.

Men say Cannes lan sang Việt Nam từ mấy năm nay. Đầu tiên, chúng ta “say lây”. Say từ khi những tên tuổi châu Á quen thuộc với chúng ta, nổi bật là diễn viên Trung Quốc Phạm Băng Băng, bắt đầu trở thành ngôi sao thời trang tại Cannes, sau lần đầu tiên xuất hiện với bộ váy rồng phượng chơi nổi ở LHP năm 2010. Từ đó đến nay đã 7 năm, vật đổi sao dời. Phạm Băng Băng năm nay chễm chệ giám khảo Cannes, phù hợp với mục đích mở rộng danh tiếng của LHP này đến thị trường 1 tỷ dân của đất nước cô.

Phạm Băng Băng cũng là ngôi sao tiên phong trong trào lưu “đến Cannes không cần phim ảnh, chỉ cần mặc nổi”. Suốt 7 năm dự Cannes, không năm nào cô có vai trò diễn viên hay đạo diễn trong phim tranh giải hoặc trình chiếu, nhưng năm nào cô cũng nổi, và năm nay thì được thăng hạng lên hẳn ghế giám khảo. Phạm Băng Băng, hay Brigitte Bardot, là những ví dụ điển hình về các ngôi sao được Cannes “giới thiệu với thế giới”.

 Đóng phim hay sản xuất một phim đủ hay để đường đường chính chính tham dự với tư cách diễn viên hay đạo diễn thì khó. Mặc đẹp mặc nổi dù sao cũng dễ hơn (dù với những người ít tiền thì cái nào cũng khó cả). Thế nên nhiều người chọn.

Lý Nhã Kỳ chẳng hạn. Những năm gần đây truyền thông nước nhà bắt đầu đặt Lý Nhã Kỳ cạnh Phạm Băng Băng trên những tít bài về ăn mặc ở Cannes, cứ như thể “Trung Quốc có Phạm Băng Băng thì Việt Nam có Lý Nhã Kỳ” vậy. Nói vậy mới nhớ Lý Nhã Kỳ cũng có làm diễn viên, đóng vài phim. Nhưng khổ cái bình thường cô lên báo với các thông tin không phải về vai diễn hay dự án điện ảnh nên người ta có quên cũng là điều đáng thông cảm.

Biết làm sao được vì Cannes đón nhận cả hai: đỉnh cao hào nhoáng và đỉnh cao nghệ thuật. Đó là chưa kể, nghệ thuật có thể là đam mê và tâm huyết của người này, nhưng đồng thời là món trang sức đính trên bộ váy đắt tiền của người kia. Với người này, nó là cả cuộc đời, nhưng với người kia, nó chỉ là một cuộc tiệc tùng hạng A bất tận.

Chỉ tiếc là trong mắt công chúng Việt, Cannes dần trở thành một tuần lễ thời trang không hơn không kém. Xem phim ư? Bom tấn ở rạp là đủ rồi.

MỚI - NÓNG