Vì sao Phật không dạy đốt vàng mã?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tháng 7 mùa Vu lan báo hiếu là một trong những dịp người dân mua và đốt vàng mã nhiều nhất. Từng có thời gian người dân lên chùa cũng dâng và đốt vàng mã nhiều vô kể, song giáo lý nhà Phật không có điển tích nào về đốt vàng mã.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - khẳng định với Tiền Phong trong giáo lý nhà Phật không có điển kinh nào của Tam Thừa nói về việc đốt mã.

“Đức Phật luôn luôn dạy chúng ta sống trong hiện tại. Đó là quan niệm nhất quán. Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng”, Hòa thượng nói.

Vì lẽ đó mà dịp Vu lan báo hiếu nhà chùa khuyến khích Phật tử, người dân hãy biết trân quý hiện tại khi cha mẹ còn trong nhà, đừng để mất cha mẹ rồi mới sửa soạn mâm cao cỗ đầy.

Sau khi có văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc không đốt vàng mã tại chùa, cơ sở tự viện, hiện tượng đốt vàng mã có chuyển biến tích cực.

Vì sao Phật không dạy đốt vàng mã? ảnh 1

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đánh giá cao sự chuyển biến tích cực của Phật tử về khuyến cáo không đốt vàng mã. Ảnh: Công Hướng.

“Phật tử có chuyển biến rất mạnh thông qua các thông báo của Giáo hội cũng như là sự dạy bảo của các thầy. Các thầy cũng được quán triệt tinh thần của Phật giáo thuần túy, cho nên trong các dịp lễ hầu hết đều ý thức được rằng đốt mã là không cần thiết. Đầu tiên là tốn kém, thứ hai là ảnh hưởng tới môi trường, thứ ba liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy”, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói.

Việc đốt mã phụ thuộc quan điểm dân gian vì thế cần quá trình hướng dẫn và thời gian để thích nghi. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng việc đốt mã vẫn còn bởi có cung sẽ có cầu. "Nếu có người làm vàng mã chứng tỏ mặt hàng này vẫn có người mua, vì thế tôi cho rằng phải hướng dẫn từ từ”, Hòa thượng nói.

Vì sao Phật không dạy đốt vàng mã? ảnh 2

Phật tử Nguyễn Thị Hà (Long Biên, Hà Nội) từ 2009 đã không đốt vàng mã.

Phật tử Nguyễn Thị Hà (Ngọc Lâm, quận Long Biên) cho biết từ năm 2009 biết đến Phật pháp, lên chùa được các thầy giảng pháp đã thực hành bỏ đốt vàng mã tại gia.

“Tiền vàng có đốt đi thì người âm cũng không tiêu dùng được, lại vừa lãng phí tiền của, gây ô nhiễm môi trường và cháy nổ. Tôi cũng khuyên các con cháu không nên đốt vàng mã, nhất là đối với các gia đình ở chung cư”, bà Nguyễn Thị Hà nói.

Thay vì việc đốt vàng mã, bà khuyên con cháu dùng số tiền ấy làm từ thiện hoặc mua hoa quả dâng cúng lên Phật và gia tiên. Vào dịp Vu lan báo hiếu, thực hành theo những lời giảng pháp của các thầy, bà Hà luôn nhắc nhở các con không có gì quý hơn khi còn cha mẹ trên đời. Vì thế Vu lan là dịp tụng kinh tại gia và lên chùa tụng kinh và nghe pháp và chia sẻ với cha mẹ.

Trong Việt Nam phong tục, nhà nghiên cứu Phan Kế Bính chỉ ra rằng tục đốt mã xuất phát từ Trung Quốc. Đời xưa thường dùng đồ ngọc bạch để cúng tế, đời sau dùng tiền để thế cho ngọc bạch. Đến đời vua Huyền Tôn nhà Đường thấy dùng tiền phí mới truyền cho làm tiền giấy thay vào, sau này lại chế thêm áo giấy, mũ giấy mà cúng cấp quỷ thần.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.