Bất ngờ với không gian bảo tồn đồ chơi Trung thu thời 'ông bà anh'
TPO - Phường Bách Nghệ - Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Ứng dụng sản phẩm làng nghề Việt ra đời từ ý tưởng khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị của các sản phẩm thủ công truyền thống. Những ngày này, Phường Bách Nghệ trưng bày và tổ chức hoạt động trải nghiệm làm nhiều món đồ chơi Trung thu truyền thống như đèn ông sao, mặt nạ giấy bồi, tò he, đèn kéo quân...
Phường Bách Nghệ - Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Ứng dụng sản phẩm làng nghề Việt (Hà Đông, Hà Nội) được sáng lập tháng 6. Đây là tâm huyết của anh Ngô Quý Đức sau gần 20 năm nghiên cứu về các làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam.
Ban đầu anh Đức cùng một số cộng sự cho ra đời dự án Về làng với mong muốn có một kênh thông tin chia sẻ về các làng quê, các nghề truyền thống và sản phẩm thủ công của Việt Nam đến với cộng đồng.
Đau đáu khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị của các sản phẩm thủ công truyền thống, anh Ngô Quý Đức sáng lập Phường Bách Nghệ - Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Ứng dụng sản phẩm làng nghề Việt. Tại đây, anh Ngô Quý Đức cùng với một nhóm bạn trẻ theo học về mỹ thuật chuẩn bị nhiều chương trình, dự án nghiên cứu và phát triển sản phẩm thủ công của Việt Nam. Những ngày này, Phường Bách Nghệ trưng bày nhiều món đồ chơi Trung thu truyền thống như đèn ông sao, mặt nạ giấy bồi, tò he, đèn kéo quân,...
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền (phải) có kinh nghiệm hơn 70 năm làm đèn kéo quân, đồng hành với nhiều hoạt động của Phường Bách Nghệ. Những chiếc đèn kéo quân của nghệ nhân gạo cội được trưng bày tại đây.
Chia sẻ với Tiền Phong về mô hình khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị của các sản phẩm thủ công truyền thống, anh Ngô Quý Đức cho biết ý tưởng đã được ấp ủ từ lâu. Khi có địa điểm phù hợp, anh cùng các cộng sự bắt tay vào vận hành ngay.
Bên cạnh không gian trưng bày, Phường Bách Nghệ tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm làm đồ chơi Trung thu truyền thống cho du khách. "Các cộng tác viên làm việc tại đây phần lớn là người trẻ, được đào tạo tay nghề kỹ lưỡng. Hiện nay không gian trải nghiệm cho trẻ em không nhiều, các bạn trẻ cũng ít có dịp tiếp xúc với đồ chơi Trung thu của Việt Nam và các sản phẩm thủ công truyền thống", anh Ngô Quý Đức chia sẻ.
Qua những buổi trải nghiệm, du khách và đặc biệt là trẻ em hiểu hơn về Trung thu, những món đồ chơi truyền thống của thế hệ trước. Những sản phẩm đều cho thấy sự cầu kỳ, tỉ mỉ, trau chuốt khi làm ra một sản phẩm thủ công có chất lượng, từ đó thêm trân trọng tay nghề của những người thợ thủ công.
Hoạt động in mực bản, in tranh trên giấy dó được ưa thích. Dịp nghỉ lễ 2/9, Phường Bách Nghệ đón khoảng 200 lượt khách/ngày.
Mặt nạ giấy bồi là món đồ chơi Trung thu truyền thống, các bước làm mặt nạ cũng công phu. Sau khi hoàn chỉnh các bước tạo mặt nạ là công đoạn phơi nắng rồi tô màu trang trí.
Một vài năm trở lại đây, những sản phẩm thủ công truyền thống trở lại với đời sống của người Việt. Đồ chơi Trung thu cổ truyền cũng được quan tâm hơn. Bên cạnh lồng đèn, các sản phẩm mặt nạ với những nhân vật quen thuộc như ông Địa, chú hề, chú Tễu… được làm bằng giấy bồi với màu sắc tươi tắn dần thế chỗ cho những món đồ chơi nhập ngoại.