Làm bản sao phải dựa trên bản gốc
Ngày 16/9, Cục Di sản văn hóa có công văn gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Nam Định liên quan đến việc tiếp nhận bản phục hồi sắc phong tại Phủ Vân Cát (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).
Cục Di sản văn hóa cho biết đã nhận được công văn của Sở VHTTDL tỉnh Nam Định đề nghị có ý kiến về việc tiếp nhận bản phục hồi các sắc phong tại Phủ Vân Cát do Viện Nghiên cứu Hán Nôm thực hiện.
Trước đó ngày 6/9, UBND xã Kim Thái nhận được đơn đề nghị của thủ nhang Phủ Vân Cát, xã Kim Thái trình bày việc Viện nghiên cứu Hán Nôm thông báo thời gian bàn giao sắc phong cho địa phương xã Kim Thái và Phủ Vân Cát. Thủ nhang Phủ Vân Cát đã tổ chức hội nghị họp bàn và thống nhất việc đón nhận sắc phong thác bản, bản dịch các văn bia của Phủ Vân Cát.
Trong quần thể di tích Phủ Dầy có ba di tích chính gồm Phủ Tiên Hương, Lăng Liễu Hạnh (ở thôn Tiên Hương) và Phủ Vân Cát (ở thôn Vân Cát). |
UBND huyện Vụ Bản đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Nam Định xem xét, tạo điều kiện và hướng dẫn địa phương đón nhận sắc phong thác bản, bản dịch các văn bia của Phủ Vân Cát vào ngày 17/9.
Cục Di sản văn hóa kết luận công văn của UBND huyện Vụ Bản không thực hiện đúng quy định của Luật Di sản văn hóa vì việc làm bản sao chỉ được thực hiện khi có bản gốc và giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đại diện Cục Di sản văn hóa hoan nghênh trách nhiệm và ý thức của nhân dân, thủ nhang Phủ Vân Cát, chính quyền địa phương xã Kim Thái, huyện Vụ Bản và Sở VHTTDL tỉnh Nam Định trong việc tìm kiếm hiện vật, tư liệu liên quan đến di tích, góp phần vào công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích Phủ Dầy.
Tuy nhiên, việc triển khai phải bảo đảm tuân thủ theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
"Luật Di sản văn hóa quy định việc làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải căn cứ từ bản gốc, phải có bản gốc để đối chiếu và phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch. Luật chỉ quy định về việc phục hồi đối với di tích lịch sử - văn hóa, không quy định phục hồi di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia", công văn của Cục Di sản văn hóa nêu.
Việc thực hiện làm mới các sắc phong không tuân thủ quy định của Luật Di sản văn hóa có thể vi phạm vào hành vi bị nghiêm cấm.
Điều 4 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 quy định những hành vi làm sai lệch di tích như làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích như đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích hoặc tu bổ, phục hồi không đúng với yếu tố gốc cấu thành di tích và các hành vi khác khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch,...
Đề nghị dừng làm mới sắc phong
Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Nam Định dừng việc phối hợp với Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong việc làm mới các sắc phong nêu trên, chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn chính quyền địa phương không tổ chức tiếp nhận các hiện vật làm mới này vào di tích, hoặc sử dụng vì mục đích bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Trường hợp các sắc phong mới đã được làm xong, Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Nam Định chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra, hủy bỏ để không làm sai lệch di sản văn hóa.
Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Nam Định dừng việc phối hợp với Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong việc làm mới các sắc phong. |
Cục Di sản văn hóa cũng lưu ý để bổ sung các tư liệu nhằm củng cố lịch sử, giá trị của di tích theo nguyện vọng, đề xuất của thủ nhang, chính quyền và nhân dân địa phương, Sở VHTTDL tỉnh Nam Định có thể đề nghị, phối hợp với cơ quan nghiên cứu (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cung cấp bản sao tài liệu có đóng dấu sao y bản chính để lưu giữ, tham khảo.
Tuy nhiên việc sử dụng các tư liệu này vào công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích phải được thẩm định tính xác thực bằng văn bản của các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học có liên quan và phải có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Khoản 8 Điều 4 Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: Bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia là sản phẩm được làm giống như bản gốc về hình dáng, kích thước, chất liệu, màu sắc, trang trí và những đặc điểm khác.
Điều 46 Luật Di sản văn hóa năm 2001 quy định: Việc làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải bảo đảm các điều kiện có mục đích rõ ràng, có bản gốc để đối chiếu, có dấu hiệu riêng để phân biệt với bản gốc, có sự đồng ý của chủ sở hữu di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch.