Xung quanh tam giác Mỹ - Nhật - Philippines

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên lần đầu tiên vào ngày 11/4 tại Washington DC. Đây là cơ chế tiểu đa phương mới nhất, sau Mỹ-Nhật-Hàn, AUKUS, Quad…

Hồi giữa tháng 3, Nhà Trắng tuyên bố rằng, 3 nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Philippines sẽ thúc đẩy mối quan hệ đối tác 3 bên dựa trên mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ, đang tăng trưởng, sự cam kết đối với các giá trị dân chủ chung và một tầm nhìn chung về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Cả Mỹ và Nhật Bản có chiến lược về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Philippines không có chiến lược tương tự, nhưng nước này rất quan tâm vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, theo giới quan sát, vấn đề Biển Đông, cụ thể là tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Philippines với Trung Quốc không phải là lớn nhất vì mức độ nóng không cao, các xích mích từ trước tới nay dù ở mức cao nhất vẫn nằm trong chiến thuật vùng xám.

Xung quanh tam giác Mỹ - Nhật - Philippines ảnh 1

Mỹ, Nhật Bản, Úc và Philippines dự kiến tiến hành “hoạt động hợp tác hàng hải” ở Biển Đông, phía Philippines thông báo ngày 6/4. Trong ảnh: Tàu huấn luyện MV Kapitan Felix Oca của Philippines (do công ty Nhật Bản chế tạo), Ảnh: Filstar

Vấn đề lớn nhất mà Mỹ-Nhật Bản-Philippines nhắm tới là vấn đề Đài Loan hiện tương đối nóng và sẽ còn nóng trong thời gian dài, GS James Borton, Viện Chính sách đối ngoại, ĐH Johns Hopkins (Mỹ), nhận định với phóng viên. Với Mỹ, Nhật Bản và Philippines vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương của Mỹ, giúp Mỹ nhanh chóng triển khai binh sĩ, vũ khí, khí tài trong khu vực. Mỹ có 23 căn cứ quân sự ở Nhật Bản và có 9 căn cứ quân sự ở Philippines, bao gồm 4 căn cứ mới mà Philippines đồng ý hồi năm ngoái.

Trong khi đó, Nhật Bản muốn nâng vai trò, vị thế của mình trong khu vực, bằng cách tăng tương tác, tương hỗ quân sự, bán vũ khí cho Philippines, thậm chí đưa quân tới đồn trú tại các căn cứ quân sự ở nước này. Điều này sẽ sớm diễn ra vì Nhật Bản và Philippines đang đàm phán ký kết 2 thỏa thuận. Một là thỏa thuận mua sắm và phục vụ chéo. Hai là thỏa thuận về lực lượng thăm viếng lẫn nhau. Hai thỏa thuận này tương tự các thỏa thuận Mỹ đã ký kết với nhiều nước, trong đó có Philippines. Ví dụ, thỏa thuận mua sắm và phục vụ chéo là một cơ chế chính thức cho phép Bộ Quốc phòng Mỹ tiếp nhận và trong một số trường hợp cung cấp hỗ trợ hậu cần, vật tư và dịch vụ trực tiếp từ/đến các quốc gia, tổ chức quốc tế đủ điều kiện.

Tuy nhiên, ngoài vấn đề an ninh, Mỹ-Nhật Bản-Philippines trong bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực vẫn èo uột như hiện nay cũng muốn tăng cường hợp tác kinh tế. Hồi tháng 3, Bộ trưởng Thương mại Mỹ lần đầu tiên dẫn đầu một phái đoàn thương mại và đầu tư ở cấp độ tổng thống gồm 22 doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ tên tuổi đến Philippines để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế. Trong khi đó, Philippines muốn cùng Mỹ ký thỏa thuận thương mại tự do trong một lĩnh vực cụ thể, ví dụ khoáng sản, đặc biệt là ni-ken vì kim loại này được dùng trong pin của xe điện. Philippines giàu khoáng sản, Mỹ có thể dễ dàng tiếp cận nguồn nguyên liệu này nếu hai bên ký thỏa thuận.

Củng cố quan hệ 3 nước

Theo giới quan sát, ai cũng có thể nhận thấy rõ rằng, liên minh 3 bên Mỹ-Nhật Bản-Philippines nhằm củng cố quan hệ 3 nước, đồng thời nhằm tập hợp đồng minh, đối tác để đối phó Trung Quốc - nước có ảnh hưởng càng lúc càng tăng về ngoại giao, kinh tế, quân sự ở ASEAN nói riêng, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, tại thượng đỉnh 3 bên sắp tới, họ sẽ tuyên bố thành lập cơ chế có tên JAPHUS, kiểu như tên liên minh AUKUS. Nhưng giới quan sát cho rằng, họ sẽ không đặt tên liên minh vì 2 lẽ. Đặt tên AUKUS đã bị Trung Quốc phản đối, cảnh giác. Đặt tên liên minh 3 nước mà có 2 nước sát nách Trung Quốc thì sẽ càng bị phản đối. Ngoài ra, danh chính ngôn thuận đặt tên như Quad và AUKUS cũng chưa đem lại kết quả thiết thực. Quad thì ngại đề cập vấn đề an ninh, AUKUS thì gặp vướng mắc trong quá trình đóng tàu ngầm hạt nhân, theo GS Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc, Đại học New South Wales).

Theo các nhà phân tích, Mỹ-Nhật Bản-Philippines sẽ không đặt tên liên minh 3 bên mà âm thầm đồng thuận về quyết sách đối ngoại và tăng cường hợp tác kinh tế. Sau khi thành công với Diễn đàn Kinh doanh Mỹ-Nhật Bản năm 2023 (đem lại cam kết đầu tư 11 tỷ USD), Mỹ và Philippines sẽ cùng chủ trì Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, dự kiến vào ngày 21/5.

Mỹ, Nhật Bản và Philippines đã cùng tập trận quân sự nhưng sự phối hợp và hợp tác vẫn còn ở mức thấp. Thượng đỉnh lần này sẽ xác định cơ chế phối hợp và hợp tác ở mức cao hơn. Ví dụ, Mỹ, Nhật Bản và Philippines sẽ tăng độ tương tác, tương hỗ khi tập trận chung; lần đầu tiên tuần tra chung trên Biển Đông, khả năng vào cuối năm 2024, GS Borton nhận định.

Mỹ có thể chấp nhận Nhật Bản trở thành đối tác công nghệ trong khuôn khổ AUKUS, trong khi Nhật Bản có thể nâng cấp quan hệ với Philippines lên mức gần như đồng minh, như với Anh và Australia, một nhà ngoại giao Nhật Bản nhận định với phóng viên. Lãnh đạo Nhật Bản đã đồng ý cung cấp thiết bị radar giám sát bờ biển cho quân đội Philippines.

Hợp tác Mỹ-Nhật-Hàn hợp tác

Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc mới đây đồng thuận sử dụng các khuôn khổ thông tin hiện có, bao gồm Thỏa thuận Chia sẻ thông tin ba bên (TISA) để tăng cường điều phối và hợp tác giữa 3 nước để phản ứng với các vụ thử hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên. Họ đồng thuận về 3 nhóm giải pháp chính. Một là kết nối các hệ thống radar của 3 nước để chia sẻ thông tin kịp thời, hiệu quả về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Hai là tăng tập trận phòng vệ tên lửa và tập trận chống tàu ngầm để răn đe Triều Tiên. Ba là nối lại tập trận 3 bên, bao gồm can thiệp trên biển và chống cướp biển.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.