Sáng qua, trong dòng người đến thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội), có thầy Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên giáo viên Trường Nguyễn Gia Thiều, người sáng lập ra hệ thống giáo dục Nguyễn Siêu, Cầu Giấy, Hà Nội cùng các thầy cô giáo Trường Nguyễn Siêu đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thầy Nguyễn Trọng Vĩnh được dìu đến thắp hương tiễn biệt người học trò Nguyễn Phú Trọng |
Thầy Vĩnh từng là thầy giáo dạy môn Mác Lênin năm lớp 10 của Tổng Bí thư tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều. Ông nhớ, đó là những năm 1958-1960.
Ánh mắt rưng rưng xúc động, thầy giáo Nguyễn Trọng Vĩnh kể, thuở còn đi học, Tổng Bí thư là một người vô cùng hiền lành, chăm chỉ và lễ phép với thầy cô giáo. Sau này, khi ở vị trí lãnh đạo, học trò và thầy vẫn luôn có sự gắn bó thân thiết.
Tiễn học trò về cõi vĩnh hằng, thầy Vĩnh xúc động ghi vào sổ tang những lời từ đáy lòng: “vô cùng thương tiếc anh Nguyễn Phú Trọng, người Cộng sản kiên cường trong đấu tranh vì sự nghiệp xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Trọn cuộc đời cống hiến cho nước nhà, anh kiên định lấy xây dựng con người làm gốc, quan tâm sâu sắc đến các thầy cô giáo và các cháu học sinh. Tôi không thể nào quên những chia sẻ ân cần, chí tình, chí nghĩa của anh dành cho thầy trò chúng tôi. Chúng tôi sẽ luôn ghi nhớ để xây dựng sự nghiệp trồng người, đào tạo học sinh trở thành những công dân hữu ích...”
Tổng Bí thư “ Giỏi môn văn, mê dòng văn học cách mạng…”
Đi cùng thầy Vĩnh tiễn đưa học trò ưu tú hôm qua còn có người bạn đời là cô Dương Thị Thịnh, cũng là bạn học cùng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều với Tổng Bí thư. Cô Thịnh nghẹn ngào: “Dẫu biết đời người là hữu hạn/ Mà sao lòng vẫn trĩu đau buồn/ Hôm nay sang quê nhà Đông Hội/ Tiễn người anh về cõi Tây phương...”. Trong ký ức của cô, sinh thời, “đàn anh” Nguyễn Phú Trọng nổi tiếng là ngoan và học giỏi đứng top đầu các bạn cùng trang lứa.
Trong cuốn kỷ yếu “Lứa học trò thuở ấy”, chân dung Tổng Bí thư những năm tháng tới trường hiện lên: “Hồi ấy, bất cứ cuộc thi nào, trường Nguyễn Gia Thiều cũng xếp trên các trường danh tiếng trong nội thành. Anh Trọng là một cái tên thường có trong các kì thi học sinh giỏi của thành phố. Anh giỏi môn Văn, mê dòng văn học cách mạng, yêu say đắm tác giả Hồ Chí Minh và Tố Hữu.
Khi đang học lớp 10, anh đã từng làm cho bạn bè “tròn mắt” với bài thuyết trình dài trong các buổi ngoại khóa, về một đề tài xã hội mà cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” ít ai quan tâm, đó là: thân phận của người nông dân trong tác phẩm "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố, "Bỉ vỏ" của Nguyên Hồng… Thì ra, ngay từ thuở ấy anh đã thấm cái đau của nỗi đau con người, khắc khoải cái khắc khoải của lương tri: tốt - xấu, mất - còn…”, cô Thịnh kể.
Cô Thịnh cũng nhớ lại, tháng 11/2004, Tổng Bí thư khi đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội đã về thăm trường Nguyễn Siêu nhân dịp 20/11 và chia sẻ, dặn dò, động viên thầy trò nhà trường với những lời sâu sắc, tâm huyết với giáo dục.
Tổng Bí thư đã dành lời khen ngợi về trường, trước hết là hướng đi “rất đúng” khi chú trọng dạy học toàn diện, chú trọng đạo đức, dạy từ đường ăn nết ở chứ không phải dạy cái gì cao xa. Rồi ngay cách thay đổi tên gọi học sinh từ “em” sang “con” cũng là một cách sáng tạo, gần gũi”, cô Thịnh nhớ lại từng lời chia sẻ đầy tâm huyết của Tổng Bí thư trong buổi về thăm trường.
Không chỉ khen ngợi nhà trường, Tổng Bí thư cũng nhắn nhủ Ban giám hiệu và đội ngũ thầy cô giáo nhà trường: “không nên bằng lòng với những gì đạt được vì trước mắt còn nhiều khó khăn. Phải luôn luôn không bằng lòng thì mới tiến lên được, còn cho là mình đã tuyệt vời rồi thì sẽ thụt lùi lúc nào không biết”.
Còn trong kí ức của thầy Nguyễn Kim Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Ba Đình, quận Ba Đình (Hà Nội) vẫn không thể nào quên ngày Tổng Bí thư khi đó là Chủ tịch Quốc hội về thăm trường. Đó là vào một buổi sáng, khi đi tiếp xúc cử tri, ông cùng đoàn đã đến thăm thầy trò. Năm đó, trường THCS Ba Đình vừa được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia nên từ thầy cô, nhân viên ai cũng vui tươi, phấn chấn.
Thầy Dũng nhớ lại, khi đến thăm trường, ông ra ngoài sân ngắm nhìn cảnh quan rồi khen: “trường của thầy cô khang trang, sạch đẹp”. Lên phòng truyền thống, bác căn dặn: “trường có nhiều thành tích tốt nhưng vẫn phải luôn cố gắng; các thầy cô tích cực xây dựng nhà trường, đào tạo đội ngũ giáo viên, chú ý chăm lo chu đáo cho học sinh”.
Khi đó, Ban giám hiệu và thầy cô giáo ai cũng ghi nhớ lời dạy của ông để cùng với việc cạnh dạy dỗ là chú ý chăm lo chu đáo cho học sinh. Khi hay tin Tổng Bí thư mất, thầy Dũng bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn bởi ông là một vị lãnh đạo mẫu mực, giản dị, gần gũi với dân.