Liên minh Mỹ - Nhật nguy cơ rạn nứt từ vụ rơi máy bay Osprey

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Vụ tai nạn chết người của máy bay Mỹ V-22 Osprey Nhật Bản khiến người dân địa phương lo ngại về mức độ an toàn, nhất là khi Washington bất chấp yêu cầu của Tokyo về việc phải tạm dừng sử dụng dòng máy bay cánh nghiêng này.
Liên minh Mỹ - Nhật nguy cơ rạn nứt từ vụ rơi máy bay Osprey ảnh 1

Các thành viên Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tìm kiếm chiếc V-22 Osprey của Mỹ sau tai nạn. (Ảnh: Kyodo)

Báo Japan Times dẫn lời các chuyên gia cho rằng Mỹ nên đáp ứng yêu cầu của Nhật Bản về việc cải thiện hoạt động của các căn cứ quân sự tại quốc gia châu Á, sau khi Tokyo yêu cầu Washington dừng các chuyến bay của Osprey và cung cấp thông tin chi tiết về vụ tai nạn mới nhất.

Chuyên gia cảnh báo rằng nếu xử lý kém vụ tai nạn, hai chính phủ sẽ làm xói mòn sự ủng hộ của dư luận đối với quan hệ liên minh, từ đó có thể làm suy yếu năng lực răn đe ở các hòn đảo xa xôi phía tây nam Nhật Bản, trong bối cảnh hai nước đều muốn tăng cường năng lực răn đe chung ở khu vực.

Ngày 29/11, một trong sáu máy bay vận tải CV-22 Osprey của Mỹ được điều tới căn cứ không quân Yokota ở ngoại ô phía tây Tokyo đã biến mất khỏi radar ở ngoài khơi đảo Yakushima, tỉnh Kagoshima.

Chiếc Osprey khi đó đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện định kỳ, với 8 người trên khoang.

Cùng ngày, Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản xác nhận một người trong số đó thiệt mạng, là trường hợp tử vong đầu tiên ở Nhật Bản do tai nạn liên quan đến máy bay Osprey. Đến giờ chưa rõ số phận của bảy người còn lại.

Sau vụ tai nạn, Tokyo kêu gọi Washington đình chỉ hoạt động của các máy bay Osprey, ngoại trừ hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, cho đến vụ tai nạn được làm rõ. Tuy nhiên, lực lượng Mỹ tại Nhật Bản phớt lờ yêu cầu này, tiếp tục vận hành các máy bay Osprey khác ngoài CV-22.

Ông Mike Mochizuki, phó giáo sư khoa học chính trị và các vấn đề quốc tế tại ĐH George Washington ở thủ đô của Mỹ, đánh giá: “Nếu Mỹ không tuân thủ yêu cầu của Tokyo về đảm bảo an toàn cho các chuyến bay Osprey, điều đó sẽ làm suy yếu niềm tin và sự ủng hộ của dư luận Nhật Bản đối với liên minh song phương”.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno bày tỏ quan ngại về việc Mỹ tiếp tục vận hành các máy bay Osprey "mà không có lời giải thích đầy đủ về an toàn", bất chấp yêu cầu nhiều lần từ Tokyo.

Ông Takuma Nakashima, giáo sư lịch sử chính trị và ngoại giao Nhật Bản tại Đại học Kyushu, nhận xét: “Về mặt an ninh quốc gia, sẽ rất bất lợi cho Tokyo và Washington khi rơi vào tình trạng mất lòng tin lẫn nhau”.

Ông cho rằng Nhật Bản và Mỹ nên tránh làm tổn hại đến uy tín của liên minh, nhất là khi hai bên đang phối hợp tăng cường năng lực phòng thủ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đến nay đã xảy ra một số vụ tai nạn liên quan đến máy bay Osprey.

Năm 2016, một chiếc MV-22, phiên bản được Thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng, gặp sự cố ở ngoài khơi tỉnh Okinawa, khiến 2 người trên máy bay bị thương. Các vụ tai nạn ở Úc vào năm 2017 và tháng 8 năm nay khiến 3 người tử vong.

Lực lượng Mỹ tại Nhật Bản đưa sáu chiếc MV-22 tại đến căn cứ không quân Thủy quân lục chiến Futenma ở Okinawa năm 2012. Đến nay, căn cứ này có 24 chiếc như vậy.

Ngày 30/11, Thống đốc Okinawa Denny Tamaki bày tỏ “đáng tiếc” khi những chiếc Osprey của Mỹ vẫn tiếp tục hoạt động trong khi nguyên nhân vụ tai nạn vẫn chưa được xác định. Thị trưởng thành phố, nơi đặt căn cứ Futenma, cho rằng hành động này là "làm tăng thêm nỗi sợ hãi của người dân".

Theo Japan Times
MỚI - NÓNG