Vốn con người (HC), theo WEF, là chỉ số đánh giá mức độ giáo dục, kỹ năng của người lao động và việc làm ở năm nhóm tuổi từ 15 đến trên 65.
Tức là đo lường khả năng nuôi dưỡng tài năng thông qua giáo dục, phát triển kỹ năng ở tất cả mọi giai đoạn trong vòng đời của con người. Nói cách khác, đây là chấm về kỹ năng khai thác tiềm năng của con người. Phần Lan là nước đứng đầu và khai thác được 86% tiềm năng vốn con người, còn Việt Nam gần 68,5%, trung bình khá.
Trước đó chưa lâu, báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) xếp Việt Nam thứ 12 về kết quả khảo thí môn Toán và khoa học của học sinh độ tuổi 15, qua mặt cả Mỹ và Úc ! Trong khi trong xếp hạng của WEF, nếu tính riêng “vốn con người” lứa tuổi dưới 15, thì Việt Nam chỉ đứng ở vị trí 78. Nghĩa là thấp 66 bậc so với chỉ số của OECD...
Nhưng thôi, tạm bỏ qua cách thế giới “đo đếm” chúng ta. Bởi mọi con số chỉ là tương đối. Như hàng loạt những chỉ số đo về mức độ hạnh phúc trước đó. Mà hãy nhìn vào thực tế khai thác tiềm năng con người đang diễn ra ở xứ mình. Không phải ngẫu nhiên, Thủ tướng vừa lần đầu tiên gặp gỡ hơn 60 nhà sáng chế không chuyên, mà chủ yếu là những bác “Hai Lúa” với những sản phẩm khoa học, công nghệ nổi tiếng tầm thế giới.
Sự tin tưởng, khuyến khích và đặt hàng của nhà nước vào những nhà khoa học “chân đất”, là tín hiệu vui, nhưng cũng không khỏi chạnh lòng. Khi đông đảo những binh chủng nghiên cứu khoa học chính quy còn “lạc” ở đâu đó giữa cuộc sống này, khiến nhiều nơi cán bộ quản lý thị trường phải kiểm tra chất lượng phân bón…bằng miệng như Bộ trưởng Công thương từng tiết lộ trước Quốc hội.
Lứa học trò 15 tuổi nước mình có thể “vượt mặt” học trò đồng lứa Mỹ, Úc về Toán và khoa học, nhưng lại bị tụt phía sau rất xa trong cuộc đua đường dài, ít nhất chỉ vài năm sau đó. Khi cho đến giờ, tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam vẫn còn khá chật vật, kể cả với kỹ sư, cử nhân đào tạo chính quy. Tỉ lệ nhận về rồi đào tạo lại còn cao.
Việt Nam đang trong cơ cấu “dân số vàng” về độ tuổi lao động, nhưng đó vẫn chỉ là một lợi thế không đáng kể, khi chất lượng nguồn nhân lực ấy chưa tương xứng. Là nguồn tài nguyên, nhưng vẫn phải xuất khẩu lao động thô với các ngành nghề đơn giản theo cách xuất bán nguyên liệu thô như hiện nay, hình ảnh quốc gia bị ảnh hưởng không nhỏ. Hạn chế xuất khẩu lao động không có tay nghề đang là câu chuyện thời sự của những quốc gia đồng “cảnh ngộ”, liệu có là bài học cho ta? Và khai thác vốn tiềm năng của con người được đến đâu, nếu trong nhiều lĩnh vực vẫn còn thiếu tôn trọng con người.