Xây nhóm nghiên cứu mạnh tại các trường ĐH: Tháo nút thắt nghiên cứu khoa học

Xây nhóm nghiên cứu mạnh tại các trường ĐH: Tháo nút thắt nghiên cứu khoa học
TPO - Trong bối cảnh nguồn tài chính hạn hẹp, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhiều trường đại học, các nhà khoa học vẫn lặng lẽ từng bước kéo gần khoảng cách giữa lý thuyết với thực tế bằng việc chuyển giao công nghệ, tăng số lượng chất lượng công bố quốc tế. Một trong những giải pháp được đưa ra là xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh.

Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên) từ năm 2018 đến nay đã thành lập 14 nhóm nghiên cứu mạnh. Trong đó có nhóm nghiên cứu của PGS.TS Phạm Thành Long, Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trưởng bộ môn Cơ điện tử đã nghiên cứu, sáng chế thành công nhiều sản phẩm công nghệ hiện đại, tiện ích được xã hội thừa nhận.

Ông chia sẻ, trên thị trường hiện có nhiều loại két sắt, thuộc nhiều hãng khác nhau, sử dụng công nghệ khác nhau., nhưng cơ bản chưa bảo đảm an toàn. Để khắc phục những hạn chế này, ông thực hiện công trình khoa học “Két sắt cơ điện tử” có tính năng bảo mật tuyệt đối. Khóa có đặc điểm tạo ra những chuyển động tiếp tuyến giữa các bộ phận cơ khí. Tiếng ồn được triệt tiêu, hacker không thể sử dụng ống nghe để dò tìm mã khóa. Đặc biệt, ổ khóa không để lỗ khóa, do đó bộ khóa gần như không có điểm yếu. Việc xác định vị trí tay xoay được thiết kế dựa trên nguyên lý quang học, nên người ngoài muốn xâm nhập két cũng không thể dò mã khóa.

Ngoài ra, nhóm còn có nhiều công trình khoa học, các đề tài sau nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế. Năm 2020, phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, nhóm của PGS. Long đã thiết kế, chế tạo thành công hai sản phẩm mới: Robot phục vụ khu cách ly và máy cấp dung dịch sát khuẩn tự động.

Trường ĐH Phenikaa (trước đây là trường ĐH Thành Tây) trong hai năm qua cũng đã có 10 nhóm nghiên cứu mạnh ra đời. Nhóm nghiên cứu Tối ưu hoá các hệ thống lớn của TS. Hà Minh Hoàng dù mới được thành lập giữa năm 2020 nhưng đã có nhiều sản phẩm được đưa vào ứng dụng.

TS. Hà Minh Hoàng cho biết, nhóm sử dụng các kỹ thuật của Vận trù học, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo để xây dựng các mô hình toán học, các thuật toán thông minh giúp ra quyết định tốt hơn, mang lại nhiều giá trị hơn cho các tổ chức, công ty hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau.

Một trong những sản phẩm của nhóm được ứng dụng tại trường là cụm phần mềm phục vụ cho ĐH thông minh. Hệ thống quản lý và hỗ trợ ra quyết định tuyển sinh có các tính năng như quản lý hồ sơ, phân loại, lọc trùng thí sinh, thống kê, phân tích thông minh, thuật toán thông minh xử lý lọc ảo, hỗ trợ ra quyết định điểm trúng tuyển...

Hệ thống lập thời khóa biểu tự động sử dụng thuật toán thông minh xử lý đa dạng các ràng buộc xuất phát từ nhu cầu lập thời khoá biểu cho sinh viên đăng ký tín chỉ, giảm hơn 85% thời gian và công sức lập thời khoá biểu so với làm thủ công.

Hiện nay, hệ thống quản lý và tự động lập kế hoạch làm việc theo ca kíp của nhóm đang được ứng dụng tại Nhà máy thuỷ điện Lai Châu, bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Tháo nút thắt

GS. TS. Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho hay, năm 2020, chuyển giao công nghệ của ĐH đã thu được gần 200 tỷ đồng. Riêng trường ĐH Nông Lâm, ĐH Thái Nguyên đã mang lại hơn 100 tỷ đồng. Đồng thời, ĐH Thái Nguyên đã có gần 100 bài báo quốc tế trên các tạp chí nổi tiếng ISI, đứng vị trí thứ 3 của cả nước về chỉ số nội lực trong công bố khoa học.

GS. Phạm Hồng Quang thông tin, tới đây ĐH Thái Nguyên sẽ nghiên cứu xây dựng quy chế giảng dạy, không nhất thiết GS phải dạy nhiều hơn PGS hay PGS phải dạy nhiều hơn tiến sĩ. Trọng số nghiên cứu khoa học sẽ được cân bằng với trọng số giảng dạy để tránh tình trạng áp dụng quy định hành chính cứng nhắc vào học thuật. Đây cũng là tồn tại nhiều năm cần tháo gỡ. "Nếu trước kia đào tạo chưa sát với thực tế, nghiên cứu còn dựa trên nhiều ý tưởng viển vông thì ngày nay muốn phát triển bền vững, cả đào tạo và nghiên cứu phải bám sát nhu cầu thực tiễn của xã hội" - GS.TS Phạm Hồng Quang, chia sẻ.

PGS.TS Vũ Ngọc Pi, hiệu phó trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp, ĐH Thái Nguyên, cho biết trường đã tạo cơ chế mở, khuyến khích nhóm liên kết với doanh nghiệp mở phòng thí nghiệm, cấp kinh phí cho nhóm thông qua các đề tài, có thưởng khi nhóm có công bố quốc tế. Nhóm cũng chủ động thiết kế nghiên cứu dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tăng năng suất, chất lượng cho sản phẩm.

Đứng từ góc độ nhà khoa học, PGS.TS Phạm Thành Long (trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp, ĐH Thái Nguyên) cho rằng: “Nếu chỉ ngồi ở trường ĐH nghiên cứu rồi mang sản phẩm đến các doanh nghiệp chào hàng sẽ vừa bí về vốn vừa khó chuyển giao. Vì vậy, nhà khoa học phải biết doanh nghiệp cần gì để cùng nghiên cứu sản xuất. Đây cũng chính là “lối thoát” hiện nay”, PGS. Long nói.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm 2020, cả nước có 17.028 bài báo đăng tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus, trong đó toàn hệ thống giáo dục ĐH có 16.346 bài.

Hiện Bộ GD&ĐT đang xây dựng nghị định nhằm "cởi trói" cho hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, Nhà nước khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục đại học, khuyến khích các cơ sở này phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, hợp tác về khoa học công nghệ với doanh nghiệp để cùng khai thác tài sản trí tuệ, chia sẻ lợi ích.

MỚI - NÓNG
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.